, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 22/02/2023, 13:00

Học sinh đăng ký thi các ngành nông nghiệp giảm trên 30%

PHAN THẢO
(sggp.org.vn)
Ngày 21/2, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn và Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đã chủ trì cuộc họp về phát triển nguồn nhân lực ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn ủng hộ có đề án về đào tạo nhân lực ngành nông nghiệp.

Hiện nay, lực lượng lao động trong ngành nông nghiệp chiếm khoảng 30% lực lượng lao động cả nước, nhưng sinh viên đăng ký học ngành nông nghiệp chiếm chưa đến 2% tổng sinh viên nhập học hàng năm. Giai đoạn 2016 - 2020, học sinh, sinh viên đăng ký các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi và thủy sản giảm trên 30% so với giai đoạn 2011 - 2015. Trong những năm gần đây, một số ngành nông nghiệp truyền thống có rất ít hoặc thậm chí không có sinh viên đăng ký học.

Lực lượng lao động suy giảm nhanh và trình độ đào tạo thấp ảnh hưởng tới giải quyết các thách thức toàn cầu về lương thực và môi trường, khiến sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm nông nghiệp thấp. Điều này cũng khiến cho thu nhập và điều kiện sống nhiều nơi, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chậm được cải thiện; khả năng thích ứng với biến động của thị trường và công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường còn nhiều hạn chế.

Do vậy, Bộ NN&PTNT đề xuất một số vấn đề, gồm: cơ chế đặc thù để thu hút sinh viên đăng ký học các ngành nông nghiệp trình độ đại học; cho ý kiến về danh mục các ngành đào tạo đại học để thực hiện, cơ chế giao nhiệm vụ đặt hàng; thành lập trường THPT bên trong trường cao đẳng; tổ chức dạy văn hóa cho học sinh tốt nghiệp THCS học trung cấp nghề trong các trường cao đẳng thuộc bộ NN&PTNT. Hai bộ cần có nghị quyết liên quan đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho NN&PTNT.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định, Bộ GD-ĐT quan tâm và coi trọng nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực ngành NN&PTNT, ngành trọng yếu của nền kinh tế đất nước. Ủng hộ Bộ NN&PTNT xây dựng đề án riêng để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút sinh viên ở lĩnh vực này. Đề án cần xác định rõ mục tiêu, phạm vi và có trọng tâm, trọng điểm, chiến lược phát triển tập trung vào một số ngành để tạo “đòn bẩy”. Đặc biệt, đề án phải phân tích kỹ bối cảnh thực trạng, nguyên nhân, xác định rõ nhu cầu, đưa ra dự báo bám sát chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và chiến lược tổng thể đến năm 2030.

Các trường đại học của Bộ NN&PTNT cần xác định nguồn nhân lực của những ngành này thiếu bao nhiêu, thiếu ở đâu, thiếu như thế nào để đưa ra phương án khả thi, tháo gỡ khó khăn. Tình trạng việc làm của sinh viên sau khi ra trường cần có đánh giá bài bản. Nếu sinh viên có việc làm, thu nhập tốt mà vẫn không tuyển sinh được thì cần đánh giá trúng nguyên nhân, như vấn đề chất lượng đào tạo, công tác truyền thông, tuyên truyền, gắn kết nhà trường - doanh nghiệp - xã hội hay vấn đề học phí để đưa ra giải pháp tổng thể, thấu đáo.

Tại buổi làm việc, đại diện Bộ Tài chính cũng bày tỏ sự ủng hộ chủ trương phát triển nguồn nhân lực của Bộ NN&PTNT.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất