, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 12/04/2024, 16:22

"Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân"

MỘC MIÊN
Dân tình đang xôn xao về cái tên "Đôi Hậu" sáp nhập từ xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An). Người nói sáp nhập là chuyện phải làm. Kẻ nói việc đổi tên, xóa tên làng, tên xã cũ là đụng chạm gốc rễ tâm tưởng của cư dân. Đọc tâm tư người đương thời mà chợt nhớ câu thơ trong bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm: "Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói/ Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân"… Những lưu dân thuở ấy đã “hành phương Nam” như vậy đó.
Làng Tân Hà (TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) - nơi được đặt tên theo nguyên quán của cư dân, có nghĩa là “Hà Nội mới”. Ảnh: Internet

Không cõng theo giếng nước gốc đa thì “lận lưng” cái tên quê xứ

Sử sách chép dày ra đó, ai không tin cứ tìm mà đọc. Mà đâu phải cứ cái thuở mịt mùng lam chướng đó, tại trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) vẫn có những địa danh như thôn Quỳnh Tân 1, Quỳnh Tân 2, Quỳnh Tân 3 tồn tại cùng các tổ dân phố Buôn Trấp, buôn Ê Căm, buôn Rung trên bản đồ địa giới hành chính. Cái tên "Quỳnh Tân" bà con tự đặt, nghĩa là "Quỳnh Phụ mới", tức là những người dân đều từ huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình vô đây lập quê mới. 

Ở xã Ea Na cạnh đó, người dân mang cả tên xã Quỳnh Ngọc của huyện Quỳnh Phụ để đặt tên thôn Quỳnh Ngọc 1, Quỳnh Ngọc 2. Gần 40 năm qua, người Thái Bình vào Tây Nguyên lập làng, dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái ngày càng đông đúc. Họ luôn tự hào rằng cả vùng đều là đồng hương, và tên thôn làng sẽ mãi nhắc nhớ về bản quán.

Đâu chỉ dân Thái Bình, bất kỳ nơi nào dân đi kinh tế mới, đều đặt tên làng mình, như một tiếp biến chung thủy vô hình với lời dặn tổ tiên. Tâm lý nông dân dễ gì rời khỏi lũy tre làng, mà nếu phải ra đi, không cõng theo giếng nước, gốc đa, sân đình, thì họ “lận lưng” cái tên quê hương mà đi, để có ở đâu, hễ cứ đọc lên là biết chánh xứ chốn nào. 

Quá trình phát triển của mảnh đất hình chữ S, là “Nam tiến” từ thời Đại Việt và mãi đến bây giờ không dứt. Thống kê cho thấy ở Tây Nguyên, tìm đâu cũng thấy người xứ khác đến lập nghiệp, mà hoàn toàn không đặt xóm, xã theo tên bản địa. 

Chữ “Tân" ghép vào tên quê cũ

Thành phố Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) bây giờ hơn 130 ngàn dân. Nhưng hồi năm 1936 mới có 20 nóc gia, rồi những người gốc miền Bắc, miền Trung đi “công tra” hết hợp đồng, công nhân của các đồn điền mới lập và cả lưu dân đi tìm đất mới tụ hội về, lập thành một cụm cư dân ven quốc lộ 20, gọi là xóm Làng. Sau 1954, những người gốc Bắc di cư vào đã lấy tên nơi gốc cũ ghép thêm chữ “tân”, để đặt tên cho nơi ở mới như Tân Hoá, Tân Thanh: Thanh Hoá mới, Tân Phát: Phát Diệm mới, Tân Hà: Hà Nội mới… Đặt tên vậy đâu vì điều gì khác, ngoài nỗi nhớ quê chất chứa nơi kẻ ly hương, và mong muốn nét đẹp quê xưa không mất nơi vùng đất mới.

Chính quyền cũng thể hiện quan điểm đề cao văn hóa, khi các đơn vị hành chính mới cũng mang chữ Tân như Tân Lú, Tân Rai, Tân Đồn. Cái hay của cách gọi tên này, theo nhiều người, là kế thừa được truyền thống đặt tên của người bản địa: Tân Lú - Tơng Lú - thung lũng đá, Tân Đồn - Tơng Dờng - thung lũng mẹ - Tân Long - Tơng Klong - thung lũng cây dầu. Rồi sau giải phóng, những tên làng xã mới như Gia Viễn, Tiên Hoàng, Phước Cát gợi nhớ quê cũ tiếp tục được sử dụng. Ở Đức Trọng, người ta bắt gặp các khu phố Từ Liêm, Đông Anh chợ Thăng Long, đường Điện Biên Phủ, khu phố Ba Đình, nào có khác chi thủ phủ Hà Nội ở Lâm Đồng. “Đường vào phố núi quê em/Tây nguyên mà tưởng Từ Liêm, Ba Đình” (thơ Lam Hồng). Rồi huyện Lâm Hà lại có xã Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ, Tân Hà của Hà Tây cũ.

“Nhân đôi quê hương”

Tại Kon Tum, cố hương đâu có bay đi mất: thôn Đăk Hưng. “Đăk” là từ Đăk Blà và “Hưng” và “Hà” là vì người từ huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) vào sinh cơ lập nghiệp. Ở huyện Đăk Glei có thôn Long Yên là ghép từ “Long” của xã Đăk Long với “Yên” là tỉnh Hưng Yên. Ở huyện Sa Thầy có xã Sa Bình là vì người đến đây từ huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi); xã Sa Nghĩa là do người Quảng Ngãi (Nghĩa) chiếm số đông; xã Sa Nhơn vì dân cư chủ yếu là người từ huyện An Nhơn (tỉnh Bình Định) đến.

Ở huyện Đăk Hà có thôn Đăk Bình là do người từ Thái Bình vào định cư. Thôn Thanh Xuân hàm nghĩa người Thanh Hóa vào ở gần đập thủy lợi Mùa Xuân. Huyện Ngọc Hồi có các thôn Ngọc Tiền, Ngọc Hải, Ngọc Thư là lắp ghép từ “Ngọc” của Ngọc Hồi với “Tiền”, “Hải”, “Thư” là tên huyện Tiền Hải, Vũ Thư (tỉnh Thái Bình). Thôn Ngọc Yên thì do bà con tỉnh Hưng Yên vào sinh sống. Cũng như thế, Quảng Nông là thôn của người Quảng Nam vào tụ cư ở xã Đăk Nông…

Tại Đắk Lắk, đến huyện Krông Buk, không lạ sao được khi gặp Phú Xuân, Phú Lộc, Tam Giang của xứ Huế rồi Hòa Phát - Hòa Vang của Đà Nẵng.

Kể làm sao xiết, chỉ ngẫm thấy rằng, những chuyến ra đi của người Việt, như nhân rộng nước Việt trên bản đồ tâm tưởng. Bắt gặp quê hương nơi xứ lạ, có gì vui hơn ở lòng kẻ tha hương, lữ khách? Nhìn đó để thấy người Việt quý tên làng tên xã như di sản. Đập bỏ, xóa hết nó, là chôn di sản, hủy hoại lòng người.

Những cú sốc về tên làng, xã

PGS.TS Bùi Xuân Đỉnh – Chuyên gia Dân tộc học từng phát biểu: “Khi tên làng không còn vì các lý do khác nhau, đối với những bậc cao niên từng gắn bó với các làng quê, đó là một cú sốc. Người ta gắn bó với nhau một phần nhờ tên làng đó, các thế hệ đổ máu hy sinh, quyết tâm gìn giữ. Người ta ra đi phấn đấu cũng vì danh dự của làng, giữ gìn được phẩm chất riêng của từng cộng đồng cư dân mình cũng vì cái tên làng đó”.

Nhà thơ Nguyễn Hải Triều quê Đại Lộc (Quảng Nam) kể, khi về Đại Chánh điền dã văn nghệ dân gian, anh nghe câu chuyện kể về hát hò khoan đối đáp rằng, có một cặp trai gái yêu nhau tha thiết, nhưng trong một đêm hát, cô gái lỡ buông lời đùa: “Ai về An Chánh - Đá Mài?/Một con mắm cái cõng mười hai lát cà/Anh ơi bỏ xứ đi ra/Không thì anh chết cùng cà với dưa!”.

Chỉ một câu hát vậy, mà làm tiền đề cho sự đổ vỡ một tình yêu nồng thắm, không hàn gắn lại được. 

Chuyện khác: Vào những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, có ông Bốn Mục, người Đại Thắng thường lên vùng Đại Chánh, Đại Thạnh (Đại Lộc, Quảng Nam) làm nghề bốc thuốc. Trong một lần uống rượu, chỉ ngẫu hứng đọc mấy câu thơ tự sáng tác sau đây: “Đại Thạnh là đây có phải à?/Một phần than củi một phần ta/Trai thời trau chuốt tay rìu búa/Gái nọ nào đâu biết lụa là!”. Thế là ông bị dân địa phương cho là khinh miệt xứ sở, quê làng của họ. Người ta phẫn nộ, tẩy chay nghề bốc thuốc, buộc ông phải về quê quán của mình.

Người Việt xưa nay dù ở ngay bản xứ hay tha hương bốn bể vẫn nặng lòng với cái tên làng, tên xã. Thế mà tại chính quê hương thì bây giờ có nguy cơ vong bản, mất tên. Chua chát!

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất