, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 13/05/2021, 17:30

Hát sắc bùa - lời cầu nguyện bình an

NAM TÚ

Bao đời nay, hát sắc bùa đã là một phần đời sống tinh thần của cư dân nông nghiệp ở vùng quê nhỏ ven biển Bến Tre. Cái tên hát sắc bùa được cho là có nguồn gốc từ hát “xéc pùa”, có nghĩa là đánh cồng hay xách cồng của người Mường. Trải qua nhiều đợt di dân về phía Nam, tên gọi hát sắc bùa dần được hình thành.

Sinh hoạt hát sắc bùa Phú Lễ (Bến Tre).

Hành trình Nam tiến của hát sắc bùa

Ngày nay, ở Đồng bằng sông Cửu Long, hát sắc bùa lưu dấu đậm nhất tại Phú Lễ (Bến Tre), trở thành một hình thức diễn xướng tập thể vừa có tính nghi thức, vừa có yếu tố góp vui, giải trí trong những dịp lễ hội quan trọng của cộng đồng.

Theo Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, hát sắc bùa đã có mặt ở Nam bộ từ thời nhà Nguyễn: “Mỗi năm cứ đến hôm 28 tháng Chạp, người Na (tục gọi là Nậu Sắc phù) hợp thành từng bọn 5 người hay 10 người, đánh trống đánh phách, đi rong các phố. Họ thấy nhà nào giàu có thời họ đẩy cổng vào. Họ dán bùa vào cửa và đọc thần chú. Rồi họ đánh trống đánh phách và hát những câu chúc Tết…”

Còn theo Huỳnh Ngọc Trảng, người miền Trung vào khoảng giữa thế kỷ XVIII đã đến khai phá vùng đất Phú Lễ; trong đó có 4 dòng họ đến đây lập nghiệp sớm nhất là họ Phạm, họ Huỳnh, họ Nguyễn và họ Hồ. Gia phả của gia đình ông Hồ Văn Chức (Phú Lễ) có ghi: “Hồ Đức Quang đậu khoa cử nhân Ất Mùi, làm Án sát, rồi làm Đốc học tỉnh Bình Định, ông có người con rể là Trần Văn Hậu đỗ Thái sinh đồ, thấy điệu hát Sắc bùa ở Bình Định hay mới đem về dạy cho dân Phú Lễ hát”. 

Ban đầu, hát sắc bùa chỉ có vài đội ở xã Phú Lễ, sau này được các nghệ nhân nòng cốt phát triển sang các xã lân cận như Phước Tuy, Phú Ngãi, Bảo Thạnh, An Bình Tây (Ba Tri) và Tân Thanh (huyện Giồng Trôm). 

Cuộc hát trong đêm trừ tịch

Vào đêm 30 Tết, trên những con đường nhỏ của làng, các đội hát sắc bùa bắt đầu báo hiệu sự hiện diện của mình bằng những câu hát. Đến nhà nào, đội hát sắc bùa cũng đều mở đầu và kết thúc theo trình tự: hát mở đầu, hát dán bùa, hát giúp vui và hát giã từ. 

Mỗi đội hát có ít nhất 4 người, đủ là 6 người, có khi lên đến 12 người, với sự điều khiển của ông bầu. Các thành viên vừa hát, vừa chơi nhạc cụ và biểu diễn các điệu múa đơn giản. Mỗi người trong đội giữ một nhạc cụ, hoặc đàn cò, hoặc trống cơm, sanh tiền, sanh cái hoặc bộ gõ. Đối với các diễn xướng dân gian mang tính tổng hợp và nhiều thành viên như hát sắc bùa thì sanh tiền, sanh cái đóng vai trò chính để tạo nên sự thống nhất, kết hợp giữa các thành viên trong cuộc hát. 

Hát sắc bùa trước bàn thờ gia tiên.

Người hát chính được gọi là cái kể, người hát phụ được gọi là con xô. Cái kể luôn hát trước, còn lại mỗi người sẽ hát một câu so le, có câu thì cả đội cùng hát. Cái kể thì phải giữ nhịp đôi liên tục, còn con xô thì phải nối liên tiếp, không được hụt hơi hay lạc nhịp. Lời của những cuộc hát sắc bùa chủ yếu là những bài thơ lục bát, thơ năm hoặc bốn chữ, đa phần được lấy từ thơ ca dân gian. Thông qua cấu trúc của cuộc hát sắc bùa có thể hình dung hoạt động nghi lễ trong đêm trừ tịch ở nông thôn vùng Phú Lễ.

Lễ Trừ tịch, còn gọi là cúng giao thừa. Trừ là trao lại chức quan, tịch là ban đêm. Lễ trừ tịch cử hành lúc giao thừa. Lễ này là để tiễn vị thần năm cũ, đón vị thần năm mới. Lễ giao thừa là lễ quan trọng nhất trong dịp tết Nguyên Đán, được người dân thực hành cúng lễ trong nhà và ngoài trời.
(Bùi Xuân Mỹ - Tục thờ cúng của người Việt)

Trước tiên, đội hát sắc bùa đến cổng mỗi gia đình và bắt đầu với bài Mở cửa rào để báo hiệu với chủ nhà là đội đã đến trước cửa. Lúc này, chủ nhà bước ra sân nhưng đứng phía sau cửa rào, khi đội sắc bùa hát tiếp bài Mở ngỏ, chủ nhà mới mở cửa, mời đội hát vào nhà. Đội sắc bùa cứ hát liên tục khi di chuyển đến bàn thờ chính và bắt đầu các nghi thức dán bùa, chúc tụng. 

Sau đó, đội hát trình bày các bài chính trong phần nghi lễ, gồm: Cõi Nam, Khai môn, Rước xuân, Chơi xuân. Bốn bài này đều mang tính chất dẫn nhập rước xuân đến với gia chủ. Sau đó là hát tạ ơn các tiền hiền, hậu hiền đã có công khai hoang, mở cõi, dạy nghề, hỗ trợ mưu sinh cho bà con với bài Tiên sư. Tiếp nữa là nghi thức dán bùa với các bài như Trừ tà, Xốc quách, Dán bùa, Dẫn bùa. Đây là nội dung quan trọng của nghi lễ, cũng là một đặc trưng phân biệt hát sắc bùa Phú Lễ với loại hình hát sắc bùa ở các vùng khác. 

Hết phần nghi lễ là đến phần hát giúp vui. Đội sắc bùa sử dụng các bài lý, bài vè có giai điệu vui tươi, lời hát nhẹ nhàng, tốt đẹp hướng đến việc cầu chúc năm mới và tạo không khí nhộn nhịp cho những ngày xuân bắt đầu. Cuối cùng là hát chia tay, đội sắc bùa sẽ hát bài Giã từ hoặc Đi ra. 

Sau bài hát chia tay, đội sắc bùa lại lên đường sang gia đình khác. Cứ như thế họ đi suốt đêm 30 Tết, và kéo dài cho đến hết mùng 7 Tết, có khi là hết tháng Giêng.

Đội hát sắc bùa khi trình diễn trước nhà gia chủ.

Hình thức chúc Tết độc đáo

Hát sắc bùa là loại hình diễn xướng dân gian chứa đựng giá trị cuộc sống của cư dân Phú Lễ. Trải qua nhiều thăng trầm cùng với số phận, cuộc sống của những người đi mở cõi, đến ngày nay, hát sắc bùa ở Phú Lễ vẫn là hình thức nghệ thuật dân gian được nhiều người yêu mến, có giá trị trong việc nuôi dưỡng tâm hồn của nhiều thế hệ. 

Các biến đổi diễn ra trong hình thức diễn xướng dân gian này từ nhạc khí cho đến các làn điệu dân ca, từ nội dung của cuộc hát đến các yếu tố nghi lễ đã trở thành minh chứng cho sự phát triển của đời sống văn hóa của vùng đất mới Nam bộ. Trong đó, phần nghi lễ với các nghi thức của hát sắc bùa cho thấy dấu ấn của nền văn hóa nông nghiệp rõ nét, từ việc sử dụng các nhạc cụ thuộc bộ gõ để phát ra âm thanh, tiếng động với mục đích xua đuổi tà ma cho đến tục dán bùa mang tính chất tâm linh với mong cầu năm mới gia đạo được bình an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. 

Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, hát sắc bùa Phú Lễ là hình thức chúc Tết độc đáo của người Bến Tre và thể hiện khát vọng hạnh phúc, bình yên của con người vào đêm trước Tết Nguyên đán - đêm trừ tịch! 

Ngày 23/01/2017, hát sắc bùa Phú Lễ chính thức được công nhận là di sản phi vật thể cấp quốc gia. Ngày 13/04/2017, tại đình Phú Lễ thuộc xã Phú Lễ huyện Ba Tri (Bến Tre), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre đã tổ chức lễ công bố Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho loại hình diễn xướng đặc sắc này.
Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất