, //, :: GTM+7

Hơn 100.000 tỷ đồng “bơm” ra nền kinh tế

MINH HUY
Nhiều địa phương trên cả nước đang chuyển dần sang trạng thái “bình thường mới” sau một thời gian khá dài thực hiện giãn cách xã hội. Để chung tay cùng các hộ kinh doanh, doanh nghiệp đang nỗ lực phục hồi sản xuất, đẩy mạnh kinh doanh trong quý cuối năm, các ngân hàng thương mại tiếp tục đưa ra các gói hỗ trợ lãi suất.
Nguồn vốn dự trữ của nhiều doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm tại TP.HCM đã gần cạn kiệt.

“Cung” sẵn nhưng “cầu” vẫn phải chờ

Khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát, điều cần nhất với các hộ kinh doanh và doanh nghiệp là lực đẩy tài chính. Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân tháo gỡ khó khăn do Covid-19 và tăng tốc phục hồi sản xuất kinh doanh, Sacombank đã triển khai nguồn vốn ưu đãi trị giá 20.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi chỉ từ 4,5%/năm. 

Từ nay đến đến hết ngày 31/12/2021, HDBank cũng tăng gói hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ lên 10.000 tỷ đồng để khách hàng bổ sung nguồn vốn lưu động với lãi suất chỉ còn từ 6,2%/năm. Đối với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ, từ nay đến 31/3/2022, HDBank có gói lãi suất ưu đãi chỉ từ 6%/năm. Để giảm áp lực trả nợ trong thời gian đầu đối với khách hàng thuê mặt bằng kinh doanh, ngân hàng này còn có gói cho vay với lãi suất chỉ từ 3%/năm… Theo lãnh đạo HDBank, các gói tài trợ vốn HDBank nhằm giúp doanh nghiệp và hộ kinh doanh kịp thời tháo gỡ khó khăn, cân đối dòng tiền, giảm áp lực tài chính trong giai đoạn cần được tiếp sức để phục hồi và tăng tốc hoạt động, lấy lại đà tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận. 

Tương tự, ACB cũng cho biết đã sẵn sàng nguồn vốn vay lên đến 10.000 tỷ đồng với mức lãi suất từ 5%/năm để đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trong phục hồi sản xuất kinh doanh. BIDV cũng có gói lãi suất ưu đãi cho tiểu thương với lãi suất chỉ từ 5,3%/năm…

Trở ngại lớn là phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường không có tài sản thế chấp và không quen làm phương án kinh doanh chi tiết nên rất khó tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Bên cạnh đó, một tỉ lệ lớn doanh nghiệp chỉ có thể tiếp cận được những khoản vay ngắn hạn, số doanh nghiệp tiếp cận được khoản vay trung và dài hạn rất ít. Chính vì vậy, các hộ kinh doanh mong muốn Nhà nước có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Mới đây, nhiều doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm tại TP.HCM cũng cho biết, dịch bệnh kéo dài nên phần lớn nguồn vốn dự trữ đã gần cạn kiệt. Nếu ngân hàng không cơ cấu lại nguồn vốn vay trung dài hạn cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm trong giai đoạn này thì doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Bởi lẽ, nguồn vốn hỗ trợ cho vay mới là rất cấp bách và cần thiết để các doanh nghiệp có nguồn tài chính mới bổ sung vào kế hoạch thu mua, dự trữ nguyên phụ liệu, thành phẩm chuẩn bị cho mùa sản xuất phục vụ thị trường cuối năm và Tết Nguyên đán sắp tới. 

Các doanh nghiệp ngành này kiến nghị Chính phủ, NHNN bổ sung vào nhóm đối tượng được hỗ trợ chính sách về vay vốn với mức giảm lãi suất thấp; đồng thời nâng hạn mức định giá tài sản thế chấp từ khoảng 70% hiện nay lên 85% giúp doanh nghiệp bớt áp lực phải tìm thêm tài sản thế chấp.

Về việc này, NHNN cho biết, ngành ngân hàng cũng đang cùng các bộ, ngành gấp rút tìm thêm nguồn lực để triển khai thêm nhiều giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất, nhất là trong quý 4/2021. Dự kiến gói cấp bù lãi suất 3.000 tỷ đồng tương đương quy mô dư nợ hơn 100.000 tỷ đồng, với lãi suất 3 - 4%/năm, có thể sẽ được ngành ngân hàng “bơm” ra nền kinh tế. Cùng với đó, NHNN cho biết sẽ tăng thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng khi nền kinh tế cần nhằm đẩy vốn hỗ trợ nền kinh tế.

Bài học về “cục máu đông”

Khẳng định chung tay, đồng hành cùng doanh nghiệp nhưng các ngân hàng cũng cho biết, doanh nghiệp đang nợ dưới chuẩn, không có nguồn thu, không có lợi nhuận, không đủ điều kiện để tiếp cận vốn thì ngân hàng cũng không thể giải ngân. Chính vì thế, các NHTM đã kiến nghị NHNN nên có cơ chế tiếp tục khoanh nợ để doanh nghiệp đang được cơ cấu nợ có thể tiếp cận được vốn vay mới phục vụ sản xuất và kinh doanh.

Một số chuyên gia trong ngành cho rằng, ngân hàng nên nới lỏng điều kiện cho vay trong một thời gian nhất định vì dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, ngân hàng có thể đánh giá việc cho vay bằng triển vọng phục hồi khi kinh tế mở cửa trở lại. Theo đó, để giúp ngân hàng mạnh dạn cho doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ vay vốn, NHNN có thể giữ nguyên hệ số rủi ro với khoản vay lĩnh vực rủi ro cao nhưng giảm hệ số rủi ro với khoản vay khác nhằm gỡ khó về tỷ lệ an toàn vốn cho các ngân hàng. Bên cạnh đó việc cho vay vẫn cần tài sản đảm bảo để không lo ngại mất an toàn hệ thống. 

Về việc này, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định, NHNN sẽ tạo điều kiện mở rộng tín dụng nếu nền kinh tế cần, nhưng không giảm điều kiện tiếp cận tín dụng nhằm bảo đảm chất lượng tín dụng, kiểm soát được nợ xấu. Dễ dãi với tín dụng hôm nay có thể phải trả giá đắt cho tương lai vì bài học về “cục máu đông” nợ xấu ngân hàng hiện vẫn còn đó. “Nợ xấu là chỉ báo rất quan trọng đối với hệ thống ngân hàng và chỉ báo rủi ro này đang ngày càng tăng nhanh. Vì vậy, NHNN luôn tìm cách mở rộng tín dụng và không hạ chuẩn tín dụng”, Phó Thống đốc nêu quan điểm. Phó Thống đốc cũng khẳng định, thời gian tới, hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn nhưng vẫn đồng thời bảo đảm an toàn hệ thống, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Nền thẩm mỹ bản địa đã mách bảo kiến trúc sư tặng một “link” bay bổng cho chủ nhà, mà nhìn qua, chỉ còn cách thốt lên hai chữ bồng bềnh.

Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất