, //, :: GTM+7

Hồ chứa nước Bản Mồng sẽ hoàn thành vào năm 2025

TUỆ MINH
Theo thông tin được đưa ra trong buổi làm việc của đoàn công tác Bộ NN&PTNT với UBND tỉnh Nghệ An ngày 02/12/2021, Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng - giai đoạn 2 có tổng số vốn đầu tư 4.455 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.
Công trình đập chính Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng đang được xây dựng - Ảnh: Châu Bình.

Tại buổi làm việc về tình hình thực hiện Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng - giai đoạn 2, tỉnh Nghệ An đề nghị Trung ương đầu tư cho giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư 2.671,9 tỷ đồng nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả đầu tư giai đoạn 1 của Dự án. 

Theo đó, giai đoạn 2 của dự án tập trung xây dựng hệ thống kênh chính, gồm 5 tuyến với tổng chiều dài 57,7km; xây dựng 12 trạm bơm về hệ thống kênh chính dài 42,6km. Vùng hưởng lợi của dự án Hồ chứa nước Bản Mồng giai đoạn 2 thuộc 3 huyện, thị: Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Thái Hòa với diện tích tự nhiên khoảng 169.220 ha, đất sản xuất nông nghiệp 60.265 ha.

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết hiện tại, dự án đã hoàn thành 8 trạm bơm, phục vụ tưới cho gần 3.100ha. Theo thiết kế, dự án còn 12 trạm bơm phải xây dựng, song cần phải rà soát lại theo thực tế, nếu chưa thật cần thiết có thể dừng lại để dành nguồn xây dựng các hạng mục khác. 

Giai đoạn 2, tỉnh sẽ đầu tập trung đầu tư hoàn thành các công trình đầu mối, xây dựng kênh chính, còn kênh nhánh sau này sẽ xây dựng thêm nếu thấy cần thiết.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, giai đoạn 1 của Dự án hiện đang thiếu hụt khoảng 1.500 tỷ đồng. Hiện tại, Thủ tướng Chính phủ đang giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại nhiệm vụ giai đoạn 1 của Dự án. Thứ trưởng đề nghị tỉnh và đơn vị tư vấn cần thống nhất một số quan điểm để báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Theo Thứ trưởng, sau khi rà soát, nhiệm vụ tưới của công trình Hồ chứa nước Bản Mồng đã có thay đổi, một phần diện tích trồng cây lúa nước đã được chuyển sang trồng cây cao su, chuyển sang đất công nghiệp, đất dịch vụ... Nhiệm vụ tưới giảm diện tích cây lúa nước, nhưng lại tăng ở phục vụ nước sinh hoạt, sản xuất công nghiệp và tạo nguồn.

Bên cạnh đó, việc tăng diện tích tưới tự chảy từ hơn 2.000ha theo mục tiêu ban đầu của Dự án lên hơn 7.000ha cho thấy được hiệu quả rất lớn. Giai đoạn 2 đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, cố gắng tập trung xây dựng để hoàn thành Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng vào năm 2025.

Bên cạnh các nội dung liên quan đến dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, lãnh đạo Tỉnh cũng đề nghị Bộ NN&PTNT quan tâm đến dự án Khe Lại - Vực Mấu; nghiên cứu cho phép xây dựng đập dâng sông Lam để chống sa mạc hóa vùng Nam Hưng Nghi.

Đối với đề nghị này, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết Bộ NN&PTNT đồng ý cho thực hiện. Tuy nhiên, Thứ trưởng đề nghị tỉnh Nghệ An tính toán để công trình khắc phục được hạn chế của công trình Cống Nam Đàn 2 cũng như giúp xóa hạn vùng Nam Hưng Nghi. Đồng thời phải nghiên cứu để xây dựng công trình đập dâng sông Lam là công trình đa mục tiêu. Để được bố trí vốn đầu tư, Tỉnh cần phải đưa công trình này vào quy hoạch của tỉnh hoặc quy hoạch của Bộ NN&PTNT.

 

Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng có tổng số vốn đầu tư 4.455 tỷ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Dự án được xây dựng trên tổng diện tích 339 ha, hồ có dung tích thiết kế 235 triệu m3, với cao trình đập chính cao 76,4m. Đây là dự án thủy lợi đa mục tiêu, có tác động lớn về kinh tế, chính trị và xã hội của miền Tây tỉnh Nghệ An. 

Nhiệm vụ chủ yếu giai đoạn 1 là cấp nước tưới cho 18.871ha đất nông nghiệp ven sông Hiếu đang bị khô hạn lâu nay. Ngoài cung cấp nước tưới, công trình này còn có chức năng tạo nguồn cấp nước cho sông Cả về mùa khô hạn, cấp nước cho sản xuất công nghiệp, dân sinh, nuôi trồng thủy sản và cải tạo môi trường, cắt giảm lũ cho vùng hạ du sông Hiếu và sản xuất 42MW điện hòa vào lưới điện quốc gia…

Các huyện được hưởng lợi trực tiếp là Quỳ Hợp, Quỳ Châu, thị xã Thái Hòa, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ và Anh Sơn. Để xây dựng dự án, 1.200 hộ dân của một số xã thuộc huyện Quỳ Hợp và Quỳ Châu phải di dời đến nơi ở mới.

Hiện giai đoạn 1 của Dự án cơ bản đã hoàn thành cụm công trình đầu mối, tạo hồ có mực nước +63,6m. Hệ thống kênh lấy nước trực tiếp từ hồ đã hoàn thiện thiết kế kỹ thuật và cơ bản hoàn thiện thiết kế bảo vệ thi công. Đã hoàn thành 8/27 trạm bơm lấy nước từ sông Hiếu.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

“Từ giờ trở đi, sẽ ngày càng có nhiều người lên trọng điểm Cà Roòng – ATP” - là ngôn ngữ của những người tự vác lên mình sứ mệnh mở đường, giữa Trường Sơn.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất