, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 15/11/2022, 12:38

Hồi sinh ngôi đình cổ Vu Chu

Bài: CẨM HÀ; Ảnh: QUANG PHÚC
“Tuy chỉ ở làng có 6 năm thơ ấu, nhưng suốt cuộc đời tôi chỉ có một quê thôi, làng Vu Chu của tôi”, ông Mai Đình Phồn rưng rưng xúc động nói tại buổi lễ khánh thành ngôi đình làng Vu Chu, xã Cổ Đô (huyện Ba Vì, TP Hà Nội) ngày 30/10/2022 (ngày 6/10 Nhâm Dần) vừa qua. Kinh phí xây dựng ngôi đình, cùng hàng chục hạng mục phụ trợ như nhà khách, sân vườn, tường bao, cổng làng… đều do gia đình ông ủng hộ.
Lãnh đạo huyện Ba Vì, xã Cổ Đô và gia đình ông Mai Đình Phồn trong lễ khánh thành đình làng Vu Chu.

Mặc dù công trình đã được bàn giao, đưa vào sử dụng từ ngày 20/3/2022, nhưng do đúng vào thời kỳ dịch bệnh, nên đến nay mới có thể tổ chức lễ khánh thành – một sự kiện trang trọng, một ngày hội, với sự tham dự của người dân không chỉ ở làng Vu Chu, mà của tất cả nhân dân làng trên xóm dưới thuộc xã Cổ Đô.

Di tích đình làng Vu Chu xã Cổ Đô được xây dựng từ thế kỷ XVII, thờ Đức Thánh Tản Viên Sơn, một trong “tứ bất tử” theo tín ngưỡng dân gian. Đình từng là nơi phục vụ công tác xã hội, nơi dạy học cho trẻ em Vu Chu và các làng lân cận. 

Ngày 6/1/1946, đình làng được chọn làm điểm bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; là nơi cất giấu muối và vũ khí kháng chiến chống Pháp. Cuối năm 1948, Pháp đi càn, thấy trong đình có khẩu hiệu chống Pháp, cờ Tổ Quốc, ảnh Bác Hồ cùng vũ khí thô sơ… nên đã thiêu hủy toàn bộ ngôi đình. Người dân đã 2 lần xây lại đình, nhưng do điều kiện eo hẹp nên chỉ làm một nhà cấp 4 để làm nơi thờ phụng tạm thời.

Ông Mai Đình Phồn chia sẻ với phóng viên tạp chí Nông thôn Việt.

Ấp ủ ý định muốn làm một việc gì đó cho quê hương từ năm 2011, nhân một lần về quê được một cụ bà cao tuổi trong làng gợi ý, ông Mai Đình Phồn kể: “Lúc ấy, tôi muốn lắm, nhưng tuy đã sở hữu một doanh nghiệp, vốn sản xuất, kinh doanh của tôi còn chưa đủ. Năm 2021, đình xuống cấp nặng quá. Mà tôi nhẩm tính, nếu mỗi hộ gia đình trong làng mỗi năm đóng góp 1 triệu đồng, thì phải mất 30 năm mới đủ tiền xây lại ngôi đình theo lối cổ. Ý tưởng quyên góp làm lại đình không khả thi, biết đến bao giờ làng mới có ngôi đình đúng nghĩa! Tôi nghĩ, đây là việc làm khó, nhưng lại là cơ hội thiết thực nhất để gia đình tôi đóng góp cho làng”. 

Và thế là sau khi bàn bạc, được cả gia đình nhất trí, ông Mai Đình Phồn đã thuyết phục toàn thể dân làng Vu Chu cho gia đình ông được hưng công xây mới toàn bộ ngôi đình. Ngày 22/5/2021, tức 11/4 năm Tân Sửu, công trình nhà đại đình chính thức khởi công, xây dựng đúng trên nền ngôi đình cũ đã bị giặc Pháp đốt cháy năm 1948. Đình 3 gian 2 dĩ, gắn liền với hậu cung, làm bằng gỗ lim nhập từ Nam Phi; lợp ngói mũi hài. Sân lát gạch đỏ, tường bao được xây mới, cổng theo mẫu cũ nhưng to đẹp hơn. Cổng làng cũng được xây mới, đường từ cổng làng đến đình làng được lát lại bằng gạch đỏ…

Cắt băng khánh thành công trình.

“Vậy là tôi, một cậu bé đen, gầy, học hành chểnh mảng, nghịch và quậy phá đến nỗi từng làm cho bà nội tôi phải khóc gần 70 năm về trước, lại được dân làng tin tưởng, dành cho một vinh dự to lớn là cho phép gia đình tôi đóng góp xây lại đình làng. Tôi đâu nghĩ có ngày hôm nay, được đứng trước dân làng Vu Chu để nói rằng những ký ức một thời non trẻ ấy lại là sợi dây tình cảm khiến tôi không thể tách rời một làng quê yên bình, đất đai màu mỡ, nằm bên bờ sông Hồng nên thơ này”, ông Mai Đình Phồn bồi hồi chia sẻ. 

Các bô lão làng Vu Chu trong lễ khánh thành ngôi đình.

Doanh nhân kỳ cựu Mai Đình Phồn không quên ghi nhận sự hỗ trợ hết mực của dân làng và công sức của rất nhiều người thợ, hầu hết là con dân xứ Đoài, trong quá trình xây dựng ngôi đình. Mong muốn duy nhất của ông giờ đây là được các cấp chính quyền quan tâm và người dân Vu Chu có ý thức giữ gìn, bảo tồn để công trình sử dụng được lâu dài, góp phần phát huy tốt nhất các giá trị văn hóa truyền thống, văn hóa tâm linh mà cha ông đã đời đời vun đắp.

Ông Mai Đình Phồn làm lễ mở cửa Đình.
Tags

Bình luận

Xem nhiều


Đến Rạch Cái Sơn (thành phố hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) vào những ngày này, du khách sẽ bị mê hoặc bởi hàng chục chiếc bè trồng sen đang khoe sắc rực rỡ, làm cho dòng kênh thơ mộng hơn bao giờ hết.



Nổi bật
Được quan tâm



Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất