, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 14/02/2019, 17:10

"Hương" vị của quê hương, của tết

Hương (nhang) rất đỗi thân thuộc và in sâu vào tâm trí mỗi người con đất Việt. Mỗi dịp năm hết tết đến, khói hương quện với đất trời làm nên vị của quê hương, của Tết. Bất chợt những khi đi ngang qua một nhà làm hương, tiềm thức tôi lại ùa về mùi hương nhang thoang thoảng khắp ban thờ ông bà tổ tiên mỗi dịp cúng giỗ, ngày rằm mùng một.

Ảnh: Mai Lân
Ảnh: Mai Lân

Lại nhớ thủa bé cứ đến mùa hồng xiêm, ông nội tôi hay đốt nhang trong chum để giấm chín hồng. Lũ trẻ chẳng có việc gì ngoài ngày ngày ngó vào chum vài lần sốt ruột chờ hồng đã ăn được chưa. Tôi không thể quên mùi hương thơm thật ấm áp và vui sướng dạo đó.

Những ngày cuối năm, tình cờ dừng chân ở phố Tô Tịch, tôi bất chợt như tìm lại được ký ức tuổi thơ qua mùi hương tự nhiên quen thuộc ấy. Theo khói ấm áp, thanh khiết lan trong gió, tôi đã dừng chân ở cửa tiệm Gia đình Bio. Và từ đây, hành trình khám phá về nghề làm hương thảo mộc truyền thống của tôi bắt đầu.

Khát vọng nuôi dưỡng một tinh thần khoẻ mạnh

Thật may mắn, người đưa tôi đi suốt hành trình này là chị Nguyễn Thu Trang – người sáng lập Gia đình Bio và sáng tạo dòng Hương Thảo Mộc. Làm hương vốn là nghề truyền thống trong gia đình chị.

Tuy nhiên quyết định phát triển dòng hương sạch của chị đến như một cái duyên tình cờ hơn hai năm về trước. Khơi nguồn từ một dự án bảo tồn không gian văn hoá, chị Trang bắt đầu tìm tòi, suy nghĩ về một sản phẩm kết nối giá trị truyền thống với văn hoá đương đại.

Và nghề làm hương đã gắn bó với chị chính thức từ đó. Chị chia sẻ, bảo tồn truyền thống là trách nhiệm nhưng nuôi sống một tinh thần khoẻ mạnh và thanh sạch là khát vọng lớn hơn nhiều. Không muốn đi theo lối làm hương từ mùn cưa, xơ dừa tẩm hoá chất  đang tràn lan khắp thị trường, chị Trang bắt đầu làm hương liệu từ chính cây cỏ trong vườn của mình. Từ bao bì đóng gói tới sản phẩm đều mộc mạc tự nhiên như vốn có mà không tô nhuộm nhân tạo.

Đã từng sống và làm việc một quãng tuổi trẻ ở nền văn hóa khác, chị Trang cho hay hương được sử dụng rộng rãi cho nhiều mục đích.  Rất dễ nhận thấy, hương xuất hiện từ không gian nghi lễ tôn giáo cho tới tác dụng thanh lọc không khí, thậm chí hương còn giúp tinh thần hưng phấn, thư thái, tác động vào tâm thức trong tập luyện thể chất (yoga) và thực hành thiền định.

Điều khá lý thú khi tìm hiểu “chất của hương”, các loại nhựa và tinh dầu nghiền nhuyễn thành hương còn trở thành sợi dây vô hình kết nối con người cảm được “hồn” thiên nhiên.

Nó là một trải nghiệm đem lại cảm giác thú vị có giá trị từ rất lâu đời, và ngày càng nhiều người đang nhận ra vai trò không thể thiếu của hương thảo mộc cùng với sự phổ biến tăng dần của luyện tập thiền, yoga. Các du khách nước ngoài đến Hà Nội, dừng chân trước cửa cũng tại mùi hương, họ bị mê hoặc và thuyết phục trước những sản phẩm quà tặng từ hương ở đây.

Sứ mệnh bảo tồn vẻ đẹp văn hoá tâm linh

Với người Việt,  mỗi nén hương được thắp lên là một nét đẹp thiêng liêng thể hiện văn hóa tâm linh, lòng tôn kính của mỗi cá nhân với ông bà, tổ tiên, một niềm tin bất diệt trong tín ngưỡng truyền thống. Hương khói tạo nên không gian ấm cúng, thể hiện sự gắn kết cũng như lời ước nguyện của mọi thành viên trong gia đình.

Nơi làm ra những nén hương thơm của Gia đình Bio là một gia đình nghệ nhân làm hương truyền thống qua nhiều thế hệ, nơi có làng tổ nghề hương Kinh Bắc đã tồn tại hơn 200 năm tuổi – Làng Cao Thôn (xã Bảo Khê, Hưng Yên), cách Hà Nội chừng hơn 40km.

Từ xa mọi người không khó nhận ra hình ảnh từng giàn hương nâu đỏ như trải thảm cho cả ngôi làng thật đẹp và thơ mộng. Tháng 11 và 12 âm lịch chính là thời điểm cả làng nhộn nhịp làm hương chuẩn bị cho Tết Nguyên Đán và mùa lễ hội đầu năm.

Nhà nhà từ già đến trẻ đều tất bật với các công đoạn làm hương, sẵn sàng cho chuyến hàng cuối năm. Các bài thuốc thảo mộc dùng làm nguyên liệu cho hương quện lại vương khắp các con đường, ngõ xóm.

Làm được ra que hương tưởng đơn giản nhưng không phải vậy. Nghề hương phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Từ lá nguyên liệu đến hương được se xong đều phải chờ ngày nắng thật vàng mới được đem phơi trong gió trời, hương mới khô nỏ, giữ được mùi thơm lâu, có màu đẹp mắt. Nếu nắng to một ngày hương sẽ khô, trời râm phải mất hai đến ba ngày. Vì thế quá trình làm một mẻ nhang ở đây tốn thời gian gấp hai, ba lần so với thông thường.

Để làm ra những nén hương chất lượng và có mùi hương dịu nhẹ, phảng phất lâu, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn khá vất vả, tỉ mẩn và đặc biệt chú ý đến khâu tuyển chọn nguyên liệu. Thành phần làm hương (thường gọi là vị) hoàn toàn không sử dụng hoá chất mà có nguồn gốc từ các loại thảo mộc như ngũ vị thuốc Bắc với quế chi, thảo quả, nụ tùng, đinh hương, hoa hồi.

Ngoài ra còn có cả vỏ bạch đàn, trầm, tùng bạch chỉ… tới hơn 40 loại khác nhau. Tất cả được đem xay nhỏ thành bột riêng từng loại rồi pha trộn theo công thức bí truyền của mỗi nhà để cho ra những mùi hương và màu sắc đặc trưng.

Đặc biệt, gia đình nào cũng giữ cho mình một công thức riêng nên vị hương mỗi nhà mỗi khác. Ngày xưa các cụ ông cụ bà kỹ tính, khi đã thắp quen hương của nhà nào, dù ở kẻ chợ cũng phải lặn lội tận Hưng Yên đặt cho bằng được hương Cao Thôn  để dùng dần quanh năm. Hương truyền thống được nhuộm chân, nhuộm giấy bọc từ màu bột đá tự nhiên, màu sắc rất thủ công, hồn nhiên và rực rỡ.

Que nhang truyền thống cuộn được tàn ngắn hay dài là do tre cật có đủ độ dẻo, đủ nỏ hay không, nhưng dù có dẻo đến mấy cũng không thể cuộn tàn xoắn xuýt từ chân đến ngọn, vì thị hiếu mà có thời kỳ phong trao trào thắp hương hóa chất (hương cuộn tàn) phổ biến khắp mọi nơi. Những nghệ nhân ở làng cũng muốn nhắn nhủ: thắp nén nhang thơm cốt ở cái tâm, lòng thành chứ không phải tàn hương có cuộn nhiều hay ít.

Ngày nay, tuy có sự hỗ trợ của máy móc nhưng không ít hộ gia đình vẫn lựa chọn cách làm hương truyền thống. Từ pha trộn nguyên liệu, se, nén, phơi, đóng gói đều làm bằng phương pháp thủ công để sản phẩm được đều, đẹp và chất lượng. Hương ở đây khi thắp có mùi thơm đặc trưng, nhẹ mà thanh, không sực nồng, không cay mắt nhưng lại phảng phất rất lâu.

Đến đây tôi mới biết hương cũng có nhiều loại: Từ hương xạ, hương trầm truyền thống, hương vòng, hương bài cổ đến trầm nụ vị truyền thống làm từ các bài thuốc.

Ngoài ra, ở Gia đình Bio còn có hương nụ thảo mộc từ vị hạt mùi, vị cam, quế, trần bì và vị húng tây, sả, cam-  đều là những gia vị sẵn có thu hoạch trong vườn Cỏ thơm của Gia đình Bio, được phơi khô rồi nghiền bột để làm ra những nụ trầm tinh khiết, làm sạch mát không gian.

Ngoài tình yêu với cỏ cây hoa lá, phải là một người rất tinh tế, nhạy cảm mới khéo léo thổi hồn cho một sản phẩm truyền thống. Không kể hết những nỗi vất vả, nhưng với mỗi mẻ hương được khách hàng đón nhận, chị Trang lại như được tiếp thêm niềm vui và động lực với nghề.

Một ngày ở làng hương tuy không dài nhưng đã giúp tôi nhận ra giá trị vô hạn của một làng nghề truyền thống. Chỉ có sự kiên trì bền bỉ và lòng trân trọng biết ơn, con người mới có thể tận hưởng được những hào phóng của thiên nhiên một cách bền vững.

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất