, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 14/10/2021, 14:00

Hướng độc giả nhí trở lại với văn học dân gian

THANH HƯƠNG
(laodong.vn)
Cuộc sống hiện đại với sự hấp dẫn từ công nghệ 4.0 khiến các bài thơ, ca dao, đồng dao dần trở nên lép vế. Tuy nhiên, một số nhà xuất bản vẫn nỗ lực phát hành và cho ra mắt nhiều ấn phẩm hay, đa dạng nhằm tạo sức hút cho độc giả nhí quan tâm trở lại với văn học dân gian.
Nhiều thể loại sách là những tuyển tập bài thơ, ca dao và đồng dao đang nhận được sự quan tâm của độc giả nhí. Ảnh: H.T

Hiếm dòng sách hay cho trẻ nhỏ

Một số đánh giá của thị trường sách Việt hiện nay cho thấy, sự đa dạng của thể loại sách văn hóa dân gian Việt Nam còn rất hạn chế. Đặc biệt dòng sách dành cho trẻ nhỏ lại càng hiếm, nhất là công nghệ hiện đại 4.0 ngày càng bùng nổ khiến văn hóa đọc lại trở nên “thu hẹp” hơn. 

Chị Phạm Thu Trang (Hà Nội) có 3 con nhỏ: 2 bé gái đang tuổi đến trường và 1 bé trai chuẩn bị vào mẫu giáo. Trước giờ đi ngủ mỗi ngày, gia đình chị Trang cố gắng tập thói quen cho các bé đọc sách. “Ngoài những sách văn học nước ngoài, tôi hướng cho các con đọc sách văn học của Việt Nam. Tuy nhiên, trên thị trường có quá nhiều loại sách, đặc biệt việc tìm những đầu sách văn học dân gian cho con đang khiến chính bậc phụ huynh chúng tôi phải bối rối” - chị Trang băn khoăn. 

Điều chị Trang mong mỏi, chính là các nhà xuất bản đầu tư vào các thể loại sách văn học dân gian, từ chất lượng nội dung cho đến hình ảnh bắt mắt, phân rõ độ tuổi nhằm giúp các bậc cha mẹ có thể tham khảo và lựa chọn nhanh chóng những loại sách phù hợp cho con trẻ.  

Trao đổi với Báo Lao Động, bà Trần Hải Ngọc - Giám đốc sản xuất Đinh Tị Books cho hay, trẻ nhỏ hiện nay chưa được chú trọng giáo dục văn hóa truyền thống, ngay chương trình học ở nhà trường cũng hiếm gặp những bài ca dao, đồng dao. Trẻ không còn có đủ thời gian và cả không gian để chơi. Các bài đồng dao cũng cứ mai một dần trong đời sống. Đó là một sự thiệt thòi của trẻ.

Nắm bắt thị hiếu của độc giả nhí, nhà xuất bản Hà Nội liên kết cùng Đinh Tị Books phát hành bộ sách “Cùng con học nói” - một tuyển tập những bài thơ, ca dao, đồng dao hay hò vè dân gian quen thuộc được chia theo từng chủ đề và làm mới về hình thức với tranh minh họa gần gũi, dễ thương, phù hợp với tâm lý trẻ nhỏ. 

Trong đó, 2 cuốn “Ca dao: Lời mẹ hát ru” và “Đồng dao: Cha giúp con mở rộng vốn từ”, bộ sách mang đậm hồn Việt bằng cách thể hiện đầy mới mẻ, hứa hẹn đưa các bạn nhỏ bước vào miền thơ ca dân gian diệu kỳ, gắn kết tình yêu văn hóa dân tộc, từ đó phát triển vốn ngôn ngữ phong phú và nuôi dưỡng tâm hồn con trẻ khi lớn lên.

Độc giả nhí sẽ được gặp lại những câu ca, lời ru quen thuộc như “Con cò bay lả bay la”, “Gió mùa thu mẹ ru con ngủ”, “Dung dăng dung dẻ”, “Kéo cưa lừa xẻ”... ngôn từ được trau chuốt hơn, biến tấu mới mẻ hơn và tranh vẽ tươi sáng, bộ sách thu hút bạn đọc không chỉ vần điệu, êm tai giúp trẻ nhỏ có thể dễ dàng tập phát âm và mở rộng vốn từ thông qua những bài ca dao, dân ca. Các ca từ này còn đúc kết trí tuệ sâu sắc của cha ông, dạy trẻ cách ứng xử nhân văn, hướng về nguồn cội, biết yêu gia đình, yêu thiên nhiên, yêu đất nước.

Ngoài ra, “Thơ cho bé học nói” - một tuyển tập chọn hơn 100 bài thơ của các tác giả trẻ hiện đang gây chú ý của độc giả nhí. Điểm chung của các thi phẩm này là ngôn từ giản dị, vần điệu nhịp nhàng, vui tươi và giàu tính giáo dục, phù hợp với những độc giả nhỏ tuổi. Nhờ đó mà trẻ sẽ được tiếp thu những lời hay, ý đẹp từ cả truyền thống và hiện đại, hình thành nên năng lực sử dụng ngôn ngữ, kích thích não bộ phát triển, tăng khả năng quan sát, liên tưởng và mở mang nhận thức cho bé. 

Truyền cảm hứng đến độc giả nhí

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, trẻ nhỏ được tiếp xúc sách từ sớm thường có khả năng giao tiếp và năng lực cảm thụ tốt, nhất là mở rộng vốn từ, khuyến khích bé tự tin giao tiếp và bồi dưỡng những tính cách tốt đẹp. Chỉ cần phụ huynh dành khoảng 30 phút mỗi ngày trò chuyện cùng con, đọc cho con nghe từng câu chuyện sẽ thấy khả năng ngôn ngữ của các bé tiến bộ rất nhanh, vốn từ được mở rộng, cách dùng từ linh hoạt hơn và thích nói chuyện nhiều hơn, hứng thú khám phá thế giới xung quanh.

Theo đánh giá của diễn giả - CEO chuỗi Nhà sách Tân Việt - Nguyễn Kim Thoa, hiện các phương tiện về công nghệ và truyền thông đại chúng hấp dẫn. Để có thể lôi kéo độc giả nhí đến với văn học dân gian trước hết cần phải tuyên truyền những giá trị tốt đẹp, nhân văn mà sách văn học mang lại, để từ đó lan tỏa thông điệp tích cực, truyền cảm hứng để độc giả nhí cảm nhận được sự hấp dẫn, giá trị. Không có lý do gì để một tác phẩm có thể tồn tại hàng trăm năm, nếu như không thực sự có giá trị đặc biệt.

Đồng quan điểm, bà Trần Hải Ngọc khẳng định thêm, sứ mệnh của những người làm sách là tạo thói quen đọc sách từ nhỏ, giúp trẻ tiếp xúc với sách thông qua các hình thức vừa đọc vừa chơi. Hiện rất nhiều nhà xuất bản, công ty sách đang nỗ lực từng bước cho ra các đầu sách hay, đa dạng. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng có những chương trình khuyến khích văn hoá đọc sẽ là những tín hiệu tích cực để tạo nên thế hệ đọc sách tương lai. 

Còn TS Chuyên gia Tâm lý - Giáo dục Nguyễn Quỳnh Mai lại nhìn nhận, ở thời công nghệ hiện đại, cha mẹ hãy là người bạn đồng hành tuyệt vời của con trong việc rèn luyện những kỹ năng cơ bản, trong đó không thể thiếu phần bổ sung kiến thức qua những trang sách. “Hãy đặt điện thoại xuống và kết nối cùng con cũng như kết nối với chính tuổi thơ của mình” - TS Nguyễn Quỳnh Mai nói.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).
Được quan tâm






Đây là sản phẩm thứ 156 ở Thái Lan và là sản phẩm đầu tiên của tỉnh Ang Thong được gắn GI, đánh dấu việc hoàn thành dự án “Mỗi tỉnh một sản phẩm đạt chỉ dẫn địa lý” của Cục Sở hữu trí tuệ Thái Lan.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất