, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 02/03/2023, 17:20

Hiệu quả từ mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường

BÙI TÙNG
(baolongan.vn)
Dự án Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường mang lại hiệu quả tích cực, giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đặc biệt là bảo vệ môi trường.

Hiệu quả thiết thực

Phó Chủ tịch Hội ND Việt Nam tỉnh Long An - Trần Quốc Quân cho biết, Dự án do Trung ương Hội ND Việt Nam phối hợp Tổ chức Earth Care Foundation thực hiện. Lợi ích đầu tiên mà Dự án mang lại là tạo ra sự chuyển biến về nhận thức và hành động của ND trong vấn đề sản xuất lúa theo hướng thân thiện với môi trường.

Hiện nay, Dự án được thực hiện ở 4 xã trong tỉnh, gồm: Mỹ Phú, Mỹ An (huyện Thủ Thừa) và Thuận Nghĩa Hòa, Thủy Đông (huyện Thạnh Hóa). Khi tham gia Dự án, ND được các kỹ sư nông nghiệp hướng dẫn về kỹ thuật như xử lý đất; tưới ướt - khô xen kẽ; xử lý rơm, rạ; quy trình bón phân; được tham gia các lớp tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học - kỹ thuật;...

Tổ chức Earth Care Foundation khảo sát, đánh giá thực tế mô hình điểm thực hiện Dự án tại xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa.

Vụ lúa Đông Xuân 2022-2023, có 160 hộ ND tham gia Dự án với trên 85ha lúa được áp dụng ít nhất 1 kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, ND được khuyến cáo sử dụng giống từ cấp xác nhận trở lên, chọn giống tốt phù hợp với từng vùng và gieo sạ hàng, sạ cụm, lượng giống khuyến cáo từ 80kg/ha đối với sạ hàng và 50-60kg/ha đối với sạ cụm; thực hiện giảm lượng phân bón và số lần phun thuốc bảo vệ thực vật. ND tham gia mô hình còn được hỗ trợ phân tích mẫu đất đầu vụ, cung cấp thiết bị cầm tay để đo độ mặn, phèn.

Ông Ngô Văn Thiện tham gia Dự án tại xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa, cho biết, canh tác lúa thân thiện với môi trường chủ đạo là phương pháp tưới ướt - khô xen kẽ giúp ND tiết kiệm nguồn nước, hạn chế dịch hại, giảm số lần bón phân, từ đó giảm đáng kể chi phí sản xuất. Quan trọng là cây lúa giữ được năng suất, chất lượng.

Vụ Đông Xuân 2022-2023, ông Thiện ước tính sản lượng lúa đạt khoảng 7 tấn/ha với giá bán cao hơn từ 500-1.500 đồng/kg so cùng kỳ năm trước, lợi nhuận ông có thể thu được từ 40-50 triệu đồng/ha. “Canh tác lúa thân thiện với môi trường vừa bảo đảm năng suất, vừa an tâm về đầu ra. Tuy năng suất không cao bằng sản xuất thông thường nhưng nhờ giảm được chi phí đầu vào và hạn chế được sâu, bệnh nên lợi nhuận cao hơn. Từ thực tế này, nhiều hộ ND đã mạnh dạn làm theo và đều mang lại hiệu quả” - ông Thiện cho biết thêm.

Ông Trần Minh Đón, một trong những ND đầu tiên tham gia Dự án tại xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa, chia sẻ: “Khi tham gia Dự án, thay vì đốt rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch lúa, chúng tôi sẽ thu gom, sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như cung ứng cho các hộ trồng nấm rơm, rải gốc cây ăn trái hoặc các liếp đất để trồng rau màu. Phần rơm rạ còn lại trên đất sẽ được xử lý bằng men vi sinh để phân hủy, tránh cho cây lúa bị ngộ độc hữu cơ, gốc rạ sau khi được phân hủy sẽ tạo ra lượng hữu cơ trả lại cho đất”.

Kỹ sư nông nghiệp chỉ ra những thay đổi tích cực từ việc áp dụng các kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường.

Cần được nhân rộng

Long An có diện tích đất nông nghiệp lớn, khoảng 350.000ha với nhiều nông sản khác nhau. Đối với sản xuất lúa, Long An đứng thứ 4 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về sản lượng với 2,7 triệu tấn/năm, diện tích xuống giống hàng năm trên 509.000ha, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu ngành Nông nghiệp nói riêng và cơ cấu kinh tế của tỉnh nói chung.

Tuy nhiên, việc sản xuất lúa vẫn còn gặp những khó khăn do ND còn thói quen thâm canh và lạm dụng nhiều phân bón, thuốc hóa học, nhất là chưa quan tâm nhiều đến việc tiết kiệm nước, để ruộng lúa ngập nước liên tục gây lãng phí nguồn nước.

Chủ tịch Hội ND Việt Nam tỉnh - Lê Văn Hùng thông tin: “Thời gian tới, Hội tiếp tục phối hợp các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ND tích cực hưởng ứng, tham gia thực hiện mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường; đồng thời, nhân rộng diện tích áp dụng ngoài vùng thực hiện Dự án, trước tiên tại xã Mỹ Lạc, Mỹ Thạnh (huyện Thủ Thừa) và xã Tân Hiệp, Thuận Bình (huyện Thạnh Hóa).

Ngoài ra, Hội sẽ phối hợp các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của ND trong sản xuất lúa, hướng đến xây dựng thương hiệu lúa gạo an toàn, thân thiện với môi trường”.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất