, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 25/11/2022, 08:27

Hiệu quả ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

BÙI TÙNG
(baolongan.vn)
Những năm qua, bên cạnh việc vận động người dân đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An còn triển khai nhiều dự án, mô hình ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) vào sản xuất, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế.

Làm giàu nhờ nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao

Về các xã vùng hạ của huyện Cần Giuộc như Phước Vĩnh Tây, Phước Lại,..., chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự "thay da, đổi thịt" của vùng quê trước đây vốn nhiều gian khó. Những cánh đồng lúa năng suất thấp nhường chỗ cho những đầm tôm.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam xã Phước Vĩnh Tây - Lê Thanh Thuận cho biết, ngày trước, người dân trong xã chỉ biết canh tác lúa. Do xã ở vùng hạ, cánh đồng trồng lúa chỉ cao chưa đến 0,5m so với mặt nước biển. Người dân chỉ có thể canh tác 1 vụ/năm với năng suất rất thấp, khoảng 2,5 tấn/ha, thời gian còn lại không sản xuất được do đất bị nhiễm mặn.

Vào những năm 2000, một số hộ dân trong xã thử nghiệm mô hình nuôi tôm sú theo hình thức quảng canh, kết hợp nuôi tôm trong ruộng lúa. Tuy nhiên, việc kết hợp này cũng không mang lại hiệu quả kinh tế. Đến khi UBND tỉnh phê duyệt đề án nuôi tôm nước lợ, nhiều cánh đồng thường xuyên ngập mặn trên địa bàn được chuyển đổi từ canh tác lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Đặc biệt, trong 4 năm trở lại đây, không ít hộ dân mạnh dạn đầu tư nuôi tôm ƯDCNC mang lại hiệu quả vượt trội.

Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tại xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc.

Anh Lê Thanh Phong (ấp 3, xã Phước Vĩnh Tây) trước đây cũng canh tác lúa, loay hoay với đủ thứ cây, con nhưng gia đình anh chưa thể vươn lên làm giàu. Năm 2005, anh Phong cải tạo 2ha đất để đào 3 ao, trong đó 2 ao nuôi tôm, ao còn lại dùng làm ao lắng. Kể từ khi chuyển sang nuôi tôm, năm nào gia đình anh cũng “bỏ túi” từ vài trăm triệu đến cả tỉ đồng. Chưa dừng lại ở đó, khi nhận thấy thời tiết diễn biến thất thường, độ mặn thường xuyên thay đổi khiến việc nuôi tôm ngày càng khó khăn, năm 2017, gia đình anh chuyển từ nuôi tôm kiểu truyền thống sang nuôi tôm ƯDCNC. Nhờ vậy, năng suất được cải thiện hơn, trung bình mỗi hécta trước đây nuôi 3 tháng chỉ thu hoạch được khoảng 3 tấn tôm nhưng nay có thể đạt đến 20-25 tấn.

“Nuôi theo cách truyền thống, tôi thả tôm trực tiếp xuống ao nên không kiểm soát được số lượng và dịch bệnh, mặc dù vẫn có lời nhưng tỷ lệ tôm thất thoát nhiều. Hiện tôi nuôi tôm ƯDCNC theo mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 3 giai đoạn. Theo đó, tôi sử dụng các trang thiết bị tiên tiến gồm: Máy thổi khí oxy, máy cho ăn tự động, xi phong đáy, quạt nước để gom chất thải. Ngoài ra, để môi trường nước luôn sạch, khi lấy nước, tôi sử dụng thuốc tím, sau đó, bơm ra ao lắng chất hữu cơ; đồng thời, sử dụng Clo xử lý bước tiếp theo bảo đảm nước sạch hoàn toàn mới cấp nước cho ao tôm” - anh Phong cho biết.

Mặc dù chi phí đầu tư nuôi tôm ƯDCNC khá cao nhưng tỷ lệ thành công cao hơn, năng suất tôm tăng gấp nhiều lần so với nuôi tôm kiểu truyền thống. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn xã Phước Vĩnh Tây có khoảng 1.000ha tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Riêng ấp 3 có diện tích tập trung nuôi tôm ƯDCNC nhiều nhất, hiện có trên 100 hộ dân nuôi tôm theo hướng này, trong đó, 40 hộ dân nuôi tôm ƯDCNC hoàn toàn. Hầu hết các mô hình nuôi tôm ƯDCNC mang lại hiệu quả cao. Đặc biệt, nhờ sản xuất theo tiêu chuẩn cao, an toàn nên tôm bảo đảm đầu ra.

Liên kết ổn định đầu ra cho cây chanh

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thủ Thừa - Lê Anh Tuấn cho biết, xác định Phát triển nông nghiệp ƯDCNC là chương trình đột phá, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện, hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, huyện đã quy hoạch lại vùng sản xuất, tập trung ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho nông sản của huyện trên thị trường. Điển hình như các xã Tân Thành, Tân Long,...

Trước đây, những xã này là vùng chuyên canh mía nhưng do gặp khó khăn về đầu ra nên nông dân dần chuyển sang các loại cây trồng khác, trong đó, cây chanh không hạt đang mang lại hiệu quả cao nhờ người dân chủ động liên kết với nhau và sản xuất theo hợp đồng bao tiêu của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp bao tiêu sẽ hỗ trợ nông dân về kỹ thuật, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm sinh học,... Còn nông dân phải tuân thủ các quy trình sản xuất VietGAP, GlobalGAP để tạo ra trái chanh sạch đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường thế giới.

Cây chanh mang lại thu nhập ổn định cho nhiều nông dân xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa.

Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Chanh không hạt Bo Bo - Tân Thành (xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa) - Lê Văn Tiên cho biết: “Trung bình 1ha chanh sản xuất theo quy trình của công ty cho năng suất 25-30 tấn/vụ. Với giá bao tiêu cao hơn thị trường từ 3.000-4.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, nông dân còn lãi trên 150 triệu đồng/ha”.

Được biết, HTX hiện có 5ha chanh không hạt đạt chuẩn GlobalGAP và được Công ty TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ ký hợp đồng thu mua toàn bộ sản phẩm. HTX đang tích cực vận động người trồng chanh tham gia HTX và canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để bảo đảm đầu ra bền vững.

Tiếp tục nhân rộng

Xác định ƯDCNC vào sản xuất là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục chọn Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là một trong những chương trình đột phá. Trong đó, mở rộng diện tích và đối tượng thực hiện với chỉ tiêu cụ thể: Cây lúa 60.000ha, cây thanh long 6.000ha, cây chanh 3.000ha, duy trì 2.000ha rau, con tôm 100ha và con bò thịt.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; hỗ trợ phát triển các HTX, tổ hợp tác, nâng cao năng lực chủ động liên kết tiêu thụ đầu ra, ký kết hợp đồng liên kết sản xuất theo chuỗi sản xuất có địa chỉ, truy xuất nguồn gốc; duy trì, nhân rộng diện tích sản xuất ƯDCNC theo hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản; triển khai xây dựng mô hình ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa, mô hình giảm lượng phân bón vô cơ trong sản xuất.

“Đồng thời, tiếp tục phối hợp các sở, ngành liên quan đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao trong nông nghiệp, ưu tiên hợp tác đào tạo sau đại học, đào tạo chuyển giao công nghệ về các kỹ thuật, công nghệ cao, phục vụ phát triển nông nghiệp ƯDCNC; tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân trong vùng dự án, tạo chuyển biến từ nhận thức đến quy trình sản xuất theo hướng hiện đại; tiếp tục nâng cao hiệu lực trong quản lý chất lượng nông sản, vệ sinh an toàn thực phẩm, xem truy xuất nguồn gốc đối với hàng nông sản của doanh nghiệp là yêu cầu bắt buộc để doanh nghiệp gắn kết và có trách nhiệm đầu tư vào vùng nguyên liệu” - ông Nguyễn Chí Thiện cho biết thêm.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.
Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất