, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 22/10/2021, 06:00

Hiểu đúng số liệu thống kê

CẨM HÀ
Dữ liệu có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo sự thành công cho mọi kế hoạch, quyết định hay định hướng chính sách. Hiểu sai hoặc hiểu chưa đầy đủ dữ liệu sẽ dẫn tới các quyết định sai lầm.
Dữ liệu có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo sự thành công cho mọi kế hoạch, quyết định hay định hướng chính sách.

Tại cuộc họp báo do Tổng cục Thống kê tổ chức đầu tháng 7 vừa qua, một phóng viên thắc mắc: theo số liệu thống kê, mức chi tiêu bình quân của hộ gia đình cho một thành viên đang đi học trong 12 tháng là hơn 7 triệu đồng (chưa tới 600.000 đồng/tháng). Mức này, theo anh, quá thấp so với thực tế. Khi được giải thích mới hiểu, hóa ra đây là mức chi tiêu đã loại trừ hoàn toàn chi phí ăn uống, sinh hoạt!

Tránh ngộ nhận

Cũng dễ gây hiểu nhầm như vậy, lượng tiêu thụ rượu bia, theo cơ quan thống kê, bình quân đạt 1,3 lít/người/tháng trong cả năm 2020; thấp hơn đáng kể so với số liệu của Bộ Y tế và Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam.

Nguyên nhân, như ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê) giải thích, là do cơ quan này chỉ tính sản lượng rượu bia mua về để sử dụng trong gia đình, mà không tính đến lượng tiêu thụ ở các nhà hàng, các dịp liên hoan, lễ tiệc ngoài gia đình. Dễ thấy là nếu ai đó không đọc kỹ và hiểu rõ cách tính toán thống kê, họ rất có thể hồ nghi hoặc (tệ hơn) là đưa ra những kết luận vội vàng, không chính xác.

Một trong những “ngộ nhận” thường thấy nhất liên quan đến tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Nếu chỉ đơn thuần nhìn vào công bố “kinh tế Việt Nam tăng trưởng GDP quý II ước đạt 6,61%, 6 tháng là 5,64%” thì có thể thấy khá an tâm, nhất là khi so với tốc độ tăng trưởng 0,39% của quý II/2020 và 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020. Đầu tàu kinh tế của cả nước - TP.HCM - vẫn đạt mức tăng trưởng 5,46%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng GRDP 1,02% của cùng kỳ năm trước, bất chấp việc vừa phải trải qua 1 tháng thực hiện giãn cách xã hội (tính đến cuối tháng 6/2021). Đà Nẵng đạt 4,9%, bật lên từ mức tăng trưởng âm rất sâu của năm 2020 (-9,77%). Cần Thơ là 5,6%, Hà Nội là 5,91%, Hải Phòng lên tới 13,5%, Bình Dương là 7,23%, Đồng Nai là 5,74%...

Tuy nhiên, rất cần lưu ý rằng, tốc độ tăng trưởng này được so với nền tăng trưởng rất thấp của quý II và 6 tháng đầu năm 2020 - thời điểm kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng của Covid-19 và các biện pháp phòng chống dịch được thắt chặt hơn nhiều so với cách làm linh hoạt hơn hiện nay.

Thực tế, tốc độ tăng trưởng quý II và 6 tháng đầu năm đều thấp hơn so với kịch bản tăng trưởng được ban hành kèm theo Nghị quyết 01/NQ-CP, cũng như kịch bản được điều chỉnh trong quý I/2021. Các địa phương được coi là “trọng điểm tăng trưởng kinh tế” đều tăng trưởng thấp hơn tốc độ chung của cả nước, trong đó có TP.HCM, vốn đóng góp khoảng 22% GDP và từ 26,5% đến 27,5% ngân sách cả nước.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5%, trong hai quý cuối năm, tốc độ tăng trưởng GDP phải đạt con số 7,2%, nhưng theo ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê), đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn.

Đó là chưa kể một số “điểm mờ” vẫn khiến một số nhà kinh tế cảm thấy chưa được thuyết phục hoàn toàn. Sau khi được Tổng cục Thống kê tiến hành đánh giá lại, điều chỉnh tăng 25%, GDP theo giá hiện hành ước tính đạt 9 triệu tỷ đồng năm 2021, mà chưa làm rõ được phần tăng này đến từ đâu, ngay cả khi tính theo phương pháp sản xuất (sản xuất cao lên 25%, thì phần cao lên đó được sử dụng vào đâu: tiêu dùng, tích lũy hay xuất khẩu).

Bên cạnh đó, với mức tăng này, chuỗi số liệu GDP đột nhiên “đứt gãy” vì khi điều chỉnh thì lẽ ra phải tính lại từ năm đầu tiên, nhưng cơ quan thống kê quốc gia chưa làm việc này. Khi nước Mỹ điều chỉnh hệ thống số liệu thống kê theo phương pháp SNA2008, họ phải tính lại toàn bộ chuỗi số từ năm 1930 đến nay…

Gộp chung vào một giỏ dễ sai lầm

Tương tự, việc nhận diện đúng thị trường lao động việc làm để từ đó đánh giá tác động và thiết kế chính sách phù hợp cũng không dễ dàng nếu chỉ đọc lướt qua số liệu.

Tháng 07/2021, Tổng cục Thống kê, trong một điều tra chuyên sâu về lao động việc làm dưới tác động của đại dịch Covid-19, cho biết, trong quý II/2021, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 49,9 triệu người, giảm 65.000 người so với quý trước và tăng gần 1,8 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là gần 1,2 triệu người, tăng 87.100 người so với quý trước và giảm 82.100 người so với cùng kỳ năm trước… Một câu hỏi nảy sinh gần như ngay lập tức: Vì sao số người có việc lại tăng bất chấp làn sóng Covid-19 thứ 4 - dữ dội nhất tại Việt Nam từ đầu dịch đến nay?

Theo Tổng cục Thống kê, trong quý II/2021, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm tăng gần 1,8 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Công nhân làm việc tại một nhà máy chế biến trái cây.

“Các biện pháp phòng chống dịch lần này đã thay đổi theo hướng khoanh vùng cách ly và nỗ lực duy trì sản xuất kinh doanh. Nhưng cũng cần hiểu đúng rằng con số gần 1,8 triệu người có việc làm tăng thêm so với cùng kỳ năm trước không phải là thành quả đáng vui mừng. Đó là mức tăng trên một nền so sánh thấp. So với trạng thái cân bằng bình thường của nền kinh tế (thường tăng thêm khoảng 3,4 - 3,5 triệu việc làm/năm) thì điều này có nghĩa là đã có khoảng 1,7 triệu người bị tước đi cơ hội lao động”, bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động hồi đáp.

Làm rõ thêm vấn đề, bà Valentina Barcucci, Quyền Giám đốc Tổ chức lao động quốc tế ILO Việt Nam cho biết, khái niệm “thất nghiệp” chỉ là một trong nhiều tiêu chí để đánh giá thị trường lao động. Có rất nhiều người trong độ tuổi lao động không đi làm và không có thu nhập, nhưng không được coi là thất nghiệp, bởi khái niệm “thất nghiệp” bao gồm nhiều tiêu chí: không lao động và không chủ động tìm việc. Một người giúp việc nhà trong thời kỳ giãn cách xã hội bị mất việc, sẵn sàng làm việc nhưng không thể chủ động tìm việc (vì chị ấy không thể đi làm), thì vẫn không được tính là thất nghiệp - chuyên gia này nêu một trong rất nhiều ví dụ. Bên cạnh đó, chất lượng việc làm (tính bền vững, mức thu nhập hợp lý, điều kiện lao động…) cũng là những yếu tố không thể bỏ qua. Tóm lại, không thể nói chung chung về “thất nghiệp” mà cần có sự phân nhóm rất cụ thể để thiết kế những chính sách riêng phù hợp nhằm cải thiện chất lượng của thị trường lao động, đảm bảo an sinh xã hội.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Với ưu điểm chịu hạn, dễ chăm sóc, đặc biệt giá trị tăng cao gấp nhiều lần cây lúa, cây mè được nông dân huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp canh tác như một giải pháp chống hạn trong chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng.





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất