, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 12/01/2018, 08:51

Hành trình 10 năm vú sữa xuất đi Mỹ: Người mừng kẻ tiếc người lo

Sau 10 năm đàm phán, cuối cùng thì vú sữa Việt Nam cũng được vào thị trường Mỹ. Trước thông tin này, lý ra tất cả mọi người đều phải vui mừng nhưng trên thực tế vẫn có “kẻ tiếc người lo”?

Ngày 27.9.2017, phía Mỹ đã có thông báo, Việt Nam được phép xuất khẩu trái vú sữa sang thị trường này. Như vậy, sau 10 năm đàm phán, loại trái cây đặc sản của Việt Nam mới chính thức có "visa" vào Mỹ. Việt Nam cũng là nước đầu tiên được cấp phép xuất khẩu vú sữa sang Mỹ. Theo đó, ngày 26.12.2017, tại Tiền Giang sẽ có lô hàng vú sữa đầu tiên được xuất khẩu sang Mỹ.

Nhiều người mừng

Chúng tôi đến xã Hữu Đạo, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang vào những ngày cuối tháng 12, khi địa phương này chuẩn bị cho lô vú sữa đầu tiên xuất đi Mỹ, ông chủ vườn vú sữa Nguyễn Đức Nhiệm tiếp với nét vui mừng lộ rõ trên gương mặt. Ông hào hứng cho biết: “Tôi mừng lắm vì vú sữa được dịp “sống lại”. 3 năm rồi, nó như “chết chìm”. Tôi trông chờ từng ngày việc ký hợp đồng với công ty xuất hàng.

Hiện gia đình tôi có 84 gốc vú sữa, trồng trên diện tích khoảng 8.440m2  và đã tham gia VietGAP từ năm 2010”. Ông Phạm Thanh Dũng, ngụ tại ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang cũng hứng khởi không kém: “Gia đình tôi có gần 200 gốc vú sữa Lò Rèn, có cây đã lên đến 20 năm tuổi, trung bình cho sản lượng khoảng 100 tấn/năm. Nếu bay được qua Mỹ thì sắp tới vú sữa Lò Rèn sẽ có đầu ra ổn định, giá cả chắc đỡ bấp bênh, không còn lệ thuộc vào bạn hàng nữa”.

Ông Nguyễn Văn Châu cùng cán bộ nông nghiệp huyện Châu Thành đang vô bao cho trái vú sữa trước khi xuất đi Mỹ.
Ông Nguyễn Văn Châu cùng cán bộ nông nghiệp huyện Châu Thành đang vô bao cho trái vú sữa trước khi xuất đi Mỹ.

Ông Nguyễn Văn Châu, Tổ trưởng Tổ hợp tác vú sữa xã Hữu Đạo, huyện Châu Thành, Tiền Giang, người có 5.000 m2 trồng vú sữa Lò Rèn đạt tiêu chuẩn VietGAP từ năm 2008, cho biết: “Cả tổ ai cũng vui hết, vì thu nhập chắc chắn sẽ tăng. Mấy năm nay thu nhập giảm hoài, như vườn của tôi từ một trăm mấy chục triệu còn vài chục triệu, đã vậy dịch bệnh khô cành, thối rễ còn gây thiệt hại hơn 1.000m2, nên cũng nãn”. Ông khoe: “Hiện vườn của chú đã đăng ký vào vùng nguyên liệu của xã và được cấp mã số để xuất đi Mỹ”.

Không ít kẻ tiếc

Những năm gần đây, dịch thối rễ và khô cành trên cây vú sữa diễn biến ngày càng phức tạp hơn, khiến phần lớn diện tích cho năng suất kém. Thêm vào đó, tình trạng “được mùa, mất giá” lại tái diễn, nên nhiều nhà vườn đã quyết định “từ bỏ” loại cây gắn bó, thân thiết với mình suốt bao nhiêu năm để thay bằng một loại cây khác.

Nhặt từng khúc củi vú sữa vừa mới cưa, bà Ngô Thị Xuân không khỏi tiếc nuối về một thời sung túc nhờ cây vú sữa. Bà ngậm ngùi: “Nếu như năm rồi 7 công vú sữa Lò Rèn của tôi bán được cả 100 triệu đồng thì năm nay bán chưa đến 50 triệu. Biết bao năm gắn bó, nhưng tôi đành phải thuê người cưa cành, đốn bỏ”. Bà cho biết nhiều nhà vườn khác ở xã Hữu Đạo, huyện Châu Thành cũng bị tình trạng tương tự.

Vườn vú sữa của bà mới hơn 5 năm tuổi nhưng đã bị bệnh khô cành, thối rễ nặng, nên năng suất rất kém. Mặc dù, bà đã cố gắng chữa trị bằng mọi cách, nhưng cây vẫn không phục hồi được. Theo ông Ngô Huyền Sử, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Kim, diện tích vườn cây vú sữa Lò Rèn của xã đang giảm mạnh, chỉ còn khoảng gần 50 ha. Không chỉ Vĩnh Kim, mà hầu hết ở các xã nằm trong vùng chuyên canh vú sữa Lò Rèn của Châu Thành như: Song Thuận, Long Hưng, Bàn Long, Hữu Đạo và Bình Trưng... đều như vậy.

Ông chia sẻ: “Hồi xưa, đi ra đường không thấy cây gì ngoài vú sữa hết. Khi vào mùa, vú sữa treo tòn ten, đặc lừ trên cây nhìn rất thích. Giờ thì chỉ còn mấy hộ còn trồng, HTX vú sữa Lò Rèn cũng không hoạt động, người dân thì đốn bỏ trồng cây khác: cam, quýt, bưởi, dừa,… Nhà tôi lúc trước cũng trồng 5 công vú sữa Lò Rèn, nhưng cũng bị bệnh. Sau rồi, tôi có trồng lại vú sữa tím, nhưng cũng không tốt bằng ngày xưa…Giờ mà chạy đi đâu mà thấy vườn vú sữa tốt là tôi phải đứng lại ngắm một hồi rồi mới đi”. Trong tâm trạng đó nên dễ hiểu vì sao trước thông tin vú sữa đi Mỹ mà họ lại buồn.

Và lo lắng

Những ấn tượng về một thời “hoàng kim”, khi có thời điểm vú sữa đạt giá cao kỷ lục 50 ngàn đồng/trái, và thông tin về việc vú sữa đi Mỹ cũng không xóa đi được những âu lo của chủ nhân các vườn vú sữa. Ông Ngô Huyền Sử, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Kim, nhận định: “Tình hình dịch bệnh, xâm ngập mặn, cộng với giá cả bấp bênh khiến nhiều nhà vườn không còn “mặn mà” với cây vú sữa như trước nữa.

Vì thế, dù vú sữa Lò Rèn đã được chấp nhận vào thị trường Mỹ và xã đã có nhiều đợt động viên, khuyến khích người dân trồng lại loại cây này, nhưng ai nấy đều lo ngại. Bởi nếu trồng lại, phải bỏ công sức gầy dựng từ 4 – 5 năm, đến khi vú sữa cho trái, liệu tình trạng xâm ngập mặn và dịch bệnh tái diễn nặng hơn thì sao? Từ đây đến đó, họ sẽ sống bằng gì? Ai sẽ chịu trách nhiệm và san sẻ gánh nặng này với họ?

Những hộ đã đốn vú sữa để trồng các loại cây khác được 2 – 3 năm nay, càng không mặn mà bởi vườn cây mới của họ đang chuẩn bị thu hoạch. Đó là chưa kể, công ty thu mua hàng xuất khẩu không bao tiêu hết sản phẩm mà chỉ lấy những hàng đẹp. Vậy thì hàng còn lại phải bán cho ai? Thương lái sẽ mua với giá rẻ bèo thì cũng không khá gì hơn!  

Dù rất phấn khởi nhưng ông Nguyễn Văn Châu, Tổ trưởng Tổ hợp tác xã Hữu Đạo, huyện Châu Thành cũng “lo xa” và đã chuẩn bị cho mình phương án phòng hờ bằng cách trồng sầu riêng xen với vú sữa. Nếu tình hình sau khi lô hàng vú sữa đầu tiên xuất đi Mỹ không diễn ra như mong đợt thì ông sẽ đốn cây vú sữa, trồng sầu riêng.

Hiện nay, vú sữa Lò Rèn là một trong 7 loại trái cây đặc sản của Tiền Giang. Sản phẩm vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim cũng đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, đồng thời được Chứng nhận tiêu chuẩn GlobalGAP bởi Tổ chức SGS (New Zealand), được cấp mã Code nhà đóng gói cho thị trường Mỹ bởi cơ quan USDA Office (Bộ Phát triển Nông nghiệp Mỹ).

Tuy nhiên, ba năm trở lại đây, giá vú sữa sụt giảm đến 50% so với trước đó, cộng với bệnh thối rễ, khô cành hoành hành nên người dân mạnh tay đốn bỏ vú sữa để trồng các loại cây trồng khác.

Đã vậy, Sở NN&PTNT Tiền Giang cho biết, mùa khô năm 2016, nước mặn đã xâm nhập sâu vào các kênh mương nội đồng. Trong mương vườn trồng vú sữa Lò Rèn, độ mặn phổ biến 1,5g/lít, trong khi ngưỡng để cây không bị ảnh hưởng là dưới 1g/lít.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã phối hợp với Viện Cây ăn quả miền Nam, các Viện, trường và các cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ NN&PTNT tổ chức nhiều cuộc hội thảo, triển khai nhiều giải pháp nghiên cứu, nhằm phục hồi và phát triển cây vú sữa nhưng tình hình dịch bệnh trên cây vú sữa vẫn chưa được cải thiện.

Tâm Loan

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Với ưu điểm chịu hạn, dễ chăm sóc, đặc biệt giá trị tăng cao gấp nhiều lần cây lúa, cây mè được nông dân huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp canh tác như một giải pháp chống hạn trong chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất