, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 11/11/2021, 15:47

HTX điều organic của đồng bào thiểu số

HỒNG THỦY - MINH SÁNG
(nongnghiep.vn)
Mặc dù còn phải rất nhiều khó khăn, vốn 0 đồng, hơn 90% thành viên là đồng bào thiểu số, nhưng HTX vẫn kiên trì đi theo con đường organic.
Chăm sóc, tỉa cành điều theo quy trình organic ở vườn điều HTX Nông nghiệp Bù Gia Mập. Ảnh: MS.

Đó là HTX Nông nghiệp Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước), ngành nghề chính là trồng, chăm sóc cây điều, chế biến, xuất khẩu hạt điều theo tiêu chuẩn hữu cơ (organic).

Khát vọng điều organic của nữ giám đốc HTX

Trước khi trở thành Giám đốc HTX Nông nghiệp Bù Gia Mập, bà Trần Thị Yến (SN 1957) là cán bộ hưu trí có uy tín tại địa phương. Bà trải qua nhiều cương vị công tác như Phó Chủ tịch HĐND xã Đắk Ơ (huyện Phước Long cũ), Trưởng Ban tài chính, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Bù Gia Mập và Chủ tịch UBND xã Bù Gia Mập trước khi nghỉ hưu năm 2010.

Về hưu rồi, bà tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Bù Gia Mập. Ở mỗi cương vị, bà đều làm rất tốt, hết lòng vì người dân, đặc biệt là người nghèo và đồng báo thiểu số. Chính vì thế, bà Yến được người dân rất quý mến, tin tưởng. Đây là nhân tố quan trọng giúp HTX Nông nghiệp Bù Gia Mập đứng vững và ngày càng lớn mạnh trong vô vàn khó khăn.

Thời điểm mới ra đời, HTX có 64 thành viên, hơn 90% trong số này là đồng bào thiểu số, diện tích điều gần 300 ha, thuộc 2 xã Đắk Ơ và Bù Gia Mập. Tuy nhiên, sau một thời gian, số thành viên giảm đi chỉ còn một nửa.

Nguyên nhân một phần do các thành viên là đồng bào thiểu số, dễ bị tác động, phần khác do nhiều hộ đăng ký tham gia nhưng chưa nắm rõ quy trình, khi bắt tay vào làm đã xin rút vì sợ không theo được.

Lúc này, bà Yến lại kiên nhẫn đi thuyết phục từng người, bà phân tích, chứng minh cho họ thấy lợi ích của việc tham gia HTX, như được hỗ trợ kỹ thuật, quy trình chăm sóc, bao tiêu đầu ra với giá tốt hơn, sản phẩm hạt điều chất lượng cao… Nên cuối cùng, số thành viên lại tăng dần, hiện đã lên đến con số 181. Diện tích hiện nay đạt 794,8 ha, tăng gần gấp 3 lần so với thời điểm mới thành lập.

Chăm sóc cây điều theo quy trình organic, cây khỏe hơn, ngày càng phát triển, số lượng hạt trên cây cũng tăng lên theo thời gian. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Một khó khăn không nhỏ mà nữ giám đốc Trần Thị Yến đã vượt qua, chính là việc các thành viên HTX, là đồng bào thiểu số, thích ứng với quy trình chăm sóc vườn điều theo tiêu chuẩn organic, đòi hỏi quy trình kỹ thuật khắt khe, khác hẳn với tập quán canh tác truyền thống xưa. Một điều mà đồng bào thiểu số xưa nay còn rất lạ lẫm.

“Nhà mình ngày xưa có nhiều điều lắm. Nhưng mà thiếu ăn nên mỗi năm bán 1 ít để mua gạo. Bây giờ không bán nữa. Chị Yến bảo phải giữ để trồng điều sạch, bán giá cao, hạt điều ăn ngon hơn. Từ ngày vào HTX, năng suất điều có khi cũng không cao hơn lúc trước đâu, nhưng mà được hỗ trợ nhiều lắm, có bao nhiêu điều công ty mua hết, giá cao hơn trước, nên giờ không đói, không phải vay mượn, không bán vườn nữa, chỉ mua thêm thôi”, ông Điểu Hưng, thành viên HTX Bù Gia Mập ở thôn Đắk Á, xã Bù Gia Mập khoe.

Tập huấn cho thành viên HTX Nông nghiệp Bù Gia Mập. Ảnh: MS.

Một thành viên HTX khác là chị Thị Hoa, cũng khá vui khi chúng tôi hỏi về việc tham gia HTX. Chị kể, ngày xưa nhà cũng có mấy vườn điều, nhưng vay nợ người ta nên phải trả nợ bằng vườn. Giờ chỉ còn 2 ha thôi, cũng vào HTX lâu rồi. Ngày xưa cứ trồng lên rồi để đó, nên năng suất tùy năm. Ông trời cho nhiều thì ăn nhiều, cho ít thì ăn ít chứ có biết kỹ thuật gì.

"Từ lúc nghe chị Yến giám đốc nói vào HTX chị chỉ cách chăm sóc điều bằng kỹ thuật, lại được nhà nước hỗ trợ nữa, nên tham gia. Vào HTX điều được chăm sóc nhiều hơn, nên cây phát triển tốt, khoẻ lắm. Năng suất thì ổn định. Năm đầu tham gia HTX, 2 ha điều của gia đình thu được gần 5 tấn, cao hơn trước. Công ty mua hết, giá cao hơn 1.500 đồng/kg so với thị trường”, chị Thị Hoa hồ hởi khoe.

Còn không ít khó khăn

Nói về những khó khăn, Giám đốc HTX Trần Thị Yến tâm sự: Thực chất, lâu nay HTX hoạt động bằng tinh thần là chính, lương bổng không có, tiền mặt không có đồng nào, chỉ có gần 800 ha vườn điều quy ra thành tiền thôi.

Không có tiền mặt nên còn nhiều khó khăn trước mắt và cả trong tương lai. May mắn là mấy năm gần đây, tỉnh Bình Phước chủ trương mở rộng, phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ bền vững, nên HTX đã nhận được sự quan tâm rất lớn của tỉnh, huyện và các ban ngành. Bà con được hỗ trợ máy phun xịt, cắt cỏ, tỉa cành, máy thổi… nên rất hào hứng tham gia.

Làm theo quy trình organic, năng suất điều không tăng hơn quy trình cũ, nhưng bù lại, chất lượng, mẫu mã hạt điều cao hơn. Ảnh: Hồng Thuỷ.

“Dĩ nhiên, để phát triển, HTX cũng phải tự lực cánh sinh, nỗ lực từ từng cá nhân đến tập thể nữa. Hàng năm, HTX dành khoảng 1 tỷ đồng để ứng cho các xã viên mượn đầu tư. Người 5 - 10 triệu, có người 2 chục triệu để họ có kinh phí trang trải chăm sóc vườn. Dịp Tết Nguyên đán, HTX đều mua quà cho các xã viên, góp phần gắn kết các thành viên”, bà Yến nói.

Sản xuất điều sạch phải thực hiện nghiêm ngặt theo quy trình, từ khâu dọn vườn, cắt tỉa, bón phân, chăm sóc. Không phun xịt thuốc cỏ, thuốc trừ sâu, không đốt lá... Tóm lại là không sử dụng hoá chất, chỉ dùng các chế phẩm vi sinh nằm trong danh mục cho phép.

Hằng năm, đều có các chuyên gia nước ngoài, đơn vị chức năng, doanh nghiệp đến kiểm tra, giám sát và lấy mẫu đất, nước, hạt điều ở một vườn điều bất kỳ để phân tích, kiểm tra và có những khuyến cáo cụ thể nếu có tiêu chuẩn chưa đạt.

Sau khi thu hoạch, sẽ có hội đồng thẩm định, đánh giá chất lượng hạt. Bà Yến cho biết, có một thuận lợi nho nhỏ của HTX là đa số đồng bào trước nay vẫn trồng điều theo kiểu chờ thời, được bao nhiêu hay bấy nhiêu, không dùng hoặc rất ít dùng hoá chất, thuốc trừ sâu, nên khi tham gia HTX, nhiều vườn điều có nền thổ nhưỡng khá “hiền”, không bị nhiễm dư lượng các loại hoá chất.

Không chỉ có chất lượng cao hơn, mà giá hạt điều organic cũng cao hơn. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Nói về diện tích điều được công nhận organic, bà Yến cho biết, hiện nay, tổng diện tích điều chăm sóc theo quy trình organic của HTX là 794,8 ha. Nếu toàn bộ diện tích tập trung thành 1 cánh đồng thì việc chăm sóc theo quy trình dễ dàng hơn nhiều. Đằng này, diện tích phân tán nhiều nơi, mỗi hộ vài ha, xen giữa các vườn chăm sóc theo quy trình, lại có những vườn không theo của những hộ chưa tham gia HTX, kiểu "da báo", nên cũng bị ảnh hưởng.

“Vì thế mỗi năm HTX đều phải đánh giá lại về tiêu chuẩn organic. Năm trước được hơn 200 ha, năm vừa rồi diện tích đạt chuẩn organic được hơn 500 ha. Còn năm nay, do dịch bệnh Covid-19 nên chưa đánh giá được. Mỗi lần đánh giá là hồi hộp, tim gan muốn rớt hết ra ngoài, vì quy trình thực hiện rất vất vả, riêng mỗi lần nộp hồ sơ đã mất bao thời gian rồi”, bà Yến cười.

“Làm theo quy trình organic năng suất điều có cao hơn trước không?”, tôi hỏi.

Bà Yến cho biết: Năng suất sẽ không cao hơn. Nếu thời tiết thuận lợi thì 1ha có thể đạt từ 2,5 - 3,5 tấn. Ngược lại, nếu thời tiết không tốt thì có khi chỉ đạt từ 7 - 8 tạ đến 1 tấn không chừng. Tuy nhiên, làm theo quy trình organic không chỉ tính đến năng suất, mà còn có nhiều lợi ích lớn khác.

Sau thời gian lạ lẫm với quy trình chăm sóc nghiêm ngặt, nay rất nhiều hộ đồng bào thiểu số ở Bù Gia Mập đã quen và hiểu thế nào là organic. Ảnh: MS.

Ở các vườn điều trồng theo quy trình cũ, nhất là những vườn cho thuê, họ phun nhiều loại hoá chất, chất tăng trưởng, nên năng suất trước mắt cao hơn, nhưng sẽ để lại hậu quả rất lớn. Đó là vòng đời cây ngắn, chất lượng hạt thấp, ô nhiễm cho đất, cho môi trường không khí…

"Còn làm theo quy trình organic thì cây khỏe hơn, ngày càng phát triển, số lượng hạt trên cây cũng vì vậy mà tăng lên theo thời gian chứ không giảm. Mẫu mã, chất lượng hạt cao hơn, giá bán cao hơn, tốt cho sức khoẻ hơn… Nói chung rất nhiều lợi ích”, bà Yến cho biết.

“Bình Phước vốn có thế mạnh về hạt điều, nhưng lâu nay, người dân trồng điều vẫn cứ nghèo, thậm chí rất nghèo. Bởi vì họ là đồng bao thiểu số, còn nhiều hạn chế về nhận thức, tính toán, dễ tin, đa số không có tích luỹ, thường xuyên phải vay nợ, vay trước trả sau, thậm chí bị nhiều kẻ xấu lừa, gán đất, gán vườn điều.

Là người địa phương, nhiều năm gắn bó với dân, tôi thấy mình cần phải làm gì đó để góp một phần sức nhỏ, giúp họ thay đổi tư duy, tăng thu nhập từ chính những sản vật trong vườn nhà. Nghĩ đến việc thành lập HTX từ lâu, nhưng do còn đang công tác, nên mãi đến năm 2016 mới thực hiện được”, bà Trần Thị Yến, Giám đốc HTX Nông nghiệp Bù Gia Mập tâm sự.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Nền thẩm mỹ bản địa đã mách bảo kiến trúc sư tặng một “link” bay bổng cho chủ nhà, mà nhìn qua, chỉ còn cách thốt lên hai chữ bồng bềnh.

Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất