, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 29/09/2021, 14:34

Hậu Giang phát triển nông nghiệp bền vững

TRÚC GIANG
(Báo Đầu tư)
Hậu Giang tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp để phát triển chuỗi giá trị sản xuất an toàn, sạch, trong đó ưu tiên mặt hàng lúa gạo, trái cây và thủy sản.
Quýt đường Long Trị là loại cây ăn quả đặc sản của tỉnh Hậu Giang Ảnh: Hữu Phước

Lợi thế phát triển nông nghiệp quy mô tập trung

Nằm trong Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khí hậu ôn hòa, điều kiện tự nhiên về đất đai, thổ nhưỡng thuận lợi, Hậu Giang có tiềm năng phong phú, đa dạng trong phát triển nông nghiệp. Đặc biệt, bình quân đất nông nghiệp trên đầu người của Hậu Giang khá cao so với bình quân của Vùng, đây là điều kiện thuận lợi cho tỉnh đầu tư sản xuất nông nghiệp quy mô tập trung, hình thành các vùng chuyên canh lúa, cây ăn trái, thủy sản… tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao gắn với công nghiệp chế biến phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Để góp phần thực hiện thành công các Chương trình, Đề án phát triển nông nghiệp của tỉnh, bên cạnh nguồn vốn ngân sách nhà nước, tỉnh đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư để kêu gọi doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; trong đó, ưu tiên kêu gọi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi, phát triển công nghiệp chế biến

Trong sản xuất nông nghiệp, lúa là cây trồng chủ lực của tỉnh Hậu Giang với diện tích đất canh tác gần 80.000 ha; diện tích gieo trồng hàng năm khoảng 200.000 ha, tỷ lệ sử dụng giống xác nhận đạt trên 70%, sản lượng ổn định 1,2 triệu tấn/năm. Hiện nay, Hậu Giang đã xây dựng được vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao với quy mô 32.000 ha. Theo quy hoạch đến năm 2025, tỉnh tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài cho dự án sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn xuất khẩu với quy mô 1.000 ha tại 2 huyện Vị Thủy và Châu Thành A.

Thủy sản là thế mạnh thứ hai sau cây lúa với diện tích nuôi trồng năm 2020 trên 8.110 ha, sản lượng 76.442 tấn. Hiện trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình nuôi thủy sản an toàn, chất lượng theo hướng thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, GLobalGAP, hình thành vùng nuôi tập trung như cá tra ở huyện Châu Thành, TP. Ngã Bảy; cá đồng huyện Vị Thủy, Long Mỹ. Một số loài thủy sản của Hậu Giang đã được đăng ký nhãn hiệu và được thị trường cả nước biết đến như: cá thát lát Hậu Giang, cá rô Hậu Giang.

Toàn tỉnh Hậu Giang hiện có khoảng 15 cơ sở sơ chế, chế biến cá thát lát có công suất 1.500 tấn/tháng, với các sản phẩm chủ yếu gồm: chả cá thát lát, chả cá thát lát tẩm gia vị, cá thát lát rút xương tẩm gia vị... ; 4 nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu, với tổng công suất 40.000 tấn cá/năm.

Cây ăn trái hiện đang là ngành hàng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang với diện tích 41.687 ha (năm 2020), sản lượng khoảng 466.114 tấn. Trong đó cây có múi là 13.368 ha, xoài 3.211 ha, mít 8.040 ha, mãng cầu 721 ha, khóm 2.846 ha, còn lại cây ăn trái khác. Trong những năm qua, tỉnh tập trung phát triển cây có múi sạch bệnh và cây ăn trái đặc sản, như: bưởi năm roi, cam mật, cam sành, quýt đường, xoài cát Hòa Lộc, mít, mãng cầu xiêm…

Tỉnh Hậu Giang hiện có 164,41 ha được cấp giấy chứng nhận sản xuất vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP (bưởi, cam, quýt, sầu riêng, mãng cầu xiêm và khóm), 60 ha được công nhận sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP (bưởi và chanh không hạt); đang làm hồ sơ chuẩn bị công nhận VietGAP cho 77 ha (bưởi, cam) và đang xây dựng 40 ha (khóm, mãng cầu) sản xuất theo GlobalGAP.

Đến nay, Hậu Giang đã có nhiều sản phẩm cây ăn quả được chứng nhận nhãn hiệu như: mãng cầu Hậu Giang, bưởi năm roi Phú Thành Hậu Giang, cam sành Ngã Bảy, khóm Cầu Đúc, chanh không hạt Hậu Giang, quýt đường Long Trị, cam xoàn Phụng Hiệp, xoài cát Hậu Giang.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có 05 doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực chế biến rau, củ, quả có tổng công suất khoảng 1.900 tấn sản phẩm/tháng, với thị trường tiêu thụ chủ yếu là ở nước ngoài. Ngoài ra, còn có hơn 20 vựa trái cây thu mua theo thời vụ với sản lượng từ 50 - 200 tấn/năm.

Bên cạnh cây ăn trái, mía đường là cây có lợi thế cạnh tranh của tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với diện tích khoảng 5.909 ha, sản lượng 590.900 tấn.

Tình hình sản xuất tiêu thụ, thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị tiếp tục được các doanh nghiệp và người sản xuất quan tâm thực hiện để giải quyết đầu ra cho nông sản, chủ yếu trên 4 lĩnh vực: lúa gạo, mía đường, thủy sản, cây ăn trái.

Theo UBND tỉnh Hậu Giang, bình quân 5 năm 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng GRDP khu vực nông, lâm, thủy sản (khu vực I) đạt 2,26%; giá trị sản xuất khu vực I tăng bình quân 2,54%/năm, trong đó: nông nghiệp tăng 2,39%/năm, lâm nghiệp tăng 2,8%/năm, thủy sản tăng 5,1%/năm (theo giá so sánh năm 2010). Khu vực I chiếm 26,53% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh đến năm 2020.

Phát triển nông nghiệp bền vững

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định phát triển nông nghiệp bền vững, hướng tới công nghệ cao; đẩy mạnh thu hút đầu tư vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh; phát triển du lịch xanh hỗ trợ cho công nghiệp và nông nghiệp phát triển bền vững. Tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thủy sản; phát triển chuỗi giá trị sản xuất an toàn, sạch, ưu tiên mặt hàng lúa gạo, trái cây và thủy sản.

Nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hậu Giang 5 năm 2021- 2025, ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho biết, ngày 5/1/2021, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang 5 năm 2021-2025, với tổng kinh phí thực hiện là hơn 4.755 tỷ đồng. Mục tiêu nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, liên kết theo chuỗi giá trị và gắn với thị trường, nhất là tập trung cho các nông sản chủ lực gồm lúa, mít, chanh không hạt, bưởi, khóm, mãng cầu, heo, lươn, cá thát lát và cá tra; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; tăng dần diện tích sản xuất theo mô hình ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp thông minh, bảo vệ môi trường; hệ thống cơ sở hạ tầng được quy hoạch, phát triển đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn trước thiên tai.

Chương trình đề ra chỉ tiêu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) khu vực nông, lâm, thủy sản (khu vực I) đạt 2,25%/năm; tỷ trọng khu vực I giảm còn 22% (giảm 4,53%). Giá trị sản xuất tăng bình quân 3%/năm. Cơ cấu giá trị sản xuất: Nông nghiệp 86,7%, lâm nghiệp 0,9%, thủy sản 12,4%.

Trước đó, ngày 4/12/2020, HĐND tỉnh Hậu Giang cũng đã ban hành Nghị quyết số 26/2020/NQ-HĐND thông qua Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu phấn đấu xây dựng ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang phát triển bền vững với quy mô sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao, thông qua các mô hình hợp tác xã nông nghiệp từng bước hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, sơ chế và chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Nghị quyết đề ra mục tiêu đến năm 2025, xây dựng 15 mô hình HTX và 3 liên hiệp HTX được đầu tư đồng bộ về kết cấu hạ tầng, máy móc, thiết bị và phát triển toàn diện, hoạt động hiệu quả; Xây dựng 1 mô hình cung ứng dịch vụ cơ giới hóa trong nông nghiệp và 3 Trung tâm thu gom, phân loại, sơ chế, đóng gói và phân phối hàng nông sản; Xây dựng thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, tối đa hóa việc tái tạo và tận dụng phế phẩm trong nông nghiệp để tạo thêm sản phẩm mới. Tổng nhu cầu vốn dự kiến thực hiện Đề án giai đoạn 2021 - 2025 là 608,049 tỷ đồng.

Ngày 27/4/2021, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên đã ký ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án trên trong giai đoạn 2021 - 2025.

Ông Trần Chí Hùng cho biết, về phía Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng, chủ lực của tỉnh gắn với truy xuất nguồn gốc và quản lý chất lượng theo chuỗi; tăng cường giới thiệu, quảng bá các sản phẩm chủ lực có chất lượng cao; thường xuyên thông tin, dự báo kịp thời về thị trường nông sản. Thực hiện liên kết tỉnh và liên kết vùng trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, thủy sản. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp, các hợp tác xã, các tổ hợp tác đưa các sản phẩm giới thiệu trên các sàn giao dịch nông sản.

TRÚC GIANG

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất