, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 26/10/2021, 06:00

Huế - vùng đất ngự y

NGUYÊN THU
Ở Việt Nam, thời các vua Nguyễn, có Thái Y viện trong hoàng cung. Đây vừa là nơi các ngự y (thầy thuốc chuyên chăm sóc sức khỏe, điều trị cho vua, hoàng tộc và quan lại trong triều) làm việc, vừa là trường đào tạo các ngự y tương lai.
Huế - vùng đất ngự y.

Sử sách nhà Nguyễn ghi lại rằng, sau khi lên ngôi vào năm 1802, vua Gia Long đã cho tổ chức ngành y để phục vụ triều đình. Tuy nhiên, cho đến thời Minh Mạng, cơ cấu bộ máy Thái Y Viện mới dần hoàn chỉnh. Một danh sách được soạn thảo để nhà vua châu phê vào tùng sự tại Thái Y viện gồm 85 thầy thuốc giỏi nhất nước.

Ngự y triều Nguyễn

Việc tuyển chọn nhân sự vào Thái Y viện cực kỳ chặt chẽ và nghiêm túc. Ban đầu là triều đình ban dụ tuyển chọn, sau đó các quan địa phương sẽ chọn và lập danh sách gửi về Bộ Lễ. Những người này sẽ được triệu về kinh đô để triều đình tổ chức sát hạch. Hội đồng sát hạch gồm có Nội Các, Cơ Mật viện, Thị vệ xứ và Thái Y viện. Trường hợp phát hiện ra chuyện lừa dối trong chuyện này thì các quan địa phương sẽ bị xử tội rất nặng, vậy nên không ai dám tiến cử thầy thuốc giả, yếu nghề và không có đạo đức.

Tổ chức của Thái Y viện cũng từ cao đến thấp. Đứng đầu là Viện sứ, tức Viện trưởng của Viện Thái y. Tiếp theo là một vị Chánh Ngự y, hai vị Phó Chánh Ngự y, hai viện Viện phán lo sổ sách ghi chép, sau đó là bậc Y chánh, Y phó, Y Sinh và một số thuộc viên. Từ bậc Y phó trở lên mới được giao nhiệm vụ chữa bệnh cho vua và hoàng cung. Cứ hai năm một lần triều đình lại tổ chức định kỳ kiểm tra sát hạch năng lực chữa bệnh của các y quan. Ai không đạt sẽ bị sa thải để tìm kiếm người giỏi hơn.

Sử sách nhà Nguyễn ghi rằng, có lần vì sơ suất mà Thái Y viện dâng thuốc có con mọt trong bát, lập tức hai Y phó dâng thuốc bị giáng xuống 4 cấp. Lần khác, Thái Y viện kê thuốc trị bệnh nhưng thấy sức khỏe không tiến triển, vua Minh Mạng xuống dụ quở trách đại thần Cơ Mật viện là Nguyễn Kim Bảng và Trương Đăng Quế. Trường hợp nếu vua uống thuốc mà vẫn trọng bệnh hoặc qua đời, các quan Ngự y sẽ trở thành trọng tội, bị tống giam. Sách Đại Nam thực lục đệ tam kỷ, cuốn 183, có chép: “Giam hai thầy thuốc là Hoàng Đức Hạ và Đặng Công Tuấn vào ngục. Khi trước, Thánh tổ Nhân hoàng đế yếu nặng, bọn Hạ chữa thuốc không công hiệu, đưa xuống đình thần bàn xét, đều nói là bọn Hạ biết mà không nói là bất trung, dám tự theo ý mình, là bất kính. Tội bất trung và bất kính không gì to bằng. Khép vào tội chém giam hậu”.

Huế - mảnh đất của ngự y xưa

Theo khảo cứu của Hội Đông y Huế, trong số 85 thầy thuốc được chọn vào Thái Y viện thời Gia Long, riêng người sinh sống ở Huế có đến 73 vị. Những làng ở Huế có nhiều thầy thuốc giỏi nhất được sung vào Thái Y viện làm việc gồm có làng An Truyền tổng Vỹ Dạ, làng Xuân Hòa tổng Kim Long và làng Vĩnh Xương tổng Vĩnh Xương. Làng An Truyền (nay thuộc xã Phú An huyện Phú Vang) có ngự y nổi danh Đoàn Văn Hòa, làm tới chức Viện sứ của Thái Y viện thời Minh Mạng. Làng Vân Dương (nay thuộc phường Xuân Phú thành phố Huế) có ngự y Nguyễn Hạnh, làm Viện sứ thời Tự Đức. Riêng làng Xuân Hòa tổng Kim Long huyện Hương Trà (nay thuộc phường Hương Long thành phố Huế) có 10 vị danh y được mời vào làm việc tại Thái Y viện thời Minh Mạng. Gồm họ Lê Quang, họ Nguyễn Hữu, họ Mai. Trong đó đặc biệt là họ Lê Quang có đến 7 người.

Lương y Lê Hữu Mạch và những học trò của ông.

Hiện nay, nhà thờ dòng họ Lê Quang ở làng Xuân Hòa (phường Hương Long thành phố Huế) vẫn còn lưu giữ bức chân dung của danh y Lê Quang Quận, thuộc đời thứ 9 của dòng họ, đã được vua Minh Mạng ban chức Y chánh Thái Y viện vào năm 1820. Một vị ngự y nổi danh khác của dòng họ Lê Quang có tên là Lê Quang Việp. Tương truyền thời vua Quang Trung, ông đã được vời vào làm việc ở Thái Y viện. Năm 1797, ông được gia phong Bảo Hòa đại phu, tước Thế Đức Bá. Đầu thời vua Gia Long, nhờ y thuật cao siêu, ông vẫn được trọng dụng và bổ làm Y phó Thái Y viện triều Nguyễn.

Nhiều nhà thờ họ của các bậc danh y, ngự y một thời hiện vẫn còn giữ nhiều tài liệu liên quan đến tiền nhân như các sắc phong của vua Nguyễn, các bài thuốc ngự dụng quí giá và cả những bài thuốc dân gian rất hiệu nghiệm.

Nghề Đông y thất truyền?

“Một thời nền Đông y không được trọng dụng đã khiến cho nhiều tài liệu quí, nhiều bài thuốc gia truyền của các dòng họ danh y cũng rơi vào quên lãng và mất mát dần. Ở Huế, những dòng họ danh y, ngự y phần lớn không có người kế nghiệp”. Lương y Thích Tuệ Tâm, Phó Chủ tịch Hội Đông Y tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng thời là Giám đốc Trung tâm Ứng dụng YHCT Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa cho biết. Theo vị lương y nổi tiếng, đồng thời cũng là một nhà sư đã theo nghề đông y gần 50 năm này, may mắn được học nghề ở nhiều vị vốn là ngự y, danh y cuối cùng của nhà Nguyễn, thì việc truyền nghề của những bậc danh y này cũng rất đặc biệt. Họ chọn người “truyền thừa” rất kỹ. Nếu không gặp ai đủ đức, đủ tâm, đủ tầm, thì dù là con cháu trong nhà, họ cũng bỏ qua. Và lặng lẽ đem theo bí kíp của mình về nơi chín suối. “Nhất thế vi y tam thế bần. Người xưa quan niệm, một người làm nghề y mà không chân chính thì ba đời sẽ bần hàn, không ngóc đầu lên được. Nên họ nhất định không truyền nghề cho người không xứng đáng”, sư Tuệ Tâm khẳng đình.

Sự “thống trị” của nền Y học hiện đại hay còn gọi là Tây y cũng khiến những thế hệ về sau không mặn mà với nghề Đông y gia truyền. Các dòng họ ngự y nổi tiếng của Huế hiện có khá nhiều con cháu theo Tây y, nhưng nghề gia truyền lại mai một thực sự. Một số dòng họ khác nếu có người nối nghề cũng rất hiếm hoi.

Mặc dù vậy, nghề Đông y trong những năm gần đây cũng có nhiều khởi sắc ở Huế. Thế hệ học trò của những danh y quá cố đang nỗ lực giữ nghề và góp phần đào tạo những thế hệ tiếp theo cho nền Y học cổ truyền vùng đất cố đô. Đó là những lương y giỏi như sư thầy Thích Tuệ Tâm, lương y Lê Hữu Mạch, lương y Lê Quý Ngưu, lương y Ngô Quý Thích... Hội Đông y tỉnh Thừa Thiên Huế ngày càng tập hợp được nhiều những lương y giỏi. Cùng với các nhà nghiên cứu ở Huế, họ đã và đang nỗ lực sưu tầm, nghiên cứu, dịch thuật từ những tư liệu chữ Hán hiếm hoi để lưu lại những bài thuốc quý cho hậu thế. Đặc biệt là những bài thuốc của các Ngự y triều Nguyễn xưa từ hệ thống châu bản của Thái Y viện triều Nguyễn. Hội cũng đang có kế hoạch ứng dụng các bài thuốc này trong công tác khám chữa bệnh của ngành Đông y địa phương. Một số bài thuốc gia truyền được chia sẻ giữa các lương y được truyền nghề. Nhiều gia đình không có người kế nghiệp nghề Y nhưng may mắn giữ được tư liệu quý cũng sẵn sàng cung cấp cho Hội.

Tại trường Đại học Y Dược Huế, ngành Y học cổ truyền cũng đã được thành lập hơn 10 năm qua, đã tuyển chọn và đào tạo được nhiều thế hệ sinh viên yêu mến ngành y học cổ truyền của dân tộc. Những bạn trẻ này còn may mắn được đến thực tập, học nghề tại các cơ sở khám chữa bệnh đông y của các thầy thuốc, lương y giỏi tại địa phương. Các lương y còn mở các lớp đào tạo nghề miễn phí cho sinh viên ngành Y học cổ truyền của trường Đại học Y Dược Huế, và những bạn trẻ muốn học nghề gia truyền để lập nghiệp.

Với những nỗ lực tích cực, ngành Đông y Huế đang phục hồi và phát triển.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất