, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 04/03/2021, 08:28

Hát Sli - linh hồn của chợ Kỳ Lừa

KHAU DENG
Một góc phiên chợ Kỳ Lừa.
Một góc phiên chợ Kỳ Lừa.

Mỗi tháng, chợ phiên Kỳ Lừa họp sáu lần nhằm vào các ngày mùng 2, 7, 12, 17, 22, 27 âm lịch. Nếu các phiên chợ thường kỳ diễn ra như một cái chợ bình thường với hoạt động mua bán hàng hóa, ăn uống là chính, thì vào tháng Giêng, phiên chợ ngày 22 và 27 Âm lịch lại là phiên chợ đặc biệt.

Tháng Giêng đi hát sli…

Trước những năm 90 của thế kỷ 20, cứ đến ngày 22 và 27 tháng Giêng, người Nùng trong và ngoài tỉnh lại kéo về thành phố Lạng Sơn chơi chợ phiên Kỳ Lừa. Trong hai ngày này, khắp thành phố đâu đâu người ta cũng bắt gặp cảnh từng tốp nam nữ mặc trang phục truyền thống đang say sưa hát sli đối đáp. Người ta hát sli ở trong khu chợ Giếng Vuông cũ, ngồi dưới những gốc cổ thụ dọc các tuyến đường, bên đường ray của nhà ga Lạng Sơn, hai bên bờ sông Kỳ Cùng… Tiếng sli bắt đầu từ khi trời còn chưa sáng tỏ, câu sli vắt từ sáng qua trưa đến chiều, khi trời nhập nhoạng tối người ta mới lưu luyến chia tay nhau.

Người Nùng say sưa hát sli.
Người Nùng say sưa hát sli.

Bà Nông Thị Vàng ở xã Thạch Đạn huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn kể rằng khi ấy người ta đi chợ phiên Kỳ Lừa mua sắm chỉ là phụ, mục đích chủ yếu là đi hát sli, ăn phở, xem bắn pháo hoa và cướp đầu pháo, xem múa sư tử, xem rước kiệu…

Với người Nùng ở Lạng Sơn, dù cuộc sống có giàu sang hay khó khăn vất vả, dù nhà ở gần hay xa chợ Kỳ Lừa thì mỗi năm, trong hai ngày 22 và 27 tháng Giêng cũng phải sắp xếp công việc để đi chơi chợ. Trẻ con theo cha mẹ đến chợ để nghe sli; thanh niên nam nữ đến chợ để hát sli tìm bạn tình; người trung tuổi đến chợ để hát sli với những người tình không bao giờ cưới, để giãi bày tâm tư, để chia sẻ buồn vui trong cuộc sống; người già đến chợ để nghe sli, để sống lại những năm tháng tuổi trẻ đã từng thề non hẹn biển với người tình qua những lời sli, câu lượn.

Bà Lý Thị Nguyên ở xã Hải Yến huyện Cao Lộc cho biết từ thời thanh niên đến khi đã gần 60 tuổi, năm nào vào ngày 22 và 27 tháng Giêng bà cũng đi chợ để hát sli. Thời còn trẻ, bà với bạn bè trong bản rủ nhau đi bộ đến chợ. Khi lấy chồng, vợ chồng bà đi xe máy ra. Về già, năm thì bà đi với chồng, năm thì cùng hàng xóm thuê ô tô ra chợ. “Hồi ấy, năm nào mọi người cũng gặp nhau đông đủ ở chợ vì bao giờ cũng vậy, trước khi tan chợ, mọi người đều lưu luyến hẹn nhau chợ phiên năm sau lại đến. Và ai cũng giữ lời”, bà nói.

Còn ông Dương Xuân Hào ở xã Tân Thành huyện Hữu Lũng thì cho biết cứ sau các chợ phiên Kỳ Lừa đầu năm, qua những lời sli, câu lượn mà nhiều đôi đã làm quen và nên vợ thành chồng. Còn những người đến chợ gặp nhau, qua câu sli mà mến nhau nhưng không đến được với nhau thì năm nào cũng đến chợ để tìm người tri kỷ. Theo ông, Người Nùng không bao giờ ghen khi người bạn đời của mình đi chợ hát sli với bạn trai, bạn gái, với người yêu cũ… vì bản thân người vợ/chồng cũng có riêng cho mình những người tình không bao giờ cưới.

Vắng sli, hồn chợ phiên cũng mất

Những người Nùng cao tuổi đến giờ vẫn còn buồn khi nhớ lại những năm cuối của thế kỷ trước, cùng với sự biến đổi nhiều mặt của xã hội, của kinh tế và sự phát triển của đô thị nơi miền cao, chợ phiên Kỳ Lừa tháng Giêng dần vắng bóng những người Nùng mặc áo chàm hát sli bên ga tàu, trong chợ Giếng Vuông, bên dòng sông Kỳ Cùng bởi không gian đô thị và hoạt động mua bán đã dần chiếm hết chỗ.

Chợ phiên Kỳ Lừa vắng bóng áo chàm và lời sli là một sự buồn đau ghê gớm. Không còn không gian cho việc hát sli, người Nùng ở Lạng Sơn không còn thiết tha đến chợ phiên Kỳ Lừa ngày đầu năm. Không gian văn hóa, sự lãng mạn của chợ phiên cũng nhạt dần…

Vài năm trở lại đây, bỗng nhiên người ta lại thấy người Nùng mặc áo chàm, áo xanh đội khăn đốm hát sli ở trung tâm thành phố Lạng Sơn, ngay Khu tưởng niệm Hoàng Văn Thụ. Ban đầu, số lượng người đến hát còn ít, chủ yếu là người dân sống ở các địa phương gần chợ phiên Kỳ Lừa. Có hát sli, người Nùng tìm đến chợ ngày một nhiều. Năm 2019, chợ phiên Kỳ Lừa ngày 22 và 27 tháng Giêng có đến gần ngàn người hát sli tại chợ. Ngoài những người sống ở các địa phương gần như huyện Cao Lộc hoặc thành phố Lạng Sơn, có nhiều người đến từ các địa phương xa như Tràng Định, Lộc Bình, Văn Lãng, Văn Quan, Hữu Lũng, thậm chí từ Lục Ngạn (Bắc Giang)…

Mua trang phục truyền thống.
Mua trang phục truyền thống.

Tiến sĩ Hoàng Văn Páo - Chủ tịch Hội Bảo tồn di sản văn hóa Lạng Sơn, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Lạng Sơn, cho biết: Không chỉ là nơi để người dân buôn bán, trao đổi hàng hóa đảm bảo cuộc sống, chợ phiên Kỳ Lừa còn là không gian bảo tồn nhiều giá trị văn hóa truyền thống địa phương, một trong số đó là diễn xướng sli, hát lượn và trang phục dân tộc. Chợ chính là một trong những nhân tố góp phần gìn giữ, định vị và phát huy bản sắc của các tộc người nơi biên cương xứ Lạng bình yên, vì thế, từ những năm 2004 - 2005, Sở Văn hóa - thể thao tỉnh Lạng Sơn đã có chính sách khôi phục và phát huy tập quán hát sli trong những ngày chợ phiên. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung tâm Văn hóa tỉnh Lạng Sơn, Hội Bảo tồn dân ca với hơn 2.000 hội viên chính là chủ công trong việc khôi phục truyền thống hát sli ở chợ phiên Kỳ Lừa. Với những nỗ lực đó, hát sli tại chợ phiên Kỳ Lừa dần được khôi phục và ngày càng thu hút đông người dân, du khách đến tham quan phiên chợ.

Đêm ốm dài, đêm sli ngắn

Hát sli là loại hình hát đối đáp nam - nữ của dân tộc Nùng thể hiện sự ứng đối tài hoa của mỗi người với những lời sli ví von, bóng bẩy, tinh nghịch, xa xôi, ẩn chứa rất nhiều hàm ý. Trong các ngày hội, ngày chợ, ngày cưới, ngày vào nhà mới… hát sli có một ý nghĩa quan trọng. Điểm độc đáo là hát sli không cần nhạc cụ, vũ điệu, người ta có thể hát bất kỳ thời gian, địa điểm, miễn là có đối tượng để hát đối, hát cùng hoặc là đối tượng được hướng tới để hát. Trước khi hát sli, hai bên phải bắt chuyện, hỏi thăm nhau, nếu thấy hợp thì hai bên bắt đầu đối đáp nhau qua những câu sli, câu lượn.

Mùa xuân, trai gái người Nùng náo nức trảy hội, hát sli để kết giao bè bạn hoặc tìm người yêu. Khắp các ngả đường vào chợ, trên các đồi sim, đồi cây bay bổng ngân nga tiếng sli hòa quyện cùng gió xuân. Nhiều người đã có gia đình cũng tham gia chỉ vì mê tiếng hát của ai đó hoặc gặp lại người yêu cũ làm cho hội hát thêm đa dạng, phong phú sắc màu tình cảm.

Sli giao duyên đối đáp nam nữ do hai đôi trai gái thể hiện, nhưng số người tham gia mỗi bên có thể lên đến hàng chục người. Hát ở chợ không có bài cụ thể mà mang tính ngẫu hứng, hát đến đâu ứng tác đến đó nên người hát không chỉ có giọng trong vang, thánh thót mà còn phải có tài sáng tác, ứng khẩu để theo kịp diễn tiến của cuộc hát đối đáp. Đôi ta sli hát đến tàn canh/ Cùng nhau sli hát đến lòng thành/ Sáng ra tạm biệt đi mỗi ngả/ Yêu em tan nát cả lòng anh…

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất