, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 24/01/2023, 07:55

Hội anh em tâm sự chuyện chia Tết nhà nội - nhà ngoại

HẠ NHIÊN
Ăn Tết quê nội hay quê ngoại cũng là lựa chọn khó nhằn với nhiều ông chồng.
Ăn Tết quê nội hay quê ngoại còn là tâm sự của hội anh em lấy vợ xa (ảnh minh hoạ)

“Tết nội – Tết ngoại” thường là tâm tư của chị em phụ nữ lấy chồng xa mỗi dịp Tết đến xuân về. Thế nhưng ít ai biết, “cánh mày râu” lấy vợ xa cũng có nhiều tâm sự. Một số người chồng chia sẻ, ăn Tết quê nội hay quê ngoại đối với họ là lựa chọn “tiến thoái lưỡng nan”.

5 năm làm rể xa nhà gần 200 cây số, anh Trần Ninh (35 tuổi) gặp nhiều vướng mắc về chuyện ăn Tết quê nội, quê ngoại. Cả gia đình anh và gia đình vợ đều có hoàn cảnh đặc biệt. Bố anh mất sớm, các chị gái đi lấy chồng xa, chỉ còn một mình mẹ già lủi thủi. Bố mẹ vợ thì chỉ có duy nhất một cô con gái là vợ anh. Vậy nên, mỗi dịp Tết cận kề, vợ chồng anh lại nảy ra “cuộc chiến” ăn Tết quê nội hay Tết quê ngoại.

Anh Ninh kể, 3 năm đầu tiên, vợ anh bầu bí, con nhỏ nên chấp nhận ăn Tết quê nội đến tận mùng 4 mới sang quê ngoại, rồi ở đó cho đến ngày ra thành phố làm việc. Dẫu vậy, anh thấy rõ sự buồn phiền của vợ nên Tết cũng không trọn vẹn. Hai năm gần đây, con cái cứng cáp, vợ anh bắt đầu đấu tranh đến cùng để được về quê ngoại ăn Tết từ chiều mùng 1. Anh không đành lòng để mẹ già lủi thủi ăn Tết một mình nên không ít lần nặng lời với vợ.

“Không phải tôi muốn bố mẹ vợ đón Tết trong hiu quạnh nhưng tôi cũng có đạo hiếu phải vẹn tròn. Thử hỏi, nếu tôi theo vợ con về ngoại ăn Tết từ mùng 1 thì mẹ tôi sẽ buồn thế nào, xóm làng dị nghị ra sao? Thế nên, trong chuyện này, vợ tôi buộc phải chịu thiệt một chút”, anh Ninh chia sẻ.

Tết năm nay, anh Linh giải quyết chuyện “Tết nội Tết ngoại” bằng cách để vợ về quê ngoại sắm sửa Tết cho ông bà trước vài ngày, sau đó ngày 30 phải có mặt ở quê nội để làm cơm tất niên. Mùng 3, làm cơm hoá vàng xong xuôi, vợ chồng con cái anh sẽ về quê ngoại ăn Tết. Vợ anh dù không hài lòng với đề xuất này nhưng cũng phải chấp nhận vì anh ép “chia đôi con nếu muốn về ngoại từ chiều mùng 1”.

Phạm Nghĩa (30 tuổi) lấy vợ xa vài trăm cây số. Hai vợ chồng lại sống và lập nghiệp ở Hà Nội. Vì khoảng cách hai quê quá xa, lại thêm kinh tế không mấy dư giả nên ngày Tết khó có thể đi về giữa hai bên. Trước khi cưới, vợ chồng anh đã thống nhất với nhau, mỗi năm ăn Tết một quê nhưng mấy năm đầu vì con nhỏ, Tết quê nội thường được ưu tiên hơn.

Kể từ khi thực hiện đúng giao kèo “1 năm Tết nội, 1 năm Tết ngoại”, anh Nghĩa cũng có lắm ưu phiền. Năm nào đến phiên ăn Tết nội, anh rất phấn khởi nhưng năm nào đến phiên ăn Tết ngoại, anh thấy lòng nặng trĩu.

Anh Nghĩa nói, sự khác biệt về văn hoá, lối sống, lại thêm “lạ nước lạ cái” khiến anh e ngại về quê ngoại ăn Tết. Có năm, anh chỉ ở lại quê ngoại đến hết mùng 1, rồi một mình bắt xe về quê nội cho đến hết Tết. Biết vợ không mấy vui vẻ vì điều này nhưng anh cũng… kệ. Anh cho rằng, việc đồng ý ăn Tết luân phiên giữa hai bên là anh đã tâm lý hơn rất nhiều ông chồng khác.

“Làm rể xa, về quê ngoại ăn Tết mới hiểu rõ được tâm tư của hội chị em năm nào cũng đón Tết quê chồng. Có lẽ, tâm lý trọng bên nội hơn bên ngoại ăn sâu vào tiềm thức của nhiều ông chồng nên họ cho rằng, việc dâu con ăn Tết nhà chồng là trách nhiệm, là điều đương nhiên. Nhưng quả thực, các ông chồng nên tâm lý một chút, nếu có thể đi lại giữa hai quê thì nên “mùng 1 Tết nội, mùng 2 Tết ngoại”, còn như trường hợp nhà tôi thì ăn Tết luân phiên là hợp lý, dù cho năm nào đến phiên ăn Tết quê ngoại tôi cũng lẩm bẩm: “Giá như ngày xưa lấy vợ gần”, anh Nghĩa cười chia sẻ.

Khác với rất nhiều ông chồng luôn muốn vợ về ăn Tết quê nội, anh Nguyễn Huấn (32 tuổi) 5 năm lấy vợ thì có đến 4 năm tình nguyện ăn Tết quê ngoại. Anh lấy vợ xa 150 cây số, vợ chồng anh ở gần ông bà nội nên anh cho rằng, ngày Tết nên là dịp về với ông bà ngoại.

Khi mới cưới, vợ chồng anh bàn bạc nhau mỗi dịp lễ sẽ cố gắng cân bằng khoảng thời gian nghỉ cho hai bên nội, ngoại. Nhà anh có ba anh em, hai trai, một gái, anh trai ở chung nhà với bố mẹ, em gái lấy chồng gần nhà. Nhà vợ anh thì khác, bố mẹ vợ có hai cô con gái thì cả hai đều lấy chồng xa. Chị gái vợ anh năm nào cũng mặc định phải ăn Tết quê chồng, nếu vợ anh cũng không được về ngoại thì bố mẹ vợ anh chỉ có thể ăn Tết trong hiu quạnh, vắng vẻ. Nghĩ vậy nên năm nào anh cũng ưu tiên đưa con cái về quê ngoại ăn Tết.

Anh Huấn chia sẻ, yếu tố quan trọng để anh làm được vậy là vì bố mẹ anh rất tâm lý. Bố mẹ anh luôn động viên con trai đưa vợ về quê ngoại ăn Tết để ông bà thông gia được an ủi phần nào. Vợ anh cũng là người biết điều, những ngày trước Tết luôn lễ lạt, sắm sửa chu toàn cho bố mẹ chồng, sau đó mới về ngoại. Những dịp lễ khác trong năm, vợ anh cũng hoàn thành trách nhiệm của một nàng dâu.

“Chị em ngại về quê chồng ăn Tết thế nào thì anh em tôi cũng ngại về ăn Tết quê vợ như vậy. Nhưng phải tuỳ vào hoàn cảnh của mỗi gia đình mà có lựa chọn hợp lý, ai cũng ích kỷ, bo bo chỉ nghĩ cho mình và nhà mình thì làm sao yên ấm được. 1, 2 năm đầu theo vợ về quê ăn Tết, tôi cũng man mác lắm nhưng nghĩ lại, quê nào chẳng là quê, bố mẹ nào chẳng là bố mẹ. Mình đã có cả năm ở gần bố mẹ thì mấy ngày Tết cũng phải tạo điều kiện cho vợ”, anh Huấn nói.

Ăn Tết quê nội hay quê ngoại là lựa chọn không hề dễ dàng với các cặp vợ chồng. Để có được cái Tết suôn sẻ, hạnh phúc, các thành viên trong gia đình nên giảm đi nhũng đòi hỏi, kỳ vọng về trách nhiệm của nhau, thay vì đó hãy bao dung, thấu hiểu nhau hơn.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Với ưu điểm chịu hạn, dễ chăm sóc, đặc biệt giá trị tăng cao gấp nhiều lần cây lúa, cây mè được nông dân huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp canh tác như một giải pháp chống hạn trong chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất