, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 24/11/2022, 15:45

Hoàn thành mở cửa thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, New Zealand cho nhiều loại nông sản

THÙY DUNG
Ngày 24/11, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT đã tổ chức họp báo công bố hoàn thành mở cửa thị trường Nhật Bản cho nhãn, thị trường Trung Quốc cho khoai lang và thị trường New Zealand cho chanh, bưởi của Việt Nam.
Quả bưởi của Việt Nam đã được phép nhập khẩu vào thị trường New Zealand.

Tại buổi họp báo, ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết vào ngày 23/11, Tổng cục Hải quan Trung Quốc chính thức công bố nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với khoai lang của Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc. 

Ngày 18/11, Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) cũng đã thông báo cho phép trái nhãn tươi của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Nhật Bản.

Cùng với đó, quả chanh và bưởi của Việt Nam được phép nhập khẩu vào thị trường New Zealand sau khi điều kiện nhập khẩu được 2 bên ký kết vào ngày 15/11/2022.

Ngoài các mặt hàng nói trên, năm 2022 có thể được coi là một năm thắng lợi nhất từ trước đến nay với nhiều mặt hàng nông sản có nguồn gốc thực vật của Việt Nam được phép tiếp cận đến các thị trường thế giới.

Cụ thể, sản phẩm chanh leo của Việt Nam được nhập khẩu vào Trung Quốc với các quy định tạm thời; sầu riêng và chuối của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Trung Quốc thông qua ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật giữa hai nước.

Sầu riêng của Việt Nam đã được phép nhập khẩu vào Trung Quốc.

Theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, việc mở cửa được thị trường, ký kết các nghị định thư để xuất khẩu chính ngạch nông sản sẽ tạo điều kiện pháp lý rõ ràng minh bạch và cũng là tạo động lực cho người nông dân Việt Nam sản xuất chuyên nghiệp hơn, bài bản hơn và quy mô lớn hơn. Nhờ đó, chất lượng sản phẩm tăng lên, giá cả tăng lên.

Tuy nhiên, những lợi thế trên chỉ được phát huy hiệu quả, khi các sản phẩm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh. Đặc biệt quan trọng là sản phẩm trồng phải truy xuất được nguồn gốc, từ quản lý giám sát vùng trồng với các sản phẩm đầu vào, đầu ra; quản lý cơ sở đóng gói, biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật cho đến kiểm dịch tại cửa khẩu nhập.

Thông tin chi tiết về yêu cầu kiểm dịch của từng sản phẩm được công bố trên trang web của Cục Bảo vệ thực vật: http://www.ppd.gov.vn.

Mô hình trồng nhãn.

Trong thời gian tới, để thúc đẩy và tạo động lực việc xuất khẩu các sản phẩm mới hoàn thành mở cửa thị trường, Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức các sự kiện xuất khẩu lô hàng đầu tiên đối với các sản phẩm trên. Cục Bảo vệ thực vật sẽ triển khai tập huấn, hướng dẫn cho các địa phương và các bên liên quan những quy định của Trung Quốc, New Zealand và Nhật Bản về các yêu cầu nhập khẩu đối với khoai lang, chanh, bưởi và nhãn. 

Cục Bảo vệ thực vật và các cơ quan chuyên ngành tại các địa phương sẽ cùng đồng hành với các doanh nghiệp xuất khẩu, cơ sở đóng gói và nông dân đảm bảo cho các lô hàng khoai lang, nhãn, chanh, bưởi nhanh chóng đến với người tiêu dùng của Trung Quốc, New Zealand, Nhật Bản. 

Lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật cũng bày tỏ mong muốn các thành phần tham gia chuỗi giá trị xuất khẩu nông sản tiếp tục cập nhật thông tin kịp thời, kết nối chặt chẽ để đảm bảo thông suốt thương mại nông sản ở các thị trường đã có, cũng như mở rộng các cơ hội tiếp cận các thị trường mới. Qua đó, tăng tính cạnh tranh và xây dựng thương hiệu nông sản Việt dựa trên các vùng trồng uy tín, chất lượng và giá trị cao.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất