, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 17/09/2021, 08:34

Hợp tác xã, doanh nghiệp - Hạt nhân phát triển kinh tế nông nghiệp

VŨ QUANG

Ngành Nông nghiệp cả nước nói chung và tỉnh Long An nói riêng đang thực hiện chuyển đổi từ sản xuất theo chiều rộng sang chiều sâu, chú trọng chất lượng, sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Đây là quá trình chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp.

Trong thực hiện liên kết cánh đồng lớn vẫn còn nhiều hạn chế

Liên kết để nâng cao hiệu quả, chất lượng

“Trong quá trình chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp (DN) đóng vai trò rất quan trọng” - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện nhấn mạnh.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 202 HTX nông nghiệp với gần 5.000 thành viên. Trong đó, có 11 HTX thực hiện xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (rau 8 chuỗi, lúa 2 chuỗi và thủy sản 1 chuỗi); 78 HTX sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 56 HTX có nhãn hiệu kinh tế tập thể; 21 HTX có mã vạch truy xuất nguồn gốc và 8 HTX được cấp mã số vùng trồng; 50 HTX sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị nông sản, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm dài hạn với DN, siêu thị (chủ yếu các HTX lĩnh vực trồng lúa, rau, thanh long, chanh).

Thời gian qua, HTX góp phần định hướng, hỗ trợ và nâng cao hiệu quả kinh tế cho những sản phẩm nông nghiệp của người dân. HTX có vai trò nắm bắt thị trường, sản xuất theo nhu cầu, sản phẩm hàng hóa bảo đảm các yếu tố chất lượng, giá cả, bao bì, số lượng. Khi chuyển từ sản xuất nông hộ nhỏ, lẻ sang quy mô hàng hóa, HTX là yếu tố quan trọng trong chuỗi liên kết canh tác và tiêu thụ nông sản.

Những năm gần đây, quá trình phát triển của HTX đã đóng góp trực tiếp vào tổng sản phẩm nội địa (GRDP) của tỉnh, góp phần gia tăng thu nhập cho các hộ thành viên, thúc đẩy phát triển KT-XH. Đơn cử như HTX Rau an toàn Phước Hòa (xã Phước Vân, huyện Cần Đước), mỗi năm cung ứng hơn 1.800 tấn rau các loại. Trong quá trình sản xuất của các thành viên, HTX thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật, quy trình sản xuất theo hướng VietGAP. Chính vì vậy, HTX Rau an toàn Phước Hòa tìm được thị trường ổn định, khoảng 80% nông sản của các thành viên sản xuất được HTX thu mua bán cho các công ty (Cty), DN. Năm 2020, tổng doanh thu của HTX hơn 17 tỉ đồng, tạo việc làm cho khoảng 15-20 lao động với thu nhập 3-4 triệu đồng/người/tháng từ việc sơ chế rau.

Cùng với hệ thống HTX, các DN là nguồn lực, động lực, thành phần không thể tách rời trong chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông, lâm, thủy sản. Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 900 cơ sở, DN nông nghiệp kinh doanh mua bán, sơ chế, tiêu thụ nông sản.

Ông Trần Thái Long - quản lý nhà kho thanh long Hồng Nguyên Long, cho biết, gần đây, Cty đầu tư xây dựng mở rộng nhà kho lên 10.000m2 để thu mua thanh long của người dân ở huyện Châu Thành. Thời gian qua, từ sự liên kết với HTX và nông dân nên Cty luôn cố gắng thực hiện tốt lời hứa, cam kết của mình. Đầu tháng 8/2021, dù đầu ra tiêu thụ thanh long gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 nhưng Cty vẫn bảo đảm thu mua 1.000 tấn.

Hình thức liên kết sản xuất trên địa bàn tỉnh rõ nhất là qua xây dựng cánh đồng lớn trên cây lúa. Vụ Đông Xuân 2020-2021, DN và HTX triển khai, thực hiện được 223 lượt cánh đồng với diện tích gần 19.000ha, với hơn 9.900 hộ tham gia. Kết quả, có 23 DN thu mua hơn 10.700ha, trong đó, 13 DN thu mua và HTX đăng ký hợp đồng bao tiêu gần 4.200ha; 10 DN và HTX vừa cung ứng đầu vào và thu mua sản phẩm hơn 6.500ha.

Hiện các DN thực hiện liên kết xây dựng cánh đồng lớn với các phương thức đầu tư đồng bộ đầu vào (giống lúa xác nhận, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật chăm sóc) và thu mua sản phẩm. Thu mua sản phẩm, DN trực tiếp hợp đồng với hộ nông dân hoặc DN thực hiện liên kết với HTX, tổ hợp tác (tổ chức đại diện nông dân).

Liên kết để thực hiện cánh đồng lớn giúp giảm chi phí đầu tư, nông dân được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, được cung ứng vật tư đầu vào kịp thời, giá cả hợp lý, sản phẩm làm ra được bao tiêu, tránh được tình trạng cò lái ép giá. Mặt khác, thông qua thực hiện cánh đồng lớn đã xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, gắn sản xuất với thị trường. Ông Nguyễn Văn Tiến, ngụ xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng, cho biết: “Lợi nhuận trong cánh đồng lớn cao hơn diện tích bên ngoài từ 2-3 triệu đồng/ha”.

Cần sự liên kết chặt chẽ, bền vững

Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi - Lê Hồng Sơn cho biết: “Thời gian qua, việc liên kết trên địa bàn tỉnh vẫn còn bất cập, chưa bền vững. Đó là tình trạng phá vỡ hợp đồng; sự kết nối giữa DN thu mua, HTX và nông dân vẫn còn rời rạc, hiện tượng cò phá giá, không tuân thủ theo quy trình sản xuất và đặt hàng của Cty”.

Huyện Châu Thành hiện có hơn 9.000ha thanh long nhưng diện tích được doanh nghiệp bao tiêu rất ít

Ngoài ra, năng lực quản lý, điều hành của nhiều HTX nhìn chung còn yếu, thiếu vốn dẫn đến hoạt động cầm chừng. Có những HTX hoạt động còn đơn điệu, chủ yếu là cung ứng dịch vụ đầu vào, thiếu liên kết tiêu thụ đầu ra, tham gia vào chuỗi liên kết giá trị không nhiều.

Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Nguyễn Văn Khải thông tin: Toàn huyện có hơn 9.000ha thanh long, mỗi năm cho sản lượng trái 294.000 tấn. Những năm qua, ở huyện cũng có một số HTX thanh long ra đời, hoạt động và tạo được những chuyển biến góp phần thay đổi phương thức sản xuất theo quy trình, nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, nhiều HTX hiện còn yếu về nhân lực, điều hành, hoạt động chưa vào nề nếp nên cần củng cố lại; một số HTX tìm được đầu ra tiêu thụ sản phẩm nhưng chưa nhiều,...

Ông Nguyễn Văn Long, ngụ xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa, cho rằng, số DN đến địa phương để liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản còn ít. Do đó, nông dân không có nhiều cơ hội lựa chọn DN để tham gia. Trong khi đó, một số DN chủ yếu là giới thiệu bán sản phẩm (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật), không bao tiêu sản phẩm.

Qua tìm hiểu của phóng viên, giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có 67 DN và 9 HTX tham gia cánh đồng lớn với tổng diện tích thực hiện gần 114.000ha, tổng diện tích thu mua gần 79.000ha. Có 7 DN và 1 HTX được UBND tỉnh phê duyệt dự án, phương án cánh đồng lớn với tổng diện tích thực hiện gần 33.500ha, tổng diện tích thu mua 27.460ha. Tuy nhiên, chỉ có 2 DN và 1 HTX còn tham gia liên kết cánh đồng lớn.

“Các DN không thực hiện được liên kết do không thỏa thuận được giá với Cty và bán cho thương lái bên ngoài; Cty gặp khó khăn về vốn, không ký hợp đồng được với nông dân do nông dân không sản xuất theo đặt hàng của Cty” - ông Lê Hồng Sơn nêu lý do.

Để DN, HTX liên kết chặt chẽ, trở thành hạt nhân phát triển nền nông nghiệp, thời gian tới, tỉnh cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người dân tham gia HTX và sản xuất theo tiêu chuẩn; thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, thông tin thị trường, mời gọi, thu hút DN xây dựng vùng nguyên liệu gắn liên kết sản xuất với tiêu thụ. Đồng thời, tỉnh tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến thương mại thông qua các cuộc hội chợ, triển lãm, các hội nghị kết nối; xây dựng thương hiệu cho các nông sản hàng hóa chủ lực của địa phương.

Song song đó, tỉnh thực hiện một số mô hình HTX, trong đó có sự tham gia của DN; triển khai chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; tạo những cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và nông dân phát triển các vùng sản xuất lúa, rau, tôm chất lượng cao, chăn nuôi an toàn sinh học, theo hướng hàng hóa, tạo thương hiệu, đặc biệt là các sản phẩm OCOP.

Để doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết chặt chẽ, trở thành hạt nhân phát triển nền nông nghiệp, thời gian tới, tỉnh cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người dân tham gia hợp tác xã và sản xuất theo tiêu chuẩn; thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, thông tin thị trường, mời gọi, thu hút doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu gắn liên kết sản xuất với tiêu thụ”.

(Theo Báo Long An)

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất