, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 05/06/2021, 09:00

Hợp tác với nhau, nương tựa vào nhau, hỗ trợ lẫn nhau thì chúng ta sẽ phát triển

Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT LÊ MINH HOAN

Câu chuyện từ đĩa cơm tấm

… Sáng nay tôi đi ăn cơm tấm tại một quán cơm khá nổi tiếng ở Cần Thơ. Trong thành phần đĩa cơm tấm, ai cũng biết, phải có gạo tấm, có sườn nướng hoặc có gà nướng. Trong đĩa rau dưa ăn kèm thì có rau muống, dưa leo, củ cải, củ kiệu. Rồi trong bát nước chấm thì nước mắm, đường, chanh, ớt, tỏi... Tôi muốn lấy ví dụ đĩa cơm tấm để nói, hàng ngày chúng ta - hơn 100 triệu dân Việt Nam - đang sử dụng những sản phẩm do bà con nông dân sản xuất ra. Chúng ta nói về giá trị thu nhập từ xuất khẩu, về những giá trị toàn cầu. Chúng ta nói về việc làm sao để tạo ra nhiều, số lượng lớn sản phẩm hữu cơ để có thể chiếm lĩnh thị trường thế giới… Nhưng, như một diễn giả trên diễn đàn này đã nói: Tại sao chúng ta chỉ chú trọng sản xuất ra những sản phẩm hữu cơ để đem đi xuất khẩu mà không nghĩ là làm hữu cơ để cho 100% dân chúng ta ăn. Cái gì ngon, bổ, an toàn mình đem đi xuất khẩu hết thì người dân mình sẽ ra sao? Thế hệ của mình coi như “lỡ” rồi nhưng thế hệ mai sau sẽ như thế nào? Tôi nghĩ đây là vấn đề, chắc chắn có nhiều người trăn trở. Bởi vậy, trước khi chúng ta nói đến chế biến, công đoạn nằm gần cuối chuỗi giá trị, thì phải nói bắt đầu từ trồng trọt, từ chăn nuôi, từ canh tác, từ nuôi trồng các loại nông sản phẩm trong chuỗi giá trị tạo ra “đĩa cơm tấm” đó.

Chúng ta muốn tạo ra giá trị gia tăng cao, như có người nói, nếu 20% nông sản qua chế biến, xuất khẩu con số tăng lên 50% thì GDP mà ngành nông nghiệp đóng góp cho GDP cả nước sẽ tăng lên gấp đôi chứ không phải chỉ tăng một cách tịnh tiến... Chúng ta chú trọng những ngành hàng chủ lực, nhưng có những nơi không có ngành hàng chủ lực mà chỉ có những sản phẩm “phụ lực” nhưng lại nuôi sống hàng ngàn hộ dân, thì sao? Tôi lấy dẫn chứng, huyện Vĩnh Châu tỉnh Hậu Giang có 6.500ha trồng hành tím, là sinh kế của 4.500 hộ nông dân trong đó có đồng bào Khơ-me. Đối với một đất nước thì sản lượng đó “lọt thỏm”, không tạo ra được giá trị gì đáng kể. Nhưng đối với một huyện như Vĩnh Châu, đó cũng là một ngành kinh tế… Chúng ta vừa chứng kiến câu chuyện “giải cứu” rau củ quả thời vụ của Hải Dương trong mùa Covid, trước đó nữa là cam Tuyên Quang, cam Hà Giang, thanh long Bình Thuận, Tiền Giang, Long An, chuối Đồng Nai... Bây giờ là cam Quỳ Hợp của tỉnh Nghệ An, và sau nữa chưa biết sẽ phải “giải cứu” những sản phẩm gì? Đối với kinh tế một đất nước, sự thiệt hại đó là nhỏ, rất nhỏ. Nhưng đối với hàng ngàn hộ dân ở các địa phương có sản phẩm phải “giải cứu”, thì đó là của cải, sản nghiệp… Có thể họ không phải là doanh nghiệp, có thể họ chưa phải hợp tác xã, họ chỉ biết trồng trọt, chăn nuôi. Nhưng mà làm sao để sản phẩm của họ làm ra có chất lượng tốt hơn, tiêu thụ tốt hơn, và từ đó, chất lượng cuộc sống của họ tốt hơn?

Chúng ta nói những chuyện to tát. Điều đó là cần thiết. Nhưng cái nhỏ mình cũng ráng chăm chút. Bởi đó là sinh kế của nhiều hộ nông dân, của một làng, một xã, có khi còn là một huyện.

 

Chuyện có hơn 1 triệu lao động từ các tỉnh ĐBSCL lên các tỉnh miền Đông kiếm sống, âu cũng là quy luật dịch chuyển lao động, không phải chỉ một quốc gia mà là của cả thế giới. Về cảm xúc, nhiều khi thấy nặng lòng nhưng theo tôi, điều cần thiết hơn cả là chúng ta phải có một hành động gì đó tương thích. Tôi có đọc cuốn sách Nền kinh tế sân bay, trong đó, lần đầu tiên tôi thấy người ta gắn tạo việc làm vào sự tăng trưởng. Xưa giờ, chúng ta nói tăng trưởng nhưng ít đề cập đến việc làm. Chương trình OCOP là tạo việc làm cho người nông dân ở các làng xã. Bởi vậy câu chuyện “gắn tạo việc làm vào sự tăng trưởng” cũng nói lên được triết lý về tăng trưởng bền vững. Nếu không giải quyết được việc làm cho nông dân ở các làng xã, thì sẽ lại tiếp tục tình trạng dòng người nông thôn phía Bắc đổ đi tìm việc làm ở các KCN Bắc Ninh, Thái Nguyên, ở miền Nam thì đi Bình Dương, Đồng Nai... Tôi đề nghị, các doanh nghiệp, các tập đoàn lớn cần suy nghĩ giải pháp tạo việc làm cho lao động nông thôn trong hoạt động chế biến và liên kết hợp tác. Đây có thể là “mâu thuẫn lớn” bởi vì càng tự động hóa, càng hiện đại thì việc làm ít đi vì máy móc đã thay thế con người. Nhưng trong nội dung cuốn sách, người ta vẫn tạo ra được những giá trị kinh tế từ việc tạo việc làm cho người lao động. 100 doanh nghiệp tạo ra được 100 triệu việc làm mới. Như vậy, 1 nhà máy có thể tạo việc làm cho 1 triệu người, bằng số lượng lao động từ các tỉnh ĐBSCL bỏ quê lên các tỉnh miền Đông Nam bộ kiếm sống mấy năm nay... Điều tôi muốn chia sẻ với các doanh nghiệp, các tập đoàn lớn là chúng ta cần “thay đổi tư duy” - đổi mới sáng tạo là để góp phần tăng trưởng gắn với tạo việc làm cho người lao động.

Ba vòng tròn trong tam giác phát triển

…Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện một câu chuyện liên quan đến vấn đề kinh doanh ở một ngã tư đường, đã nhận được nhiều sự quan tâm của người xem. Trong câu chuyện, từ một đoạn ngã tư đường hiu quạnh, những người Tây, mỗi người chọn một ngành nghề kinh doanh “cộng sinh”, tạo thành một hệ sinh thái nên nhanh chóng biến nó thành một trung tâm thương mại sầm uất. Còn “người Ta”, thấy người trước mở cây xăng đông khách, người đến sau cũng mở cây xăng. 4 góc ngã tư đường có 4 cây xăng, cạnh tranh nhau bằng nhiều mánh khóe thủ đoạn. Rốt cuộc, cả 4 đều… sập tiệm.

Câu chuyện mang đậm chất hài hước, châm biếm tư duy kinh doanh xem lợi ích của mình là trên hết. Tuy nhiên, từ ngụ ý câu chuyện, tôi muốn chia sẻ: Kinh doanh, hợp tác phải là win-win, tất cả cùng thắng, cùng lấy giá trị bên đây để nhân lên giá trị bên kia. Ai trồng thì trồng, ai chế biến thì chế biến, ai làm phụ phẩm thì làm phụ phẩm, ai làm bao bì thì làm bao bì, ai đóng gói thì đóng gói… đừng “thấy người ta ăn khoai” mà “vác mai đi đào”. Trong thời gian vừa qua tôi chứng kiến một số lễ ký kết hợp tác giữa các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực nông nghiệp. Tôi mừng vì thấy cộng đồng doanh nghiệp chúng ta đã xích lại gần nhau. Người này đã làm điểm tựa cho người kia, giá trị gia tăng của doanh nghiệp này lại tạo tiếp ra giá trị gia tăng cho doanh nghiệp khác… Nếu các doanh nghiệp chúng ta cùng nhau hợp tác, thì hoàn toàn có thể biến các góc ngã tư đường hiu quạnh trở thành trung tâm thương mại sầm uất...

Triết lý quan trọng nhất của kinh tế thị trường là sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào, sản xuất cho ai? Chúng ta sản xuất chỉ để xuất khẩu hay vừa để xuất khẩu vừa hướng đến 100 triệu người dân trong nước?

Trong vòng tròn doanh nghiệp, chúng ta nên hình thành hệ sinh thái để mỗi cá thể là điểm tựa cho nhau chứ đừng có cạnh tranh để rồi tất cả kéo nhau cùng xuống đáy.

 

Bằng công nghệ, chúng ta có thể giải quyết được vấn đề tăng sản lượng, chất lượng. Bằng nguồn vốn chúng ta có thể giải quyết được vấn đề mở rộng sản xuất. Nhưng chuyện hợp tác thì không ai giải quyết thay doanh nghiệp được. Chỉ có tấm lòng nghĩ về đất nước, nghĩ về ngành nông nghiệp, nghĩ về khát vọng vươn lên… mới kéo chúng ta lại gần nhau hơn, bớt đi tiếng nói, hành dộng ngược nhau.

Tôi hình dung chúng ta đang ở trong một quan hệ tam giác phát triển mà các đỉnh tam giác là ba vòng tròn, một bên là nhà nước, một bên là thị trường, một bên là xã hội. Nếu nói trong lĩnh vực nông nghiệp thì một “vòng tròn” nhà nước là Bộ NN&PTNT (có thêm cơ quan liên quan là Bộ Khoa học - Công nghệ), một “vòng tròn” thứ 2 là các doanh nghiệp về nông nghiệp, và “vòng tròn” thứ ba là hơn một chục triệu hộ nông dân. Ba “vòng tròn” này sẽ hợp thành một tam giác phát triển. Làm sao để những bánh răng của ba vòng tròn đó chồng khít lên nhau để có thể tạo ra hiệu ứng, tạo ra nguồn lực, bổ sung cho nhau? Tôi chỉ mong rằng khi tiến gần lại thì “vùng giao thoa” càng lớn, làm cho tiếng nói của chúng ta càng ngày càng xích lại gần nhau. Có như thế mới có thể tránh chuyện bên đây “nặng nhẹ” bên kia, doanh nghiệp thì trách nhà nước, nhà nước thì trách doanh nghiệp, doanh nghiệp thì chê nông dân, nông dân thì chê doanh nghiệp… Thay vì cứ ngồi hờn trách nhau, tôi mong rằng tất cả chúng ta cùng chung tay làm cho ba cái vòng tròn đó xích lại gần nhau. Chúng ta là một hệ sinh thái, chúng ta sống “cộng sinh” với nhau. Mỗi bên đều có thế mạnh, có ưu điểm và cũng có khiếm khuyết. “Cộng sinh” là hợp tác với nhau, nương tựa vào nhau, hỗ trợ lẫn nhau thì chúng ta sẽ phát triển.

Có lần, tôi gặp mấy doanh nghiệp nước ngoài, họ nói: “Doanh nghiệp Việt Nam rất khó đổi mới công nghệ, thiết bị…”. Tôi hỏi tại sao? Họ trả lời: Công nghệ thiết bị trên thế giới thay đổi rất nhanh, giá thì mắc. Khi có thông tin có thiết bị mới, công nghệ mới, việc đầu tiên của doanh nghiệp Việt là chạy đến Nhà nước coi có cho vay với lãi suất thấp không? Mà dù lãi suất có thấp thì giá trị đầu tư lớn, lấy đó hợp toán vô giá thành sản phẩm thì giá thành sản phẩm tăng cao, rất khó cạnh tranh. Tính tới tính lui… qua năm sau đã có thiết bị khác ra đời rồi. Trong khi doanh nghiệp Nhật thì mời 10 doanh nghiệp, 100 doanh nghiệp cùng sử dụng chung một công nghệ thiết bị. Bởi vì một công nghệ, các doanh nghiệp có thể dùng chung, có thể chia sẻ với nhau”, trong khi giá trị đầu tư đối với mỗi doanh nghiệp là rất thấp…”. Điều rút ra qua câu chuyện trên, cũng như “câu chuyện ngã tư đường”, mình “thua” là tại vì mình không chịu hợp tác với nhau. Tôi mong rằng chúng ta có tinh thần hợp tác, chúng ta cùng thay đổi, tìm ra giải pháp từ những câu hỏi đặt ra trong đời sống xã hội.

Vấn đề cuối cùng, trong cuốn sách “Một đời thương thuyết, Một đời tìm đường” của Giáo sư Phan Văn Trường - cố vấn Chính phủ Pháp, có đoạn tác giả nói với bạn trẻ khởi nghiệp, đại ý: Sau nhiều năm làm việc cho các tập đoàn đa quốc gia, đa văn hóa, tôi (tác giả) và nhiều đồng nghiệp ở những nước khác cùng đồng ý rằng, không ai làm việc nhanh bằng người Việt Nam chúng ta… Nhưng ông lại nói tiếp “tư duy làm cho xong việc là tư duy của người thất bại”?! Trong khi mọi thứ đều có những giải pháp, nhiều cấp độ giải pháp khác nhau. Có giải pháp thứ nhất thì còn có cái giải pháp thứ hai, thứ ba nào tạo ra giá trị cao hơn nữa không? Khi chứng minh được giải pháp đó có giá trị cao nhất thì họ mới thiết lập kế hoạch thực hiện. Theo Giáo sư Phan Văn Trường, cái việc “làm cho xong” chính là tư duy “ăn xổi”. Sản xuất được cái gì, đến mùa thu hoạch là kêu thương lái tới bán cho nó rồi, bán cho nó nhanh... Mặc dù giá trị sản phẩm thô nằm tầng đáy của chuỗi giá trị.

Nếu nhấn mạnh trong ngành nông nghiệp, công nghiệp chế biến mới tạo ra giá trị gia tăng, từ đó tạo ra kim ngạch xuất khẩu thì tôi nghĩ chúng ta vẫn còn thiếu một điều gì đó. Đó là bổn phận đối với đồng bào, với người dân chúng ta.

 

Có thể ai cũng biết thế là “tư duy nông dân”, nhưng người nông dân đặt ra câu hỏi: Anh kêu tôi sơ chế, bảo quản… thì tiền đâu tôi đầu tư? Tôi không có tiền, không có công nghệ, nếu anh cho tôi công nghệ, tôi chế biến rồi thì thị trường tiêu thụ ở đâu? Cái cách hiện nay, bán trái xoài, bán lúa nó dễ lắm. Thương lái vô là chở đi rồi tiền trao cháo múc. Có tiền còn ra đại lý phân bón, giống để trả nợ rồi mua vật tư, giống làm vụ mới… Như vậy, chính sách của mình phải trả lời được câu hỏi làm thế nào để hỗ trợ nông dân nguồn lực, hỗ trợ nông dân tìm kiếm thị trường. Tôi bao giờ cũng suy nghĩ theo cách suy nghĩ của người nông dân. Khi mình muốn người ta thay đổi thì người ta sẽ đặt ra những câu hỏi ngược lại và chúng ta có xử lý được những vấn đề “ngược lại” đó không? Tôi hay dùng khái niệm nền nông nghiệp chúng ta là phương trình quá nhiều ẩn số. Không thể hy vọng trong một diễn đàn, trong một hội nghị chúng ta có thể “giải mã” được hết các ẩn số. Tôi đề nghị, mỗi hội nghị, chúng ta đưa ra và cùng nhau giải quyết một trong những ẩn số đó...

Triết lý quan trọng nhất của kinh tế thị trường là sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào, sản xuất cho ai? Chúng ta sản xuất chỉ để xuất khẩu hay vừa để xuất khẩu vừa hướng đến 100 triệu người dân trong nước? Sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào, sản xuất cho ai, ba câu hỏi trong kinh tế học là cái sẽ dẫn dắt mọi tinh thần của chúng ta, mọi kế hoạch của nhà nước và mọi chiến lược của doanh nghiệp cũng như của bà con nông dân chúng ta. Tôi đưa câu chuyện “đĩa cơm tấm” là muốn lấy dẫn chúng cụ thể để nói về điều đó…

---

Lược trích phát biểu Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan trong Hội nghị toàn quốc về thúc đẩy công tác chế biến và phát triển thị trường nông sản năm 2021 tại Cần Thơ. Tựa do tòa soạn đặt.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.




Đến Rạch Cái Sơn (thành phố hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) vào những ngày này, du khách sẽ bị mê hoặc bởi hàng chục chiếc bè trồng sen đang khoe sắc rực rỡ, làm cho dòng kênh thơ mộng hơn bao giờ hết.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất