, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 30/03/2023, 16:30

Hỗ trợ cộng đồng lên kế hoạch quản lý rừng bền vững

THÙY DUNG - TIẾN DŨNG
Ngày 30/3, tại Quảng Trị, trong kỳ họp lần 3, Mạng lưới Lâm nghiệp Cộng đồng đã tổ chức thảo luận và góp ý sửa đổi Thông tư 28/2018/TT-BNNPTNT, tập trung vào tiêu chí quản lý rừng bền vững, quy hoạch quản lý rừng bền vững áp dụng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng, nhóm hộ gia đình.
Mạng lưới Lâm nghiệp Cộng đồng tổ chức thảo luận và góp ý sửa đổi Thông tư 28/2018/TT-BNNPTNT.

Thông tư 28/2018/TT-BNNPTNT được Bộ NN&PTNT ban hành ngày 16/11/2018 nhằm quy định chi tiết nội dung kế hoạch quản lý rừng bền vững và được áp dụng đối với các tổ chức, chủ rừng, bao gồm cả chủ rừng công lập và tư nhân: Ban quản lý rừng đặc dụng và rừng phòng hộ; Tổ chức; công ty lâm nghiệp; cộng đồng, cá nhân, hộ gia đình.

Kể từ khi Thông tư có hiệu lực từ năm 2018, Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam (VNFOREST) đã nhận được phản hồi từ các chủ rừng, tổ chức, tỉnh thành về những thuận lợi và hạn chế của Thông tư. Một số tỉnh, chủ rừng đã đề nghị VNFOREST rà soát toàn diện Thông tư, cụ thể là Phụ lục i) Tiêu chí quản lý rừng bền vững; và ii) Quy hoạch quản lý rừng bền vững áp dụng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng, nhóm hộ gia đình.

Theo bà Phan Thị Thanh Hằng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, VNFOREST, thành viên nhóm chuyên gia sửa đổi Thông tư 28/2018/TT-BNNPTNT: “Ý kiến của các thành viên Mạng lưới Lâm nghiệp Cộng đồng là rất có ý nghĩa bởi đó là tiếng nói từ cơ sở, tiếng nói của những người đã và đang triển khai các hoạt động lâm nghiệp cộng đồng”.

Tại cuộc họp, các chuyên gia quốc tế đã chia sẻ các khung hướng dẫn và kinh nghiệm thực hiện các mô hình lâm nghiệp cộng đồng thực tiễn trong khu vực Đông Nam Á. Ông Ronnakorn Triraganon đến từ Tổ chức RECOFTC Bangkok cho biết, thỏa thuận hợp tác giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp thân thiện với bảo tồn và cộng đồng dân cư là mô hình rất hiệu quả trong quản lý rừng cộng đồng tại Lào. Ở Indonesia, mô hình phát triển kinh doanh hộ là phổ biến. Tuy nhiên, cần có những hoạt động can thiệp như tăng cường thể chế, xây dựng kế hoạch quản lý rừng, phát triển doanh nghiệp và kế hoạch kinh doanh. Việc huy động các nguồn lực bên ngoài cộng đồng là rất cần thiết. Tại Campuchia, Mạng lưới lâm nghiệp cộng đồng được thành lập từ cấp trung ương, cấp khu vực, địa phương và cộng đồng với sự tham gia của rất nhiều thành phần có liên quan, đặc biệt là các doanh nghiệp”.

Nhằm góp phần giảm phát thải khí nhà kính và tăng cường khả năng hấp thụ các bon từ rừng tại Việt Nam thông qua các nỗ lực giảm mất rừng và suy thoái rừng tự nhiên, quản lý hiệu quả hơn rừng sản xuất, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã tài trợ và triển khai Hợp phần Quản lý rừng bền vững trong khuôn khổ Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) tại 7 tỉnh là Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị và Quảng Nam trong giai đoạn từ 2020 đến 2025.

Là thành viên Tổ bảo vệ rừng cộng đồng thôn Gia Giã (xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị), bà Hồ Thị Bân phấn khởi chia sẻ: “Dự án VFBC giúp chúng tôi hiểu hơn về vai trò của phụ nữ trong quản lý, tuần tra bảo vệ rừng và khai thác dược liệu, lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng. Chỉ có phụ nữ Vân Kiều mới nhận diện và biết cách thu hái dược liệu, lâm sản ngoài gỗ trong rừng của mình. Chúng tôi rất vui vì được góp phần bảo vệ rừng của cộng đồng mình”. 

Ông Hồ Văn Vinh - trưởng thôn Gia Giã cũng cho biết, qua dự án VFBC, cộng đồng, trong đó có cả phụ nữ, được tham gia vào quá trình điều tra tài nguyên rừng, xác định nhu cầu phát triển rừng, sinh kế, cơ chế chia sẻ lợi ích và huy động nguồn lực, lập kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng chi tiết theo từng năm. Cộng đồng hiểu hơn về giá trị nguồn tài nguyên rừng mà mình đang sở hữu và từ đó cộng đồng gắn bó với rừng cộng đồng của mình hơn.

Theo GS.TS Nguyễn Bá Ngãi - Phó Chủ tịch Hội chủ rừng VIFORA, hiện nay, Việt Nam có hơn 1 triệu hộ gia đình, cá nhân được giao 3.101.858ha rừng, chủ yếu là rừng sản xuất; khoảng 10.000 cộng đồng hiện đang quản lý và sử dụng (gồm đã giao và tự công nhận) 989.827ha rừng. "Cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng hoặc hộ gia đình, cá nhân liên kết đã được giao rừng thì cần thiết xây dựng phương án để quản lý rừng bền vững và hiệu quả hơn diện tích rừng đã được giao” - GS.TS Nguyễn Bá Ngãi nhấn mạnh.

Ông Abraham Guillen - Giám đốc Hợp phần Quản lý rừng bền vững, Dự án VFBC cho biết, tính đến thời điểm này, Dự án đã hỗ trợ xây dựng bảy phương án quản lý rừng bền vững cho bảy cộng đồng và được phê duyệt bởi các cấp có thẩm quyền. Điều này hoàn toàn phù hợp với đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 8, Thông tư 28/2018/TT-BNNPTNT, đặc biệt tại các địa phương mà các cộng đồng có triển khai du lịch sinh thái.

Quản lý rừng cộng đồng hiệu quả sẽ giúp 12.600 người dân sống phụ thuộc vào rừng được hưởng lợi, 19 tổ chức được nâng cao năng lực quản lý rừng cộng đồng, 5.650 người được đào tạo về quyền hưởng dụng rừng và đất rừng, 14.000ha diện tích rừng cộng đồng được quản lý tốt hơn nhằm giảm phát thải khí nhà kính và tăng cường khả năng hấp thụ các-bon từ rừng tự nhiên là rừng sản xuất trong khuôn khổ các tỉnh của Hợp phần Quản lý rừng bền vững.

Năm 2022, Hợp phần Quản lý rừng bền vững, Dự án Quản lý Rừng Bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do USAID tài trợ đã thành lập Mạng lưới Lâm nghiệp Cộng đồng (LNCĐ) với hơn 100 thành viên từ các cơ quan Nhà nước, các tổ chức phi chính phủ, viện nghiên cứu, trường đại học, chủ rừng nhà nước, doanh nghiệp thân thiện với bảo tồn và cộng đồng. Mục tiêu của Mạng lưới LNCĐ là thúc đẩy kết nối, chia sẻ, đối thoại và truyền thông về các chính sách, mô hình, kinh nghiệm trong giao đất giao rừng cho cộng đồng, Hướng dẫn quản lý rừng cộng đồng nhằm cải thiện và mở rộng lâm nghiệp cộng đồng trên toàn quốc.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất