, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 08/09/2020, 09:55

Hay dở làng tôi

VĂN CHINH

Làng tôi ở chân con sông Trà Lý, hữu ngạn hay như các nhà địa chất gọi đó là cửa Trà Lý của sông Hồng. Đối xứng với bên kia là cửa Ba Lạt, giáp giới tỉnh Nam Định. 

Cửa sông là một ưu đãi đặc biệt của trời đất, có phù sa, rất nhiều phù sa do khi sông đổ ra biển, sóng biển đã vun phù sa rác rều của sông mà tấp lên bờ thành bãi. Đây lại là nơi mặn ngọt đùn đẩy nhau, vào mùa mưa lũ, ngọt ra tận chân sóng thì cánh bãi mênh mông ấy có thể cấy lúa hom, thả trâu và chăn vịt; vào mùa lạnh, nước mặn dâng lên kèm với tôm cá nước lợ - mặn tràn vào, nhao vào te lưới đăng đó của ngư dân. 

Mấy năm nay người ta đua nhau đánh bắt tôm cá bằng kích điện, đến tôm cá biển cũng vãn mà không mấy đêm người ta không bắt được những con cá nhòng đôi ba ký. Những con cá vược dăm bẩy ký phải xẻ thành khúc mới bán được.

Hình minh họa.

Nhưng cái món lợi ở mùa nước ròng là cá ruộng rút xuống mương ngòi, đổ tất xuống các đầm giáp đê mới thật đáng kể. Sau mấy tháng ăn mầu lúa, ăn thóc rụng, cá đầm béo nục, toàn trê chuối, cá rô đồng, cá nheo, cá măng rồi bống bớp nấu dưa chua hay kho ủ trấu thì ngọt bùi không cá nào hơn; đặt cạnh cá kho Lý Nhân, cá ấy chỉ còn là danh hão.

Còn cua rạm cáy còng thì thật là một nguồn sống của làng tôi từ thượng cổ đến giờ. Gặp hôm thuận con nước, một bà sồn sồn có thể bắt được cả bì tải cáy còng, kiếm vài ba trăm ngàn dễ như ăn một miếng trầu thuốc. Ấy là thời người khôn của khó, chứ thời tôi còn bé, một đêm lờ rạm tôi có thể kiếm dăm chục cân. Bên ngoài đê số 6, làng gọi là đồng Quai, do khai khẩn chưa thuần thục, phải bỏ hóa vụ chiêm. Tháng Tư mới cày vỡ, sau lũ Tiểu Mãn nước ngập đồng, rạm bò lổm ngổm. Mẹ chỉ sắm cho tôi một chục cới lờ, không mấy hôm cả chục lờ là chục giỏ rạm chật căng, rạm thở bong bóng xèo xèo phập phồng ngắm sướng cả mắt, tôi phải ngồi nhờ nhắn bố tôi ra gánh đỡ.

Làng tôi có câu “kiếm cá nhanh hơn hái rau”, người nơi khác nghe có thể bảo là khoác lác, nhưng mà có câu nói ấy.

Cũng như cái tính dở của cư dân mà tôi sắp nói đây là có thật: Lười. Tôm cua cá cáy đầy ra đấy, nhưng không mấy nhà sắm đồ te lưới, bảo bị tội tình gì mà suốt đêm lội sông dọc? Vâng, người đi đánh te, đi đẩy riu tép (tôm riu) thì cứ dọc sông mà lội, lội bên này rồi lội bên kia, người lội sau vẫn có cái để đãi; tôm cá có quy luật, cứ động mới nhoai ra, càng động càng nhoai tợn. Nhưng có lẽ vì nhiều người lười thì tôm cá mới sẵn như thế?

Nhưng ngay cả người có nghề cũng không mấy chuyên chú. Nông dân thì làm ruộng là nghề chính, hẳn rồi; nhưng người vài sào ruộng, cày bừa dăm buổi, cấy gặt dăm buổi, làm cỏ bón phân dăm buổi nữa là thành nông nhàn. Đi te đi lưới vó được coi như nghề phụ, mà cũng chỉ kiếm đủ ăn, thừa thì bán chợ quê, chợ chiều. Ưu đãi của giời đất sinh ra tính chây ỳ, sinh ra tính “cơm cày, cá kiếm” (tự cấp tự túc) rồi “đói thì đầu gối (mới) phải bò”. Vâng, cho đến tận năm tôi lớn, tôi không thấy làng tôi có ai nghĩ phải làm ra cái mọi người cần để bán, trừ ông Tráo làm thợ rèn và vài ba ông phó may, phó cối, cúp tóc thì hình như làng nào cũng có.

Hệ lụy của thói quen tự cấp tự túc và lười là thói a dua, thấy người ta ăn khoai vác mai đi đào, chứ không tự sáng kiến ra một nghề độc đáo để bán sản phẩm mọi người cần. Nghe bảo thuốc sâu Trung Quốc rẻ, sâu chết như rạ, vậy là không ai bảo ai mà cả làng phun thuốc sâu, thuốc trừ cỏ Trung Quốc. Cho đến khi, Trẫm chết Trạng cũng ra ma, sâu chết, cỏ dại không mọc nhưng cả tôm cá cua rạm cũng chết, đến đỉa cũng không còn sống nổi thì cả làng mới tá hỏa sợ run. Bỏ thuốc sâu Trung Quốc được dăm năm, đỉa lại ngoe nguẩy bơi lội, rồi tôm cá, rồi cua rạm cũng hồi sinh. Cua đồng còn đắt, 100 ngàn một ký; rạm cũng chừng ấy. Nhưng lại đua đòi nuôi cua đồng, bằng thức ăn công nghiệp và thế là kẻ tham làm hại người thật. Khi người Hà Nội không mấy chuộng cua nữa, dân buôn mua cua giá cả trăm ngàn, về bán bẩy tám mươi vẫn ế chỏng gọng.

Cái kiểu bắt cá bằng kích điện ở biển, ở ngòi mương cũng đang gây họa. Dân bẫy cá lác bằng lon bia, bắt từ con cá bằng lá mạ; dân đi nhặt trứng chim ngoài bãi biển, mùa xuân trích, diệc, giang, cò về bãi sú vẹt đẻ trứng, dân đi nhặt hàng rổ. Năm xưa, 30 ngàn một con trích (300g) năm nay lên giá 100 ngàn còn phải đặt trước. Có vẻ như vẫn chưa ai nói với dân sống bằng kích điện, bằng bắt chim từ khi còn là trứng, rằng họ đang dùng thuốc sâu Trung Quốc cho nguồn sống của chính mình và người làng; họ đang tự đẩy mình vào thế người dại của khó?

Ở tầm vĩ mô, dường như có cái gì đó sai sai? Khi bắt đầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, mới chỉ biết lấy đất nông nghiệp làm khu công nghiệp mời gọi đầu tư, làm đất đô thị phân lô kiếm lời; chưa chú trọng công nghiệp hóa nền nông nghiệp – tức là sản xuất hàng hóa từ nông nghiệp – cả nước phấn khởi xuất khẩu gạo như người làng tôi ăn không hết tôm cáy mang ra chợ chiều để bán. Cái câu có ý nghĩa sống còn với nông dân là “công nghiệp hóa nền nông nghiệp” còn chưa mấy ai nói. Tôi có một phép tính đã mười năm không một ai giải cùng. Phép tính như sau: Làng tôi cứ 5 người thì có 1 người ở tỉnh lỵ, thành phố. Riêng Hội đồng hương xã tôi ở Hà Nội đã có hơn một trăm hội viên với khoảng 400 nhân khẩu. Hầu hết người dân quên tôi lên ở các thành phố đều thuộc bậc trung lưu, muốn ăn cá, gà, vịt và rau bí bầu dưa chuối sạch. Làng tôi ngày đôi ba chuyến xe đi Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Phú Thọ. Nhưng không ai chịu làm đầu mối cung ứng thực phẩm sạch cho anh em họ hàng của mình ở các thành phố. Họ bảo, chợ tôm cá buổi sớm không tranh mua nổi với dân buôn thị trấn thị xã; chợ chiều thì vài ba mớ lụn vụn họ ăn thừa mang bán. Còn rau dưa bầu bí vì sao không gieo trồng? Tôi hỏi cả hai vợ chồng, vợ bĩu môi, khốn nhưng ai lười hộ ạ?

Hết thuốc!

Widget 'Chân trang - Nông thôn mới'

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm





Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất