, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 03/11/2022, 15:17

Quảng Bình: Mô hình nuôi tôm càng xanh đem lại hiệu quả kinh tế cao

DIỆU LINH
Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế cũng như tăng năng suất của những vùng đất nhiễm mặn, đất trồng lúa kém hiệu quả, trong những năm qua, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình đã đẩy mạnh phát triển mô hình nuôi tôm càng xanh, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình nuôi tôm càng xanh đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. 

Quảng Bình là địa phương có diện tích đất trồng lúa khá lớn. Toàn tỉnh có 39.999ha đất trồng lúa, trong đó có 27.538ha đất trồng lúa 2 vụ và 6.461ha đất trồng lúa 1 vụ. Tuy nhiên, những năm gần đây, tình trạng biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn đã làm giảm năng suất, chất lượng lúa. 

Thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, từ năm 2020, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình đã triển khai thí điểm mô hình nuôi tôm càng xanh trên vùng đất trồng lúa kém hiệu quả tại xã Đồng Trạch với diện tích nuôi thử nghiệm 3ha. 

Kết quả từ mô hình nuôi thử nghiệm cho thấy, tôm càng xanh thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tỉnh Quảng Bình, đem lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi. 

Phát huy những kết quả đạt được, năm 2021, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi tôm càng xanh trên đất trồng lúa kém hiệu quả gắn với tiêu thụ sản phẩm tại các xã Hồng Thủy (Lệ Thủy), và Đức Ninh (TP Đồng Hới) với diện tích 4,7ha; Đồng Trạch, Thanh Trạch (Bố Trạch) với diện tích 9ha. Năm 2022, diện tích nuôi tôm càng xanh tại Quảng Bình đã lên tới hơn 40ha.

Mở rộng nuôi tôm càng xanh ngày càng được nhân rộng tại các địa phương.

Ông Phan Đệ (xã Đồng Trạch) cho biết, năm nay gia đình mạnh dạn chuyển đổi 0,5ha đất trồng lúa sang nuôi thử nghiệm tôm càng xanh. Ngay từ vụ đầu tiên ông đã thấy mô hình chuyển đổi cho hiệu quả cao hơn so với trồng lúa.  

“Tôm càng xanh là loại tôm khá dễ nuôi, phổ thức ăn rộng, ngoài thức ăn công nghiệp có thể tận dụng nguồn thức ăn sẵn có ở địa phương để bổ sung như cá tạp, tép… Nhờ đó giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập. Vừa qua gia đình thu hoạch tôm có lãi hơn 50 triệu đồng” - ông Đệ chia sẻ.

Chuyển đổi mô hình trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm càng xanh đã mang lại hiệu quả cao bởi không chỉ đem lại thu nhập ổn định cho người dân mà còn làm thay đổi tư duy sản xuất của bà con trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản. Mô hình đã được người dân đánh giá cao và xem đây là đối tượng nuôi mới có thể thay thế đối tượng nuôi truyền thống trước đó. 

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh cho biết : “Sau 3 năm triển khai thực hiện mô hình, kết quả cho thấy tôm càng xanh sinh trưởng phát triển tốt, ít dịch bệnh, thích ứng với điều kiện sinh thái của địa phương. Thời gian nuôi tương đối ngắn, phù hợp thời vụ nuôi tại Quảng Bình nên hạn chế được rủi ro bị mưa lũ cuốn trôi. Hiệu quả kinh tế mang lại tăng gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa”. 

Tuy nhiên, để nuôi tôm càng xanh đạt hiệu quả, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh khuyến cáo người dân cần chọn nguồn giống ở các cơ sở sản xuất có uy tín; môi trường nuôi là đất ruộng chuyển đổi thường nhiều dịch hại nên công tác cải tạo ao nuôi cần chuẩn bị kỹ lưỡng và tuân thủ tuyệt đối các quy trình kỹ thuật nuôi.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất