, //, :: GTM+7

Hồn cốt nông thôn Việt chính là sức mạnh mềm để hội nhập

SONG THÙY

Năm 2020 là mốc đánh dấu giai đoạn mới của Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới (NTM). Áp lực đối với giai đoạn này không nhỏ khi mà những kết quả và thành tựu của Chương trình trong 9 năm qua đã được Thủ tướng Chính phủ đánh giá là to lớn, toàn diện và lịch sử. Trao đổi với phóng viên Tạp chí Nông thôn Việt, Cục trưởng - Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương Nguyễn Minh Tiến đã bắt đầu bằng các công việc phải triển khai ngay trong thời điểm đầu năm mới.

 

Ông Nguyễn Minh Tiến.
Ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng - Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương

Trong năm 2020, Chính phủ và Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình MTQG xây dựng NTM đặt ra những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là tập trung xây dựng cơ chế chính sách và định hướng cho khung chương trình của giai đoạn 2021 – 2025.

Cụ thể là gì, thưa ông?

Có hai nội dung trọng tâm. Thứ nhất là sửa đổi bổ sung, rà soát và đề xuất Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021 – 2025 nhằm khắc phục những bất cập đã được đặt ra tại Hội nghị tổng kết 10 năm triển khai Chương trình vào tháng 10/2019 vừa qua. Trong Bộ tiêu chí mới cho giai đoạn 2021 – 2025, về cấp độ, chúng ta sẽ ban hành Bộ tiêu chí cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh; về mức độ, chúng ta sẽ không chỉ dừng ở việc ban hành Bộ tiêu chí đạt chuẩn NTM mà còn tiếp tục có Bộ tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Đến thời điểm này, cả nước có 54% số xã đạt chuẩn, vì thế cần có Bộ tiêu chí nâng cao để các xã này tiếp tục phấn đấu; rồi một số xã có điều kiện sẽ trở thành xã NTM kiểu mẫu. Đối với Bộ tiêu chí cấp huyện cũng vậy. Hiện nay chúng ta đã có 111 huyện đạt chuẩn NTM, chiếm 17%, những huyện này vẫn phải tiếp tục phấn đấu lên huyện NTM nâng cao, và một số huyện lên NTM kiểu mẫu.

Thứ hai là xây dựng khuôn khổ, cơ chế chính sách cho Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025. Vừa qua, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua nghị quyết của phiên chất vấn, trong đó Chủ tịch Quốc hội đã kết luận và khẳng định giao cho Chính phủ xây dựng và đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết về triển khai Chương trình xây dựng NTM 2021 – 2025.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ NN&PTNT chủ trì cùng với Bộ Kế hoạch – Đầu tư, các Bộ, ngành có liên quan sẽ xây dựng khung cơ chế chính sách và đặc biệt là xác định được nhu cầu đầu tư để chúng ta đưa vào đầu tư công trung hạn cho giai đoạn 2021 – 2025.

Việc xây dựng khuôn khổ, cơ chế chính sách cho Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025 có điểm gì nổi bật, thưa ông?

Hiện nay, chúng ta vẫn còn 47% số xã chưa đạt, đặc biệt các xã này tập trung ở những tỉnh khó khăn, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, để các xã này phấn đấu đạt chuẩn thì đòi hỏi nguồn lực phải lớn hơn gấp nhiều lần. Do đó, hiện nay, chủ trương của Chính phủ trong thời gian tới sẽ ưu tiên tăng cường cho các xã khó khăn, các xã vùng căn cứ cách mạng để tiếp tục tìm giải pháp thu hẹp khoảng cách giữa những vùng khó khăn và những vùng có điều kiện.

Ví dụ như trong 9 năm qua, TP.HCM đã huy động được 73.000 tỷ đồng, bình quân lên đến 1.300 tỷ đồng cho 1 xã, ngân sách Nhà nước các cấp hỗ trợ cho 1 xã là 252 tỷ. Trong khi đó bình quân con số này của cả nước chỉ có 35 tỷ đồng. Rõ ràng là chênh lệch về hỗ trợ ngân sách hiện rất lớn giữa những địa phương có điều kiện như TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai… và những vùng khó khăn.

Chương trình xây dựng NTM tuy rất thành công trong thời gian qua nhưng không phải không có những điểm nghẽn. Theo ông, trong thời gian tới Chương trình sẽ phải tiếp tục đối diện những khó khăn nào?

Trong giai đoạn tới, chúng tôi hình dung được sẽ có những thách thức sau. Thứ nhất, chúng ta phải tập trung vào hỗ trợ cho các xã vùng khó khăn để phấn đấu đạt chuẩn. Đối với những xã này, có những xã diện tích lên tới năm, bảy nghìn, thậm chí vài vạn hécta. Dân cư thưa thớt nên huy động nguồn lực rất khó khăn, chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, nhưng quan trọng là làm sao để khơi dậy được tinh thần chủ động vươn lên. Thực tế đã chứng minh vị thế của nông nghiệp, nông thôn và đây chính là dư địa phát triển nếu chúng ta có cơ chế khai thác. Vì vậy khó nhất là làm thế nào để khơi dậy tinh thần vươn lên của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở những vùng khó khăn để tránh tâm lý ỷ lại vào Nhà nước.

Khó khăn thứ hai đó là việc thực hiện tiêu chí môi trường, bởi môi trường không chỉ biến động hàng ngày, hàng tuần mà có thể nói là hàng giờ. Nếu như chúng ta không thay đổi được thói quen, hành vi, ứng xử của người dân cũng như thói quen của người sản xuất thì chúng ta sẽ không thể đảm bảo được việc thực hiện tiêu chí môi trường bền vững.

Vấn đề thứ ba mà chúng tôi rất lo ngại là nguy cơ mai một, mất đi bản sắc văn hóa. Quan trọng nhất là làm sao chúng ta giữ được hồn cốt nông thôn, bảo tồn được những giá trị văn hóa. Nếu như chúng ta không có cơ chế, chế tài để làm sao chúng ta vừa phát triển kinh tế xã hội vừa bảo tồn được cảnh quan văn hóa thì sẽ dẫn đến văn hóa bị mai một. Mà khi văn hóa đã mất đi thì sẽ rất khó có thể phục hồi.

Biến đổi khí hậu đang tác động rất lớn đến nông thôn Việt Nam. Xin ông cho biết ý kiến của mình về việc xây dựng NTM bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và biến đổi khí hậu?

Việt Nam là một trong năm nước chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu thì chúng ta phải xây dựng NTM Việt Nam thực sự bền vững. Thực tế cho thấy vừa qua tại Sơn La, Lai Châu, Nghệ An, Thanh Hóa, có những xã chúng ta đã nỗ lực xây dựng trong 9 năm nhưng chỉ sau một đợt sạt lở, các cơ sở hạ tầng từ đường giao thông, trường học, trạm y tế đã bị quay về điểm xuất phát ban đầu. 

Như vậy, giai đoạn tới chúng ta phải có những giải pháp để việc phát triển cơ sở hạ tầng, vấn đề sinh kế sao cho người dân chủ động thích ứng với tác động của thiên tai, khẳng định NTM Việt Nam hoàn toàn bền vững trước thách thức của vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế cũng như tác động của biến đổi khí hậu.

Xin ông cho biết các nội dung trọng tâm của Chương trình xây dựng NTM trong giai đoạn tiếp theo?

Chúng tôi chú trọng 3 nội dung cốt lõi là nâng cao thu nhập cho người dân, vấn đề môi trường và vấn đề văn hóa. Để nâng cao thu nhập cho người dân, chúng tôi chú trọng triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Hiện nay cả nước đã có 58 địa phương ban hành được Đề án và Kế hoạch chương trình OCOP cấp tỉnh. Gần 574 sản phẩm được 11 địa phương phân nhóm, xếp hạng từ 2 sao, 3 sao đến 4 sao.

Qua hơn một năm triển khai, có thể nói Chương trình OCOP đã xác định được mục tiêu 1 nhóm sản phẩm chủ lực trong 3 nhóm sản phẩm của Việt Nam gồm nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, nhóm sản phẩm cấp tỉnh và nhóm sản phẩm đặc thù. Và đây cũng là tiềm năng dư địa rất lớn. Ngay tại TP.HCM cũng có 6 làng nghề và có điều kiện phát triển những sản phẩm OCOP. Trong năm 2020, chúng ta sẽ tiếp tục đẩy nhanh triển khai thực hiện Chương trình OCOP thực sự có hiệu quả để phấn đấu đến hết năm 2020 chúng ta sẽ có tối thiểu khoảng 2.400 sản phẩm OCOP được phân loại và xếp hạng.

Sản phẩm của các làng nghề truyền thống là cơ hội để phát triển chương trình OCOP.
Sản phẩm của các làng nghề truyền thống là cơ hội để phát triển chương trình OCOP.

Vấn đề môi trường được đánh giá là tiêu chí khó nhất và thiếu bền vững. Do vậy trong năm 2020, Ban chỉ đạo Trung ương sẽ tiếp tục triển khai đề án về đẩy mạnh những mô hình về xử lý môi trường. Tiêu chí môi trường cần tiếp tục được quan tâm hơn nữa, đầu tiên là vấn đề xử lý chất thải rắn, chất thải sinh hoạt của người dân rồi vấn đề xử lý nước thải cũng như xử lý những chất thải từ sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó là phát động đẩy mạnh các phong trào về trồng cây xanh, cảnh quan để hình thành những tuyến đường đẹp, đảm bảo nông thôn hướng đến sáng, xanh, sạch, đẹp. Nội dung trọng tâm thứ ba là về vấn đề văn hóa. 

Hiện nay, trong Chương trình xây dựng NTM, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ NN&PTNT và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xây dựng Đề án chương trình phát triển du lịch nông thôn dựa trên bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Suy cho cùng, để Việt Nam có thể cạnh tranh và hội nhập quốc tế thì chúng ta phải giữ được cốt cách, đặc thù và hồn cốt của nông thôn Việt Nam. Đây chính là sức mạnh mềm như Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh trong quá trình hội nhập quốc tế. Do vậy, đối với Chương trình NTM, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phải đưa văn hóa nông thôn trở thành động lực cho phát triển kinh tế.

Bên cạnh những nội dung trọng tâm đó, chúng ta vẫn quan tâm đến vấn đề an ninh trật tự, đảm bảo xã hội nông thôn được bình yên.

Cám ơn ông!

SONG THÙY thực hiện

Widget 'Chân trang - Nông thôn mới'

Bình luận


user-avt

lequi

08:09, 30/09/2022

Nông thôn có đủ hồn cốt hiểu đơn giản là nông thôn của người dân chứ không phải của cán bộ như BT Lê Minh Hoan nói (từ mô hình, môi trường sinh thái, cơ cấu KT, VH, GD + dạy nghề, chuyển giao KHKT + áp dụng cơ giới vào thực hành SX tốt cho tới ANCT - TTATXH, CQ liêm khiết biết làm việc, hệ thống kết cấu hạ tầng kết nối hợp lý giữa các khu vực KTNT và địa giới khác của địa phương, vùng, ngành hàng) bởi chỉ như vậy thì người dân mới thật sự là trung tâm, người làm chủ, chuyên nghiệp. Ở góc nhìn nông dân tui cho rằng chúng ta cần chậm lại, để tìm kiếm đồng thuận và hiệu quả, tạo sự lan tỏa phát triển cho toàn XH thay vì thành tích như không ít nơi thời gian qua. Vd chúng ta chọn một xã nghèo nhất để xây dựng NTM, quy hoạch khu, cụm dân cư tích hợp và phức hợp, khu SX, chăn nuôi bài bản để bố trí kết nối hạ tầng phát triển đầy đủ các dịch vụ thiết yếu, TMDV, hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, tạo động lực phát triển thay vì chọn nơi dễ làm để đạt trước để làm thành tích báo cáo cốt chỉ để lấy đó đánh bóng bản thân và tiếp theo là khai thác “bầu sữa ngân sách”. Việc lựa chọn các tiêu chí dễ làm vì thành tích đã để lại rất nhiều bất cập cũng như niềm tin vào thái độ của những người có trách nhiệm trực tiếp. Vd trụ sở lâm thời được xây lại kiên cố rồi đập bỏ xây lại cho đạt chuẩn, rồi sửa chữa, rồi xây lúm khúm, rồi làm đường bất chấp chia nhỏ đất đai, tạo sốt ảo tăng giá đất, đầu cơ, mua bán kiếm lời, bất chấp dân cư bị kéo giãn, trường học cũng buộc phải kéo theo tuyến dân cư gây rất nhiều khó khăn trong việc phát triển các dịch vụ giáo dục, chăm sóc trẻ em, bố trí hạ tầng, phát triển phương tiện vận chuyển công cộng, các dịch vụ hỗ trợ nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển KTTT, HTX, KTTH, PTBV… Nếu chúng ta không chú trọng đúng mức vào tầm quan trọng của việc phát triển khu cụm dân cư tích hợp, phức hợp và có chính sách trả góp phù hợp thì sẽ không giải được bài toán hạ tầng, cơ cấu và thực hành SX, KTTT, KTHT, nhân lực và lao động. Tiêu chí về chợ ở nông thôn, chúng ta cần xác định loại hình chợ nông thôn là nơi mua bán trao đổi hàng hóa nông sản ở khâu tập kết thu gom và một số dịch vụ đi kèm hơn là chợ như là chợ ở trung tâm huyện lỵ, trung tâm xã lớn đặc thù, thị tứ. Bởi vì khu dân cư phải gắn liền với sinh kế của người dân, phải là nơi tập trung phát triển được các cơ sở thu gom nông sản, trung chuyển và GQVL tại chỗ cũng như nắm bắt tín hiệu, yêu cầu, nguyên tắc thị trường. Vì vậy tùy theo quy mô nó cần có diện tích cho khu vực tập kết vận chuyển, chỗ đậu xe và lưu trú cũng như các dịch vụ hỗ trợ… Chỉ khi chúng ta xác định chợ nông thôn chính yếu là giao dịch nông sản và các dịch vụ hỗ trợ thì chúng ta mới tạo dựng được sự cố kết cộng đồng, liên kết các khu vực dân cư, kinh doanh sản xuất để hình thành diện mạo hiện đại văn minh, kinh tế số, TMĐT, công dân số, xh số, logistics thông minh và thông thường cho bộ mặt nông thôn thay vì như hiện nay ở một số nơi. Tóm lại với quan điểm cá nhân tui cho rằng lãnh đạo Cù Lao Dung và Sóc Trăng nên đọc và nghiền ngẫm bài viết trên báo nông nghiệp về hồn cốt nông thôn, hướng tầm nhìn đến năm 2045 Việt Nam trở thành QG phát triển có thu nhập cao và chuần bị một phần CSVCKT cho hình thái KT mới, tạm quên đi tham vọng biến Cù Lao Dung thành Phú Quốc thứ hai như PCT UBND huyện nói trong buổi báo cáo NQ vì điều đó như Qatar, UAE còn chưa dám nói chứ nói gì địa phương chỉ có thuận lợi vị trí trong vùng có thể thu hút đầu tư để tăng trưởng nhanh nhưng chưa hoàn toàn tự chủ. Tóm lại Cá Chép hóa rồng do đâu?.

Xem thêm bình luận
Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất