, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 02/04/2022, 10:00

Hệ thống thực phẩm dinh dưỡng đang "bỏ trống" khu vực nông thôn

THÙY DUYÊN - THẢO VÂN
(nongnghiep.vn)
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành lương thực - thực phẩm cần thay đổi tư duy sản xuất kinh doanh cũng như quản trị trong hệ thống thực phẩm.
Hội thảo quốc gia 'Nâng cao năng lực để cải thiện dinh dưỡng thông qua hệ thống thực phẩm cho các cơ sở đào tạo, các tổ chức xã hội và khối tư nhân' ngày 31/3. Ảnh: Phạm Hiếu.
Hội thảo quốc gia “Nâng cao năng lực để cải thiện dinh dưỡng thông qua hệ thống thực phẩm cho các cơ sở đào tạo, các tổ chức xã hội và khối tư nhân” ngày 31/03. Ảnh: Phạm Hiếu.

Nhiều rào cản níu chân các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành lương thực - thực phẩm

Theo nghiên cứu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm số lượng lớn trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam (gần 96% tổng số doanh nghiệp trong cả nước). Trong hơn 25 năm qua, các doanh nghiệp này đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đóng góp rất lớn cho an ninh lương thực, ổn định xã hội của đất nước cũng như công tác giảm nghèo.

Đặc biệt, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành lương thực - thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp chế độ ăn uống lành mạnh cho tất cả người dân. Với vai trò then chốt trong việc hình thành nên môi trường cho việc tiếp cận và bán thực phẩm, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể đóng góp vào việc tăng khả năng tiếp cận của người tiêu dùng đối với các thực phẩm dinh dưỡng lành mạnh, đồng thời tạo việc làm và cơ hội tăng thu nhập. Lĩnh vực lương thực - thực phẩm cũng có nhiều thành công và đạt kết quả tích cực về xuất khẩu và thị trường trong nước nhờ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tuy nhiên, cần có một số cải thiện nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện đang phải đối mặt với những rào cản trong việc cung cấp thực phẩm lành mạnh một cách bền vững. Những rào cản này có thể liên quan đến tài chính, cơ sở hạ tầng, và những thách thức về chính sách có ảnh hưởng tới hiệu quả của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các hoạt động từ sản xuất cho tới phân phối thực phẩm, cũng như khả năng tiếp cận khách hàng của các doanh nghiệp này.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành lương thực - thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp chế độ ăn uống lành mạnh cho tất cả người dân. Ảnh: Phạm Hiếu.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành lương thực - thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp chế độ ăn uống lành mạnh cho tất cả người dân. Ảnh: Phạm Hiếu.

Trong 5 năm qua, với sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản, FAO đã triển khai thực hiện Dự án “Tăng cường năng lực cho các hệ thống lương thực - thực phẩm nhạy cảm về dinh dưỡng thông qua phương pháp tiếp cận đa bên” (gọi tắt là Dự án) tại Ghana, Kenya và Việt Nam, với mục tiêu nâng cao năng lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực lương thực - thực phẩm trong việc áp dụng các phương pháp tiếp cận nhạy cảm dinh dưỡng trong hoạt động kinh doanh của mình.

Trong khuôn khổ Dự án, ngày 31/03, tại Hà Nội, FAO và các đối tác đã tổ chức Hội thảo quốc gia “Nâng cao năng lực để cải thiện dinh dưỡng thông qua hệ thống thực phẩm cho các cơ sở đào tạo, các tổ chức xã hội và khối tư nhân” nhằm nắm bắt tiến độ của Dự án và huy động thêm các bên liên quan trong nước để thúc đẩy một môi trường thuận lợi cho các khoản đầu tư chú trọng dinh dưỡng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Rèmi Nono Womdim, trưởng Đại diện FAO tại Việt Nam, đánh giá kết quả của Dự án sẽ rút ra những bài học kinh nghiệm rất quan trọng góp phần thúc đẩy việc thực hiện khung chương trình quốc gia 2022-2026 sắp tới, trong đó FAO đóng vai trò qua trọng đặc biệt về an toàn thực phẩm, sản xuất và tiêu dùng bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thị trường nông thôn cần được quan tâm nhiều hơn

“Sau 5 năm triển khai, Dự án đã mang lại những hiệu quả rõ rệt. Đặc biệt, các tài liệu đào tạo về vấn đề cải thiện dinh dưỡng trong hệ thống thực phẩm đã có kết quả”, TS. Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, bày tỏ tại Hội thảo.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần phải thay đổi tư duy sản xuất kinh doanh cũng như quản trị trong hệ thống thực phẩm. Ảnh: Phạm Hiếu.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần phải thay đổi tư duy sản xuất kinh doanh cũng như quản trị trong hệ thống thực phẩm. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo ông Đào Thế Anh, Việt Nam là một nước có thế mạnh về nông nghiệp. 30 năm qua, Việt Nam đã dành được những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực nông nghiệp như đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; xuất khẩu nhiều nông sản ra thị trường thế giới, đóng góp vào nền an ninh lương thực thế giới; xuất khẩu gạo đứng thứ 3 thế giới; đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê…

Tuy nhiên, đại diện Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, trong lĩnh vực đảm bảo an ninh lương thực, Việt Nam vẫn còn gặp một số khó khăn như vấn đề tỉ lệ suy dinh dưỡng cao của trẻ em tại các vùng quê xa xôi, miền núi và dân tộc thiểu số; hay như vấn đề béo phì của trẻ em ở các đô thị trong bối cảnh tốc độ đo thị hóa đang tăng nhanh trong những năm gần đây.

Theo đó, TS. Đào Thế Anh nêu quan điểm, để có thể giải quyết được vấn đề dinh dưỡng của Việt Nam cần có sự phối hợp của liên ngành cũng như một sự tiếp cận tổng thể, tham gia hợp tác từ các chủ thể trong chuỗi giá trị nông sản, thực phẩm như các hộ nông dân, các HTX, các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp chế biến, các tổ chức của người tiêu dùng và bản thân người tiêu dùng.

“Xây dựng hệ thống thực phẩm hướng tới dinh dưỡng là một cách tiếp cận phù hợp đối với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay cũng như giai đoạn sắp tới nhằm đảm bảo bền vững hệ thống thực phẩm trong tương lai, đảm bảo an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng. Để làm được điều đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần phải thay đổi tư duy sản xuất kinh doanh cũng như quản trị trong hệ thống thực phẩm. Đây là vấn đề thiết yếu vì mục tiêu của Dự án là thông qua việc tăng cường năng lực cho các hệ thống đào tạo đại học, đào tạo nghề để tiếp cận hệ thống thực phẩm và cải thiện dinh dưỡng”, TS. Đào Thế Anh chia sẻ.

Các doanh nghiệp cung ứng thực phẩm đang ‘bỏ trống’ thị trường nông thôn, các vùng xa xôi, nghèo đói. Ảnh: Phạm Hiếu.
Các doanh nghiệp cung ứng thực phẩm đang ‘bỏ trống’ thị trường nông thôn, các vùng xa xôi, nghèo đói. Ảnh: Phạm Hiếu.

Bên cạnh đó, ông Đào Thế Anh nhấn mạnh vai trò quan trọng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các HTX trong việc cải thiện tính bền vững của hệ thống thực phẩm, dinh dưỡng trong giai đoạn tới.

“Trước đây các doanh nghiệp chỉ tập trung vào vấn đề cung ứng thực phẩm cho thị trường đô thị và đang ‘bỏ trống’ thị trường nông thôn, các vùng xa xôi, nghèo đói. Trong khi thời gian qua, thị trường nông thôn đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong chế biến thực phẩm. Với sự hỗ trợ của các công nghệ, sáng tạo mới, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể hướng đến các thị trường nông thôn. Đây có thể là định hướng mới trong việc kinh doanh của các doanh nghiệp này trong thời gian tới”, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phân tích.

Dự án “Tăng cường năng lực cho các hệ thống lương thực - thực phẩm nhạy cảm về dinh dưỡng thông qua phương pháp tiếp cận đa bên” được triển khai từ 12/2016 - 05/2022; được tài trợ bởi Bộ Nông Lâm Ngư Nhật Bản và điều phối bởi FAO và FAO Việt Nam.

Dự án đặt ra mục tiêu tăng cường năng lực và kỹ năng để đảm bảo chế độ dinh dưỡng lành mạnh, hệ thống thực phẩm bền vững và thực hành cải thiện dinh dưỡng cho khu vực công và tư toàn cầu, đặc biệt ở Ghana, Kenya và Việt Nam.

Theo đó, các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong hoặc liên quan đến các hệ thống thực phẩm sẽ được tăng năng lực để đẩy mạnh và/hoặc thực hiện các tiếp cận dinh dưỡng thông qua hệ thống thực phẩm.

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất