, //, :: GTM+7

Hình thành nhiều vùng cây ăn quả quy mô lớn

BẢO HÂN
(baochinhphu.vn)
Những năm gần đây, sản xuất cây ăn quả nước ta phát triển khá toàn diện, liên tục tăng trưởng cả về diện tích, sản lượng. Trong đó, một số địa phương khu vực trung du miền núi phía bắc đã hình thành các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung quy mô lớn. Nhiều vùng cây ăn quả được cấp chỉ dẫn địa lý, chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, mã số vùng trồng... phục vụ tốt nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Thu hoạch quýt ngọt ở huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. (Ảnh QUỐC HỒNG)

Cục Trồng trọt cho biết, hết năm 2021, diện tích cây ăn quả vùng trung du miền núi phía bắc đạt khoảng 266,7 nghìn ha, sản lượng 1.978 nghìn tấn. So với cả nước, đây là vùng cây ăn quả lớn thứ hai về diện tích và sản lượng, chỉ sau đồng bằng sông Cửu Long. Khu vực này có tám loại quả chủ lực như: Vải, nhãn, cam, bưởi, chuối, xoài, na và dứa phục vụ nhu cầu tại thị trường trong nước và xuất khẩu với diện tích 196,8 nghìn héc-ta.

Cùng với đó, một số cây ăn quả mới như bơ, chanh leo cũng đang được một số địa phương phát triển. Cây ăn quả đang đóng vai trò rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và nâng cao thu nhập cho người dân ở các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Bắc Giang.

Với sự quan tâm của các địa phương trong thời gian qua, sản xuất quả an toàn, theo hướng VietGAP, truy xuất nguồn gốc, liên kết sản xuất, chuỗi giá trị sản xuất tiêu thụ được chú trọng thực hiện và đạt những kết quả bước đầu. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La, đến hết tháng 6/2022, diện tích cây ăn quả của tỉnh đạt khoảng 82.815ha. Trong đó, diện tích được cấp 241 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu là 3.865ha.

Toàn tỉnh có 156 chuỗi quả an toàn (xoài, nhãn, mận, chanh leo, cam, bưởi, dâu tây, thanh long...) với diện tích 3.449ha, sản lượng 40.599 tấn/năm. Hiện nay, các chuỗi liên kết đã cơ bản phát huy được hiệu quả khi tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, các sản phẩm sản xuất trong chuỗi có thị trường tiêu thụ ổn định. Mặt khác, công tác xúc tiến thương mại, kết nối, tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa, nhất là sản phẩm quả, luôn được Sơn La đẩy mạnh bằng nhiều hình thức và cách làm mới mang tính đột phá, hiệu quả cao.

Thị trường tiêu thụ nông sản của tỉnh được mở rộng đến các siêu thị lớn trong và ngoài tỉnh, xuất khẩu sang Trung Quốc, Australia, EU, Mỹ... Nhờ đưa giống cây ăn quả mới cho năng suất, chất lượng cao, áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất cho nên giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đạt khá cao.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La, thời gian qua, người dân đã mạnh dạn đưa vào trồng thử nghiệm các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh, phù hợp điều kiện tự nhiên của địa phương như: chanh leo tím, bơ ghép, na hoàng hậu ghép... Trong đó, chanh leo tím và bơ ghép có thu nhập 600 triệu đồng/ha, na hoàng hậu ghép đạt một tỷ đồng/ha.

Đại diện Hợp tác xã Nông nghiệp Phương Nam, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La cho biết, năm 2021, các thành viên trong hợp tác xã trồng 100ha cây ăn quả, chủ lực là nhãn chín muộn, xoài, chuối tiêu hồng, sản lượng khoảng 4.000 tấn. Qua sản xuất cây ăn quả, nhiều hộ có thu nhập hơn tỷ đồng, cá biệt có hộ trồng 6ha xoài và nhãn mỗi năm thu nhập từ 1,5 đến 2,5 tỷ đồng.

Trên địa bàn tỉnh Điện Biên hiện có 3.340ha trồng cây ăn quả, trong đó nhiều giống mới, canh tác theo hướng tiên tiến được nông dân ứng dụng trong sản xuất; nhất là việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, đất nương rẫy sang trồng cây ăn quả có hiệu quả hơn. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân chủ động đầu tư, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả ổn định.

Một số cây ăn quả mới đang phát triển tốt do phù hợp điều kiện sinh thái của địa phương, bước đầu cho năng suất, hiệu quả cao. Điển hình như: mô hình trồng xoài Đài Loan với diện tích 399ha. Đến nay, một số diện tích đã cho thu hoạch, năng suất khoảng 68 tạ/ha, lợi nhuận ban đầu ước đạt 37 triệu đồng/ha; mô hình trồng bưởi da xanh với diện tích 251ha, năng suất khoảng 100 tạ/ha, lợi nhuận khoảng 213 triệu đồng/ha.

Theo Cục Trồng trọt, thời gian tới các địa phương vùng trung du miền núi phía bắc cần căn cứ vào định hướng phát triển chung, mỗi tỉnh chọn một số chủng loại cây chủ lực, lợi thế xây dựng vùng sản xuất tập trung; đầu tư phát triển ngành hàng theo chuỗi giá trị, gắn với thị trường, chế biến; hạn chế tình trạng gia tăng diện tích tự phát, theo phong trào; khuyến cáo nông dân không gia tăng diện tích khi chưa có hợp đồng tiêu thụ; tập trung rà soát, chuyển đổi cơ cấu chủng loại, giống cây ăn quả có chất lượng, có thị trường tiêu thụ ổn định; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thâm canh cây ăn quả chủ lực trồng tập trung theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu để tạo sản phẩm an toàn, hiệu quả cao, bền vững; ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản, chế biến phục vụ nội tiêu và xuất khẩu.

Khuyến khích doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp lớn, đầu tư liên kết người nông dân xây dựng, phát triển các chuỗi giá trị cây ăn quả chủ lực trồng tập trung, từ sản xuất, thu mua, bảo quản, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, đăng ký chỉ dẫn địa lý, tem nhãn nhận diện và truy xuất nguồn gốc sản phẩm quả…

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1



Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất