, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 10/02/2023, 16:33

Học nói

ÁI MỸ
Qua dư luận, câu chuyện của tôi đã gây hiểu nhầm cho một số khán giả. Tôi chân thành xin lỗi về điều này” - cuối cùng thì NSƯT Xuân Bắc cũng đã lên tiếng xin lỗi về “Cái tát của mẹ” do chính anh đăng tải trên trang cá nhân vào 3 ngày trước đó. Dù xét về lý, nội dung của “tút - tát” chỉ mang tính ám chỉ nhưng việc đăng tải ngay sau một sự kiện mà Xuân Bắc là một trong những nhân vật chính, sự kiện ấy lại đang trong luồng ý kiến khen chê thì cách đặt để câu chuyện, cài đặt tình huống, tình tiết, dùng từ ngữ của tác giả - nghệ sĩ này lại dễ khiến dư luận “hiểu nhầm”!
Hình minh họa.

Qua dư luận, câu chuyện của tôi đã gây hiểu nhầm cho một số khán giả. Tôi chân thành xin lỗi về điều này” - cuối cùng thì NSƯT Xuân Bắc cũng đã lên tiếng xin lỗi về “Cái tát của mẹ” do chính anh đăng tải trên trang cá nhân vào 3 ngày trước đó. Dù xét về lý, nội dung của “tút - tát” chỉ mang tính ám chỉ nhưng việc đăng tải ngay sau một sự kiện mà Xuân Bắc là một trong những nhân vật chính, sự kiện ấy lại đang trong luồng ý kiến khen chê thì cách đặt để câu chuyện, cài đặt tình huống, tình tiết, dùng từ ngữ của tác giả - nghệ sĩ này lại dễ khiến dư luận “hiểu nhầm”! 

Và, ngay cả khi để công chúng “hiểu đúng” mình hơn, sau khi xin lỗi, Xuân Bắc vẫn không hạ bài, “cái tát” vẫn còn nguyên, lại càng khiến một bộ phận dư luận xem đó là sự thách thức. 

Rõ ràng, bài học luân lý “học ăn, học nói, học gói, học mở” chưa bao giờ cũ, đặt trong môi trường tương tác mạng xã hội hiện nay thì lại gần như “mới” mỗi giờ, mỗi phút, nhất là với người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng lớn trong cộng đồng. Khen - chê của khán giả được xem là yếu tố “cộng sinh” trong môi trường làm nghệ thuật - giải trí. Người hoạt động trong giới này vốn dĩ và cần xem đó như một tác nhân không thể thiếu, không thể tránh. Nó cũng là thước đo cho kỹ năng và bản lĩnh “thẩm âm” của mỗi người nghệ sĩ, diễn viên trước những luồng khen chê, góp ý. Cách thức ứng xử với lời khen tiếng chê cũng nói lên phần nào tính cách lẫn tư cách của người làm nghệ thuật. 

Trước hay sau Xuân Bắc sẽ vẫn còn nhiều tình huống vô tình hay cố ý tạo nên cơn sóng dư luận như thế. Song, “sóng sau” - hậu lãng nên nhìn vào “sóng trước” - tiền lãng mà tránh những lời nói, cử chỉ, kể cả những ám chỉ dễ mang lại phản ứng tiêu cực không đáng có (không nên có) từ dư luận bởi xét về mọi khía cạnh, đó là thái độ, hoặc nếu là lựa chọn rất thiếu khôn ngoan. 

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng đã từng rơi vào tâm điểm dư luận với cách anh phản đối nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 về những nhận xét chuyên môn. Những lời bóng gió của chàng ca sĩ này lại hàm ý hỗn xược khiến nhiều người trong giới lẫn công chúng bức xúc, lên án kịch liệt. May thay, Đàm Vĩnh Hưng đã nhận ra, anh trực tiếp tìm đến nhạc sĩ để bày tỏ sự hối hận và thành tâm xin lỗi ông. Bài học phát ngôn do Hưng lên “giáo trình” và anh phải tự thực hành - trả giá với chính nó. Kết cuộc là một sự ghi nhận cho thái độ biết sửa sai để những ca sĩ lớp sau nhìn đó để biết cách “học nói”, biết cả cách đã “mở” tình huống, sự cố thì cũng phải tìm cách mà “học gói” nó lại. 

Trong combo luân lý ấy, đòi hỏi người trong cuộc biết lúc nào nói, nên nói điều gì, nói để làm gì, cho ai sẽ là tốt nhất. Sự im lặng - trong một vài tình huống - cũng không hẳn đã là lựa chọn đúng, càng kéo dài sự im lặng, có khi sự việc càng trở nên tệ hại hơn. Sự cố “để quên” tiền tỉ từ thiện của danh hài Hoài Linh trước đây, thay vì chọn cách lên tiếng từ đầu, minh định thông tin để công chúng nắm thì đã không có sự ồn ào, ầm ĩ như đã diễn ra. Để đợi đến khi quay clip xuất hiện, trần tình thì sự vỡ lẽ cũng đã chậm đi ít nhiều, chưa kể những hồ nghi cứ lớn dần, lan xa. 

Từ thế giới của sân khấu kịch trường, nhìn sang sân khấu chính trường sẽ thấy không ít chính khách, nhà quản lý cũng hứng chỉ trích dư luận vì lời nói, cách ứng xử trước đám đông. Như vị nguyên giám đốc sở Lao động - Thương binh - Xã hội TP.HCM đã từng phát biểu ở một phiên thảo luận của kỳ họp Hội đồng nhân dân TP về việc “người dân không ai bị thiếu ăn” trong suốt thời gian đại dịch tấn công. Ông lặp lại nội dung này hai lần. Báo đăng, dư luận phản ứng, ông chối bay. Báo trưng ra bản ghi âm, ông buộc phải xin lỗi. Hay trong sự cố hết xăng, bán xăng nhỏ giọt kéo dài nhiều ngày ở TP.HCM, vị phó giám đốc Sở Công thương đã có ý trách móc một bộ phận người dân “còn cả nửa bình vẫn kéo vào đổ”(!). 

(Lỡ) nói sai sự thật vốn đã được người dân kiểm chứng, do chính người dân “trải nghiệm” thì cách ứng phó tốt nhất và làm nhanh nhất là nhận lỗi với người dân. Nội dung “cải chính” cũng cần đi vào bản chất của cái sự sai - chưa đúng ấy, không vòng vo, không đổ lỗi và nhất là đừng tìm nhiều cách để bao biện. Khi lời nhận lỗi - tức nhận sai (một cách chân thành, thật sự cầu thị) đã được chấp nhận, thể tất thì cùng lúc nó chặn đứng mọi phát sinh, làm dịu mọi phản ứng và cùng “bỏ hết đi ta làm lại từ đầu” - một kết cuộc tưởng thưởng cho kẻ khôn ngoan, biết thành thật đúng lúc, đúng nơi để xoa dịu đám đông! 

Thử nhìn ở chiều ngược lại, khi một chính khách, lãnh đạo, nhà quản lý biết người biết ta, ngay cả khi xảy ra khủng hoảng với những hệ quả tiêu cực, họ vẫn có thể “học nói” rất mực thước, khôn ngoan và tỏ ra thành thật thì mọi sự đã được hóa giải theo chiều hướng tích cực. 

Ngay tại thời điểm đỉnh dịch, khi số ca tử vong tăng cao dồn dập, lượng hàng hóa tiếp ứng, hỗ trợ, phục vụ người dân bị thiếu hụt, các điểm cách ly, cơ sở điều trị quá tải… trước những bất cập còn tồn tại, người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã nói “chúng ta mong được nhân dân lượng thứ”. Và ông không dưới 2 lần đã nói lời xin lỗi nhân dân. 

Tất nhiên, lời xin lỗi đi cùng hành động khắc phục, ông là người chỉ đạo cần tôn trọng sự lựa chọn tiêm vaccine của người dân sau khi có khuyến cáo “vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất”; ông cũng ra lệnh giãn dân (còn) lành bệnh đang ở trong khu nguy cơ nhiễm bệnh đến tạm trú tại các khu đảm bảo độ giãn cách, bảo vệ người lành, chủ động tham vấn các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành để sau đó “bật đèn xanh” cho các bí thư quận/huyện phát thuốc điều trị cho dân ở các địa bàn đang có nhiều ca tử vong, lây nhiễm trước khi Bộ Y tế chuẩn y… 

Lời nói phản ánh tư duy, thái độ và cũng là phác thảo “chân dung” văn hóa của một con người. Học cách ăn nói, biết cách tương tác, tôn trọng đối thoại (bao hàm sự lắng nghe, tiếp nhận) là thước đo trình độ lẫn thái độ của một người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng xã hội, không riêng gì nghệ sĩ, chính khách. “Lựa lời mà nói” không phải chỉ để “cho vừa lòng nhau” mà còn là cách tôn trọng người khác và được người khác tôn trọng mình, để không bị dư luận “hiểu nhầm” mà cho “ăn tát” như nghệ sĩ hài kia vậy! 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất