Đó là chuyện có thật ở Trường Tiểu học Võ Trường Toản, quận 10, TP.HCM.
Phụ huynh trường này cho biết, đi họp phụ huynh đầu năm, thầy cô giáo chủ nhiệm hay ban đại diện cha mẹ học sinh lớp không thông báo gì liên quan đến các khoản thu. Vì là tiểu học, nên chuyện chính giữa giáo viên và phụ huynh, ngoài chuyên môn thì còn có chăm sóc trẻ.
Họ - phụ huynh - hết sức ngỡ ngàng. Không ít người trong số họ ra về mà không tin nổi, là chẳng phải “gùi, cõng” khoản thu nào. Gánh nặng áp lực tiền trút nhẹ không ngờ!
Giải thích chuyện “có một không hai” này, cô Đỗ Thị Mỹ Hòa - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nếu đầu năm, giáo viên chủ nhiệm muốn làm gì, thì đưa ra kế hoạch sớm, chi tiết, tạm gọi là dự án. Ví dụ trang trí lớp, cô thầy sẽ chia cho nhóm phụ huynh, học sinh cùng làm với tinh thần hoàn toàn tự nguyện, hỗ trợ, không thu tiền mặt. Các hoạt động vui chơi, lễ hội cũng vậy, học sinh có gì mang nấy, góp chung, không tốn một đồng phí.
Photocopy tài liệu, máy chiếu, máy lạnh, ti vi, laptop… nhà trường trang bị đủ cho giáo viên. Phụ huynh chỉ đóng tiền điện hàng tháng.
Còn nếu phụ huynh muốn khen thưởng thêm cho con em, nhà trường nhận, nhưng cũng chỉ vài phụ huynh làm vậy chứ không phải tất cả.
Thậm chí phụ huynh được phép ăn với con mình tại trường, để thấy mọi thứ đều được bày ra rõ ràng.

Những gạch đầu dòng trên lộ ra mấy điều: Một, nhà trường lo đủ cho giáo viên, sát cánh cùng giáo viên, không để họ phải “xã hội hóa… laptop”. Hai, Ban đại diện phụ huynh không còn bị coi là “gom biêu, thu hụi”. Ba, phụ huynh cho con đi học, không còn cảnh nơm nớp lo: Năm này thu bao nhiêu? Sức mình chịu đựng nổi không? Chưa nói, lắm ấm ức về chuyện cũng phòng đó, lớp đó, sao máy lạnh cứ thu hoài? Quỹ này năm ngoái không có, sao năm này lại có?
Rồi bao gia đình, đầu năm phải khốn đốn chạy kiếm tiền nộp quỹ, mà quỹ thì như… nồi cơm Thạch Sanh!
Tóm lại, chiếc cầu nối nhà trường - phụ huynh đầu tiên là… tiền đâu, đã bị đánh sập!
Ở đây, điều đáng nói chính là khả năng quản trị, tư duy mở của lãnh đạo nhà trường. Họ biết giá trị của trường học, nhà trường; thầy cô phải được tôn trọng và tôn trọng chính mình trước; hiểu đúng giá trị của nghề đưa đò truyền chữ không phải là nơi để bóng ma của tiền bạc đè nặng; thầy cô thấy mình không biến mình thành “bạch tuộc” cho những suy nghĩ ngoài giáo dục; giáo án, giờ lên lớp không bị thứ ngoài kiến thức chi phối.
Câu chuyện giữa nhà trường và gia đình, một khi không phải là tiền bạc mà chỉ là cùng tương tác để học sinh học tốt hơn, và chỉ có học mà thôi, thì lớp học sẽ trở thành nơi nuôi những giấc mơ lộng lẫy về cái đẹp, lòng nhân và tình yêu cuộc sống. Trong mắt phụ huynh, họ đúng nghĩa làm thầy. Rộng hơn, xã hội nhìn vào trường không thể buông lời khiếm nhã.
Về phía phụ huynh, thoải mái cho con đi học; xem nhà trường, thầy cô là nơi xứng đáng để gửi gắm con em. Nhẹ nhõm với điều đó, là họ đã lập được niềm tin nơi chốn mà nhân loại vốn không phải bỗng dưng nghĩ ra một chữ: Thầy! Tin thầy, là tin vào sự tốt đẹp. Lớn hơn, từ họ, qua con, ra xã hội, hẳn sẽ bớt đi những bóng đen của hoài nghi về niềm tin cuộc sống.
Một câu chuyện quá lạ, có thể xem là “đặc hữu”, một trường hợp bắt trend đúng thời điểm giữa lúc mà vấn nạn “phụ huynh thời nay trong tâm thế con nợ”?! Đây cũng là một cú tát thẳng vào thực trạng giáo dục, vào não trạng và tư duy méo mó của những con người cầm cân nảy mực luôn hô hào “dạy ra dạy, học ra học, thầy ra thầy, trò ra trò” mà sau đó thì nói tiền, tiền, tiền!
Hoan hô!
Có một phụ huynh tại đây mong, rằng cách làm của trường này sẽ lan tỏa sâu rộng hơn. Liệu có một nơi thứ hai tương tự không?