, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 10/11/2021, 09:14

Hướng dẫn chứng nhận Halal

NGỌC HẰNG
(Văn phòng chứng nhận Halal - HCA Việt Nam)
Chứng nhận Halal là thủ tục quan trọng bậc nhất để hàng hóa Việt Nam nói chung, nông sản Việt Nam nói riêng, có thể vào được thị trường Trung Đông, nơi có các quốc gia Hồi giáo với nhiều quy định riêng khá nghiêm cẩn.
Hình minh họa.

Cần chuẩn bị gì trước khi đăng ký chứng nhận Halal?

Trước tiên, doanh nghiệp cần nắm rõ các khái niệm: Halal, Haram, nguyên liệu Halal, quy trình sản xuất được đảm bảo kiểm soát bởi Halal… 

Halal trong tiếng Arab có nghĩa là được phép. Người Hồi giáo chỉ sử dụng các sản phẩm có chứng nhận Halal. Ngược lại với Halal là Haram thì bị cấm, không được phép sử dụng. Một số loại thực phẩm được coi là Halal tự nhiên như trái cây tươi, rau củ quả tươi, thủy hải sản tươi sống, các chất vô cơ trong tự nhiên (như muối…), được người Hồi giáo sử dụng mà không cần chứng nhận Halal. 

Người Hồi giáo không sử dụng các sản phẩm không có chứng nhận Halal, vì họ không biết trong nguyên liệu hoặc quá trình chế biến có Haram hay không. Với họ, chứng nhận Halal là bằng chứng về chất lượng sản phẩm, sự tinh khiết (không bị nhiễm hoặc có thành phần là các Haram). Vì quy định khắt khe như vậy nên muốn thâm nhập thị trường Trung Đông, các doanh nghiệp phải xác định rõ: toàn bộ dây chuyền sản xuất sản phẩm Halal bắt buộc phải tách biệt với dây chuyền sản xuất sản phẩm không Halal.

Chọn lựa nguyên liệu như thế nào để đáp ứng yêu cầu Halal?

Chứng nhận Halal rất quan trọng việc truy xuất nguồn gốc thành phần nguyên liệu. Nguyên liệu phải đáp ứng các yếu tố: không có thành phần Haram (bị cấm); không có các yếu tố ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng và đảm bảo vấn đề vệ sinh thực phẩm; không sản xuất, vận chuyển, lưu trữ chung với các sản phẩm/nguyên liệu có chứa thành phần Haram; không có yếu tố nghi ngờ, chưa được làm rõ là nguyên liệu Halal hoặc Haram; không sử dụng cồn dưới mọi hình thức để cho trực tiếp vào sản phẩm… Toàn bộ các yêu cầu trên phải được làm rõ, truy xuất được qua các chứng từ hồ sơ mà doanh nghiệp cung cấp cho đoàn đánh giá. Đặc biệt, các nguyên liệu từ động vật bắt buộc phải có chứng nhận Halal.

Thiết lập và áp dụng Hệ thống đảm bảo Halal như thế nào?

Việc thiết lập Hệ thống đảm bảo Halal sẽ tương tự việc xây dựng hệ thống quản lý chất lượng khác, tuy nhiên đây là tiêu chuẩn tôn giáo nên lòng tin cực kỳ quan trọng. Doanh nghiệp cần có chính sách Halal rõ ràng, có cam kết minh bạch của lãnh đạo về việc thực hiện, áp dụng tiêu chuẩn Halal trên nguyên tắc đặt quyền lợi của người tiêu dùng nói chung và người tiêu dùng Hồi giáo nói riêng lên trên hết. Ngoài các vấn đề về kiểm soát chất cấm Haram trong quá trình sản xuất, chứng nhận Halal cực kỳ quan tâm đến hệ thống quản lý chất lượng, nếu doanh nghiệp có 1 hệ thống chất lượng bất kỳ như HACCP, ISO 22000, BRC... sẽ thuận lợi rất nhiều khi áp dụng Hệ thống đảm bảo Halal.

Cuối cùng, doanh nghiệp cần rà soát lại tổng thể và tiến hành đăng ký chứng nhận Halal. Các vấn đề cần lưu ý khi tiến hành đăng ký: chọn chương trình chứng nhận phù hợp với thị trường xuất khẩu; chọn sản phẩm đăng ký chứng nhận. Doanh nghiệp đặc biệt lưu ý Chứng nhận Halal là chứng nhận cho sản phẩm cụ thể, vì vậy, khi đăng ký cần ghi rõ tên từng sản phẩm và địa chỉ sản xuất trên hồ sơ đăng ký.

Quy trình đăng ký Chứng nhận Halal tại HCA Việt Nam

Văn phòng Chứng nhận Halal - HCA Việt Nam là tổ chức Chứng nhận Halal tại Việt Nam tiên phong trong lĩnh vực chứng nhận Halal cho các công ty xuất khẩu; tuân thủ theo Luật Shari'a/Các tiêu chuẩn Halal và tiêu chuẩn của tổ chức chứng nhận quốc tế. Là tổ chức duy nhất tại Việt Nam được công nhận quốc tế bởi: JAKIM (Malaysia), GCC Accredittation Center (GAC), ESMA (UAE), MUIS (Singapore), CICOT (Thái Lan), KFDA (Hàn Quốc) và là thành viên Hội đồng thực phẩm Halal thế giới (Word Halal Food Council).

Tại Việt Nam, HCA Việt Nam được cấp phép hoạt động bởi Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng - Bộ Khoa học Công nghệ. 

Hiện nay, thị trường các quốc gia Hồi giáo có các quy định và tiêu chuẩn khác nhau tùy theo khu vực hoặc quốc gia. Do vậy, HCA Việt Nam có 3 chương trình Chứng nhận Halal khác nhau, gồm chương trình GCC đáp ứng yêu cầu của khu vực Vùng Vịnh GCC; chương trình MUI và JAKIM đáp ứng yêu cầu của thị trường Indonesia, Malaysia và một số thị trường khác. 

Tính đến nay, Văn phòng Chứng nhận Halal đã chứng nhận cho hơn 800 doanh nghiệp tại Việt Nam, trong đó chỉ có hơn 100 doanh nghiệp đánh giá chương trình GCC.

Quy trình đăng ký Chứng nhận Halal tại HCA Việt Nam như sau:

Bước 1 - Tiếp nhận yêu cầu chứng nhận: khách hàng cung cấp thông tin theo mẫu (QF03.01, QF03.01B). 

Bước 2 - Báo giá và ký Hợp đồng chứng nhận. 

Bước 3 - Đánh giá giai đoạn 1: đánh giá qua hồ sơ và chứng từ mà doanh nghiệp cung cấp qua mail hoặc bưu điện.

Bước 4 - Đánh giá giai đoạn 2: đánh giá hiện trường. Việc này được thực hiện tại nhà máy sản xuất, thời lượng đánh giá khoảng 1 - 2 ngày.

Bước 5 - Thẩm xét hồ sơ, cấp chứng chỉ Halal: Doanh nghiệp được tiến hành sửa chữa và gửi bằng chứng hành động khắc phục cho đoàn đánh giá nếu có các lỗi không phù hợp.

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất