, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 19/04/2021, 14:22

Hồn dân tộc trong trang sức bạc

CHI AN
(tổng hợp)

Bạc là trang sức truyền thống không thể thiếu của nhiều tộc người ở Việt Nam, đặc biệt là với người Mông, người Nùng và người Dao ở vùng biên giới phía Bắc.

Khuyên tai bằng bạc của phụ nữ người Mông.

Nét đặc trưng của văn hóa tín ngưỡng

Với người Mông, trang sức bạc được xem như một thứ bùa hộ mệnh có chức năng bảo vệ sức khoẻ, hạnh phúc của con người. Đây cũng là món quà mang giá trị lớn về tinh thần mà cha mẹ tặng con gái làm của hồi môn khi đi lấy chồng. Nguyên liệu bạc dùng để chế tác sản phẩm bạc thường là các đồng bạc Đông Dương (hoa xòe), được tích trữ từ đời này qua đời khác trong các gia đình người Mông cũng như nhiều dân tộc vùng cao khác. Các nghệ nhân phải có kinh nghiệm chọn và phân biệt nguyên liệu. Nếu dùng phải bạc tạp chất thì trong quá trình chế tác, bạc thường bị vỡ vụn, không có độ trắng tinh khiết. 

Các sản phẩm được tạo ra từ nghề chạm khắc bạc của người Mông như vòng vía, khuyên tai, nhẫn, lược cài tóc… 

Vòng vía của người Mông có hai loại: vòng bản dẹt và vòng bản tròn. Trên mặt vòng thường khắc hình hoa lá, hình con bướm… theo lối tả thực. Đây là loại vòng được chế tác cho trẻ em và người lớn, gồm ba loại: vòng chân, vòng cổ và vòng tay. Vòng vía thường có một chiếc khóa móc ở quãng hở, khi đeo xong, thầy cúng cài khóa lại coi như giữ không cho vía rơi ra ngoài, không cho tà ma xâm phạm cơ thể. Nếu vòng vía là sản phẩm mang tính bảo hộ thì vòng tai (khuyên tai), lược cài tóc, nhẫn là các loại trang sức dành riêng cho phụ nữ. Nhẫn của người Mông thường có 2 loại tiết diện tròn và dẹt. Đeo nhẫn có tiết diện tròn là dấu hiệu của những người còn độc thân (trai chưa vợ, gái chưa chồng) hoặc đã goá vợ/chồng và đang có ý định tái giá.

Nghề chạm khắc bạc của người Mông ở Sa Pa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia năm 2013.

Đeo trang sức bạc để nhớ về cội nguồn

Trong quan niệm của người Nùng, nhà giàu không phải có nhiều vàng, trâu bò, ruộng đất mà là có nhiều bạc. Theo các nghệ nhân chạm bạc người Nùng, trang sức bạc là hồn cốt, là tập tục. Nếu không đeo bạc, người Nùng không biết nguồn cội, không biết tổ tiên. Một trong những nét văn hóa độc đáo của người Nùng là khi đi lấy chồng, ngoài những sính lễ quan trọng khác thì người con dâu được nhà trai sắm lễ một bộ trang sức bạc.

Ðể tạo nên những món đồ trang sức chất lượng cao, người Nùng sử dụng nguyên liệu là bạc hoa xòe và bạc miếng. Từ những dụng cụ thủ công như: kéo cắt, kìm vặn, búa đập, đế gỗ, nồi đun, cân tiểu ly... những nghệ nhân đã chế tác ra nhẫn, vòng tay, xà tích, trâm cài đầu, cúc bạc với những họa tiết, hoa văn tinh xảo, gần gũi với cuộc sống con người như cỏ cây hoa lá, muông thú, họa tiết hình học… Đặc biệt, sản phẩm bạc của người Nùng khác biệt và nổi trội hơn hẳn bởi thủ pháp xử lý sáng tối nhờ kỹ thuật tạo khối của các nghệ nhân trên chất liệu bạc. 

Năm 2019, nghề chạm bạc của người Nùng tại 2 xã Pờ Ly Ngài, Nàng Đôn (Hoàng Su Phì, Hà Giang) đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Hoa văn trên trang sức bạc của người Nùng.

Đẹp tinh xảo như trang sức bạc của người Dao đỏ

Mỗi sản phẩm bằng bạc của người Dao đỏ là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc thể hiện văn hóa bản địa và tâm hồn, trí tuệ của người Dao đỏ. Lửa, nước, bạc và con người cùng hội tụ lại để tạo ra những sản phẩm thấm đẫm văn hóa Dao. Theo những nghệ nhân chạm bạc người Dao đỏ, thông thường, để làm ra một bộ trang sức bạc mất rất nhiều thời gian và phải tiến hành rất nhiều công đoạn: gò miếng bạc thành hình khối sản phẩm, ghép các chi tiết, tạo ra sản phẩm dạng thô và chạm trổ các chi tiết hoa văn. Các công đoạn này chủ yếu là làm thủ công với những dụng cụ khá đơn giản như: dao chạm, kéo cắt, banh gắp, kìm vặn, búa đập, bàn kéo sợi, đe sắt, đe gỗ, nồi đun… Nghề chạm bạc của người Dao đỏ đòi hỏi người thợ không chỉ có sức khỏe mà còn phải khéo léo và kiên trì.

Các sản phẩm bằng bạc của người Dao đỏ thường mang vẻ đẹp kì lạ bởi đường nét chạm khắc tinh xảo, tỉ mẩn và kĩ thuật chạm khắc đặc biệt. Những chiếc xà tích, nhẫn, vòng bạc hay khuy áo, chuông bạc duyên dáng đó đã góp phần tạo nên vẻ đẹp cho bộ trang phục truyền thống của đồng bào Dao đỏ.

Năm 2018, Nghề chạm khắc bạc của người Dao đỏ ở Sa Pa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. 

Người thợ chạm trang sức bạc của người Dao Đỏ cần hết sức khéo léo.
Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất