, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 13/02/2023, 06:00

Hành trang năm 2023

TS. NGUYỄN SĨ DŨNG
Năm 2022 trôi qua trong niềm vui và… cả sự thấp thỏm.

Vui là vì kinh tế tăng trưởng cao, đạt mức trên 8%; lạm phát được kiềm chế theo mục tiêu đã đề ra (dưới 4%); xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm đã tăng hơn 13,4%, xuất siêu 10,6 tỷ USD; vốn đầu tư nước ngoài giải ngân tăng 15,1% so với cùng kỳ năm ngoái; chỉ số sản xuất công nghiệp trong 11 tháng tăng 8,6%, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 8,9%; tiêu dùng trong nước tăng mạnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong 11 tháng đầu năm 2022 tăng tới 17,5%...

Năm 2022, mặc dù Chính phủ đã thực hiện hàng loạt chính sách nhằm hỗ trợ và nâng cao năng lực phục hồi cho doanh nghiệp, trong đó có các chính sách miễn giảm thuế, phí... nhưng tổng thu ngân sách đến hết tháng 11/2022 vẫn vượt 16,1% dự toán và tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước.

Những chỉ số trên khẳng định kinh tế vĩ mô vẫn ổn định và quan trọng hơn là nền kinh tế đã phục hồi sau đại dịch.

Tuy nhiên, vẫn có không ít thấp thỏm.

Trước hết, đó là áp lực lạm phát đối với nhiều nước trên thế giới vẫn còn rất lớn. Chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát vì vậy vẫn được rất nhiều nước áp dụng. Hệ quả là kinh tế của nhiều nước và kinh tế thế giới nói chung sẽ tiếp tục suy giảm tăng trưởng. Với một nền kinh tế có độ mở rất lớn như nước ta thì những ảnh hưởng tiêu cực là tất yếu. Biểu hiện dễ thấy nhất là số lượng đơn hàng cho nhiều doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp FDI ở Việt Nam đã bị cắt, giảm. Hệ quả là việc làm bị thiếu hụt. Một loạt doanh nghiệp phải cắt giảm lao động. Ở thời điểm năm hết, Tết đến, mất việc làm là tổn thất rất nặng nề đối với người lao động.

Các nhà kinh tế dự báo năm 2023 tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ ở mức khoảng 2%, giảm đáng kể so với năm 2022 và thấp hơn nhiều so với mức bình quân 3,3% của thập kỷ trước đại dịch. Mà như vậy, thì cầu của thị trường thế giới đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam chưa thể tăng lên. Công ăn, việc làm vẫn sẽ tiếp tục khó khăn.

Thứ hai, sự căng thẳng về thanh khoản có thể vẫn là một vấn đề rất lớn. Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với tình trạng dòng tiền bị cạn kiệt. Tiền đối với sản xuất, kinh doanh cũng như máu đối với cơ thể con người. Thiếu thanh khoản, nhiều doanh nghiệp đang bị đẩy vào tình trạng “chết lâm sàng”. Điều này chắc chắn ảnh hưởng đến sự tăng trưởng chung của nền kinh tế trong năm 2023.

Thứ ba, sự trì trệ của thị trường bất động sản cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế. Thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường bất động sản thời gian qua phần rất lớn do cầu đầu tư và đầu cơ. Khi thị trường trì trệ, sa sút, thì cầu này cũng suy giảm một cách hết sức nhanh chóng. Cầu giảm khiến doanh nghiệp không thể ra hàng. Đây, có lẽ là nguyên nhân chính khiến thanh khoản trở nên khó khăn đối với các doanh nghiệp bất động sản.

Bên cạnh đó, cầu đầu tư bất động sản còn bị suy giảm bởi chính sách đánh thuế cao đối với những người có nhiều nhà, đất. Chính sách này đã được công bố chính thức. Trên thực tế nó đã bắt đầu tác động lên thị trường bất động sản. Đáng lo ngại là đến nay, chính sách này vẫn chưa được thể chế hóa. Các nhà đầu tư đang chờ đợi hai quyết sách cụ thể: 1. Có bao nhiêu nhà, đất thì bị coi là nhiều; 2. Bị đánh thuế cao nhưng cụ thể là bao nhiêu. Trước khi hai câu hỏi nói trên được trả lời một cách rõ ràng và chắc chắn, khó có nhà đầu tư nào, đặc biệt là nhà đầu tư tư nhân dám xuống tiền mua bất động sản.

Thứ tư, sự trì trệ và né tránh trách nhiệm của bộ máy công vụ. Nghe khó tin, nhưng trong cuộc khủng hoảng trái phiếu doanh nghiệp vừa qua có “phần đóng góp” không nhỏ của bộ máy công vụ. Trên thực tế, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản thường huy động vốn qua trái phiếu để triển khai các dự án. Theo thông lệ, thời gian để hoàn thành các thủ tục pháp lý cho một dự án mất khoảng trên dưới 2 năm. Các doanh nghiệp đã căn cứ vào tiến độ này mà phát hành trái phiếu để huy động vốn. Thế nhưng lần này, thủ tục pháp lý cho các dự án kéo dài tới 3 - 4 năm vẫn không xong. Trong lúc đó, vốn trái phiếu đắt hơn vốn tín dụng rất nhiều, huy động vốn xong rồi mà không đưa vào sản xuất, kinh doanh được, thì lấy tiền đâu trả cả gốc lẫn lãi cho trái chủ?

Để giảm bớt thua lỗ, một số doanh nghiệp đã “xé rào” bằng cách đầu tư sai mục đích. Ngoại trừ một vài doanh nghiệp dùng vốn trái phiếu để thao túng thị trường, đa số các doanh nghiệp đầu tư sai mục đích quả thực chỉ là để giảm bớt thua lỗ. Thế nhưng, đầu tư sai mục đích lại là vi phạm pháp luật và bị xử lý. “Dùi đánh đục, đục đánh khăng”. Khi các doanh nghiệp bị xử lý, thì niềm tin đối với trái phiếu doanh nghiệp bị tổn hại. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng vì đó mà bị tổn hại theo…

Để bảo tồn thành tựu của năm 2022 và phấn đấu đạt mức tăng trưởng đã đề ra (6,5%), điều quan trọng là phải tập trung xử lý những vấn đề đất nước đang phải đối mặt.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất