, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 07/12/2022, 15:00

Hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp bền vững

BÙI TÙNG
(baolongan.vn)
Thời gian qua, Long An ban hành nhiều chương trình, đề án phát triển nông nghiệp, nông dân (ND) và nông thôn. Đi kèm với những chương trình, đề án là chính sách hỗ trợ về vốn, cây, con giống và hướng dẫn quy trình sản xuất, giúp ND từng bước phục hồi và phát triển nông nghiệp theo hướng sạch, bền vững.

Quan tâm hỗ trợ nguồn vốn

Xác định nguồn vốn là yếu tố quan trọng để hội viên (HV), ND phát triển kinh tế, đầu năm 2022, Hội Nông dân Việt Nam (VN) huyện Cần Giuộc giao cho từng cơ sở Hội khảo sát, thống kê về nhu cầu vay vốn nhằm kịp thời hỗ trợ, tạo điều kiện giúp HVND tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Từ nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ ND, hàng năm, Hội NDVN huyện Cần Giuộc giúp hàng chục hộ ND thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống. Qua các chu kỳ vay vốn, những hộ vay vốn sản xuất đều phát huy được hiệu quả nguồn vốn vay, trả phí và tiền gốc đầy đủ, đúng thời gian quy định.

Chị Thái Thị Thu Hồng có thu nhập ổn định từ 400.000-500.000 đồng/ngày nhờ trồng rau húng lủi.

Gia đình chị Thái Thị Thu Hồng (xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc) là 1 trong 10 hộ ở xã Long Thượng được vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ ND. Chị Hồng chia sẻ: “Tôi được Hội NDVN huyện cho vay 25 triệu đồng để trồng 0,2ha rau húng lủi. Nhờ nguồn vốn này, hiện nay, gia đình tôi phát triển sản xuất, có thu nhập ổn định từ 400.000-500.000 đồng/ngày”.

Được biết, chị Hồng đầu tư hệ thống tưới tự động cho vườn rau của mình và dự định chuyển đổi 0,2ha đất trồng cải ngọt sang trồng rau húng lủi để bảo đảm nguồn rau cung ứng cho khách hàng.

Tương tự chị Hồng, chị Đinh Thị Cẩm Quỳnh (ấp Tân Điền, xã Long Thượng) cũng được vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ ND của Hội NDVN huyện. Nhìn vườn lan xanh tốt của gia đình, chị Quỳnh vui vẻ nói: “Sau khi được vay vốn, tôi đầu tư cải tạo hệ thống tưới và mua phân bón cho cây lan. Bên cạnh đó, tôi còn tìm tòi, ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trồng lan. Nhờ vậy, lan luôn phát triển tốt và đạt chất lượng cao. Tùy theo chủng loại và kích thước mà mỗi gốc lan có giá từ 50.000 đồng đến vài triệu đồng”.

Phó Chủ tịch Hội NDVN huyện Cần Giuộc - Bạch Ngọc Bay cho biết: “Từ nguồn vốn vay của Quỹ Hỗ trợ ND, các hộ vay vốn đầu tư phát triển trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tích cực vào việc nâng cao thu nhập cho người dân. Thời gian tới, để ND có thêm điều kiện phát triển sản xuất, ngoài tăng cường phối hợp hỗ trợ ND về vốn, Hội vận động ND đẩy mạnh liên kết sản xuất, góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát triển KT-XH tại địa phương”.

Hội Nông dân Việt Nam huyện Cần Giuộc tham quan vườn hoa lan của chị Đinh Thị Cẩm Quỳnh (ấp Tân Điền, xã Long Thượng).

Bên cạnh nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ ND của Hội NDVN các cấp, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Long An có những chính sách hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi cho ND nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững.

Đến nay, tổng dư nợ từ nguồn vốn vay ủy thác của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tân Trụ là 293,3 tỉ đồng. Trong đó, tổng dư nợ của nguồn vốn giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là trên 7,9 tỉ đồng.

Từng là gia đình có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, giờ đây gia đình ông Nguyễn Hoàng Giai (xã Đức Tân, huyện Tân Trụ) có cuộc sống ổn định. Với nguồn vốn vay ưu đãi 50 triệu đồng, ông Giai mạnh dạn đầu tư nuôi sâu canxi. Ông Giai chia sẻ: “Ban đầu, gia đình tôi không có vốn sản xuất nhưng nhờ có chính sách hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, tạo điều kiện giúp gia đình tôi đầu tư sản xuất, có thu nhập ổn định”.

Hiện nay, mỗi ngày, gia đình ông Giai thu hoạch từ 80-200kg sâu canxi. Với giá bán từ 80.000-90.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình ông có lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng/tháng.

Nhân viên Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tân Trụ khảo sát mô hình nuôi sâu canxi của gia đình ông Nguyễn Hoàng Giai (xã Đức Tân).

Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tân Trụ - Trần Bá Lộc chia sẻ: “Sau khi ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị chỉ đạo cho các tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện nghiêm quy chế hoạt động của tổ. Qua đó, công tác ủy thác các nguồn vốn trên địa bàn huyện phát huy hiệu quả, giúp nhiều hộ gia đình nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội”.

Tiếp tục đồng hành, hỗ trợ nông dân

Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, ngành Nông nghiệp tỉnh từng bước phục hồi, phát triển nhờ những chính sách hỗ trợ kịp thời và đồng bộ của các cấp, các ngành liên quan. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều khó khăn đối với ngành Nông nghiệp và ND như giá vật tư nông nghiệp tăng cao, dịch hại diễn biến phức tạp, thời tiết thất thường, đầu ra nông sản không ổn định,... Trong đó, thanh long là một trong những cây trồng đang gặp nhiều khó khăn, khi ND muốn tái sản xuất nhưng lại thiếu vốn và lo ngại đầu ra.

Ông Phạm Văn Điền (xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành) hiện canh tác gần 2ha thanh long nhưng phải bỏ gần một nửa vườn do hết vốn chăm sóc. Ông Điền cho biết: “Không chỉ tôi mà nhiều ND địa phương đều muốn duy trì hoặc trồng lại thanh long. Tuy nhiên, ai cũng khó khăn về vốn, hy vọng các ngành chức năng và chính quyền địa phương sớm có chính sách hỗ trợ ND vay vốn tái sản xuất; đồng thời, kết nối, hỗ trợ tiêu thụ thanh long để ND yên tâm sản xuất”.

Được biết, để sớm tháo gỡ khó khăn cho người trồng thanh long, UBND huyện Châu Thành huy động nguồn vốn ủy thác cho Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện khoảng 30 tỉ đồng, nhằm giúp ND sớm tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để phục hồi sản xuất thanh long.

Nông dân cần chủ động sản xuất thanh long theo hướng VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ,... để đáp ứng nhu cầu của thị trường tiêu thụ.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền, thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, ngành Nông nghiệp tỉnh đặt mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại, bảo đảm năng suất, chất lượng, thân thiện với môi trường; phấn đấu hình thành nền nông nghiệp tiên tiến, sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Để thực hiện mục tiêu, ngành Nông nghiệp tỉnh đã và đang vận dụng linh hoạt, đồng bộ các giải pháp thông minh vào sản xuất, bằng việc hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường.

“Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tham mưu UBND tỉnh và phối hợp các sở, ngành liên quan tạo điều kiện cho ND tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, lãi suất thấp để tập trung chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao; ưu tiên mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp hữu cơ để tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích canh tác; tăng cường hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP);...

Ngoài ra, thông qua các chương trình khuyến công, khuyến nông hỗ trợ máy móc, trang thiết bị cho các cơ sở sản xuất phát triển ngành nghề chế biến, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm; áp dụng các giải pháp công nghệ để truy xuất nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm; hỗ trợ xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP. Từ đó, đưa các sản phẩm vào các kênh phân phối hiện đại, các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, các sàn giao dịch thương mại điện tử; kiểm soát chặt chẽ chất lượng các loại giống cây trồng, vật nuôi, thuốc bảo vệ thực vật; tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường nông thôn; ngăn chặn hàng giả, kém chất lượng, góp phần bảo đảm thị trường sản phẩm nông nghiệp sạch phát triển một cách bền vững” - ông Nguyễn Thanh Truyền thông tin.

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất