, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 29/05/2023, 06:00

Hương xưa vị cũ cần được nâng thành phẩm cấp để "gây mùi nhớ" cho thị trường

Bài: XUÂN LỘC - Tranh: HOÀNG TƯỜNG
Một buổi sáng trung tuần tháng 4, tôi được nghệ nhân Hương trà mời uống trà ướp hoa trong một chiếc túi lọc. Đó là một trải nghiệm khá mới mẻ, bởi tôi cũng như nhiều người thích uống trà, thường hoài nghi về chất lượng trà túi lọc. Nhưng loại trà túi lọc mà người nghệ nhân mời tôi thật khác biệt. Cả sắc, hương, vị của trà này không khác gì với loại trà ướp hoa được sao khô và pha bằng ấm.

Thật bất ngờ với hương vị của loại trà túi lọc này. Lâu nay, những loại trà thượng phẩm đều chỉ phát triển sản phẩm trà sấy và lên men, còn trà túi lọc chịu định kiến là trà “fast food”, trà hương liệu. Thì ra, trà túi lọc vẫn có thể cho loại trà có phẩm cấp như thế…

Nghệ nhân trà ướp hoa cổ truyền Hương trà: Hầu hết các loại trà truyền thống đều có thể làm trà túi lọc mà vẫn giữ trọn vẹn được hương sắc của trà. Điều quan trọng là trà được làm từ nguồn nguyên liệu sạch, chọn loại trà thượng phẩm chứ không phải làm từ loại trà vụn hoặc trà hương liệu. Chẳng hạn như trà ướp hoa cổ truyền, nguyên liệu đều được lựa chọn từ vùng trồng sạch, chất lượng trà và hoa tốt thì sẽ cho ra loại trà thơm ngon. Còn túi lọc chỉ là cách thức sử dụng thuận tiện hơn, chứ không làm mất đi hương sắc vốn có của trà.

Trà ướp hoa là loại trà truyền thống nhiều người làm, nguồn nguyên liệu dễ tìm, thế nhưng lại không được dùng rộng rãi như các dòng trà du nhập từ nước ngoài, tại sao vậy?

Người làm nghề trà ướp hoa thường là “cha truyền con nối” với những bí quyết gia truyền. Họ đã có thương hiệu cá nhân và thường bằng lòng với thị phần đang có chứ không dễ thay đổi tư duy sản xuất. Chính vì vậy, trà ướp hoa cổ truyền vẫn có thể tồn tại trong thị trường sôi động. Tuy nhiên, trà ướp hoa với phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún thì khó mà cạnh tranh thị phần với các loại trà ngoại nhập.

Một nguyên nhân nữa là do sự hạn chế về nguồn nguyên liệu. Cả trà và hoa đều được trồng trải dài trên khắp cả nước, nhưng lại không có sẵn nguồn nguyên liệu sạch, được trồng theo phương pháp canh tác hữu cơ. Vì vậy, muốn sản xuất trà ướp hoa số lượng lớn không dễ.

Trong rất nhiều loài hoa dùng để ướp trà thì ngâu và sen có nhiều dược tính hữu ích cho sức khỏe nhất. Hai loài hoa này thường được chăm sóc hữu cơ, không cần đến sự can thiệp của các loại thuốc hóa học. Vì vậy, hai dòng hoa này là nguồn nguyên liệu phù hợp để làm trà ướp hoa phục vụ rộng rãi cho thị trường nội địa và đưa ra thị trường quốc tế.

Có quan điểm cho rằng nghệ nhân trà ướp hoa khá bảo thủ, họ không dễ mở lòng để thay đổi phương thức sản xuất hay hợp tác với những người khác. Điều này có đúng không?

Người làm trà ướp hoa bao năm lưu giữ những bí quyết gia truyền đáng quý. Họ xem đó như là yếu tố sống còn của doanh nghiệp gia đình mình, nên muốn bảo vệ nó là điều tất nhiên. Tuy nhiên, nếu họ không thay đổi tư duy, sớm muộn gì cũng bị mai một. Thời nay, người ta không chỉ cần trà thượng hạng làm thủ công, mà còn cần mẫu mã bắt mắt, cách tiếp thị hấp dẫn và sự tiện dụng.

Trà ướp hoa, qua bàn tay của người nghệ nhân đã trở thành một món quà mang tính duy mỹ. Trà đóng gói cả năm mà nước pha ra vẫn xanh trong. Ta không nhìn thấy cánh hoa nào mà sao khi uống vẫn nghe hương hoa, ban đầu thì nghe thoang thoảng, về sau thì hương nồng nàn. Đâu đó còn phảng phất hương vị của các loại dược liệu trong thuốc Bắc. Uống ly trà đượm hương hoa kích thích mọi giác quan của người thưởng thức, kích thích cả trí tưởng tượng của ta về một miền ký ức hay một không gian quen thuộc nào đó… Qua nhiều lần pha, hương sắc của trà có thể giảm bớt, nhưng cảm xúc của người thưởng trà lại ngày càng tăng lên. Càng uống càng thấy say, càng uống càng thấy đã! Những “hương xưa vị cũ” đó, trà Việt cần thừa hưởng và phát huy, nhưng cũng cần có những thay đổi linh hoạt, để phù hợp với nhu cầu thị trường hiện đại.

Xưa nay, người ta chưa từng nghĩ đến việc thưởng thức trà phẩm cấp dưới dạng túi lọc. Định kiến này e là khó thay đổi, chị có nghĩ vậy không?

“Đường đi khó không phải vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Khó hay dễ đều tùy thuộc vào sự quyết tâm và lòng kiên nhẫn của chúng ta. Tôi đã từng biết đến định kiến về trà túi lọc như bạn nói, nhưng không e ngại nó, bởi khi thưởng thức một túi trà có hương trà thuần khiết thì người ta sẽ nhận thấy được sự khác biệt, không cần chúng ta phải giải thích quá nhiều. Vấn đề là những người có cơ duyên đến với trà thì cần phải tránh đi theo lối mòn tư duy. Mỗi người sẵn sàng dám lội ngược dòng để làm cho đúng, thì nhiều người sẽ tạo được “triều cường”, tôi tin như vậy.

Có thể nói, trà gắn liền với đạo và đời. Bởi vì mỗi tách trà gắn với những mối tương giao trong cuộc sống, từ tình bạn, tình đồng chí, đồng đội đến tình yêu đôi lứa. Mọi tình cảm đều phải trải qua những khởi thủy sơ khai, thân thiết rồi tri kỷ, càng về sau mối quan hệ càng thấm đượm nghĩa tình như tách trà càng về sau càng khiến người uống thêm thăng hoa. Trà Việt toát nên tư tưởng tinh thần nghĩa tình của người Việt. Trà ướp hoa càng mang đậm giá trị văn hóa Việt Nam. Nếu chỉ “lăng-xê” nó như nghệ thuật biểu diễn ở các hội chợ, triển lãm, thì chỉ có thể khiến người xem trầm trồ trong phút chốc chứ không tạo hiệu ứng lâu dài. Chỉ khi biến nó thành một loại trà có phẩm cấp, đưa vào công nghệ túi lọc, để vừa thuận tiện vừa đảm bảo chất lượng cho ấm trà, thì đó mới là cách để trà Việt Nam chu du khắp thế giới.

Giới trẻ ngày nay đang sống trong thời đại công nghiệp, đâu thể có thời gian “rằng - thì - là - mà” bên những ấm trà. Ngay cả những người lứa tuổi trung niên thích uống trà cũng không có đủ thời gian để ngồi gật gù bên ấm trà. Vậy thì chúng ta cần có loại trà túi lọc đủ phẩm cấp, để những người “sống nhanh” vẫn được thụ hưởng giá trị trà cổ truyền. Đấy là sự thức thời trong nghề, cũng là cách để trà ướp hoa dễ tiếp cận đến thị trường.

Tôi đồng ý là cách thức trà Việt tiếp cận với thế giới phải thay đổi. Nhưng chúng ta cũng cần phải nhìn về chất lượng trà đầu tiên. Khi xu hướng của thế giới quay trở về giá trị gốc, chú trọng sự thanh sạch tự nhiên, thì trà thủ công càng cần những chứng nhận nguồn gốc hữu cơ, organic…

Đúng vậy. Muốn có trà sạch thì phải có vùng trồng sạch và chế độ chăm sóc hữu cơ. Muốn như vậy, cần phải có sự bắt tay giữa người sản xuất với người trồng chè. Tất nhiên không thể thiếu sự tham gia của những người làm chuyên môn, là người đã trải qua thăng trầm sóng gió mà vẫn duy trì được tình yêu với nghề, dòng sản phẩm mang bản sắc văn hóa dân tộc.

Một thực tế là Trung Quốc mua trà sao khô của chúng ta với giá trên dưới 100 ngàn/kg. Sau đó, họ chế biến và bán với giá cao hơn gấp mười lần. Vô hình trung, nông dân của mình quanh năm “cổ cày vai bừa”, làm giàu cho họ. Tệ hơn nữa, chúng ta lại đang làm hỏng giá trị gốc của trà, huỷ hoại môi trường đất vì lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Đất mẹ bao dung, luôn sẵn lòng cung cấp dưỡng chất để nuôi nhiều cây trái. Thế nhưng, bao năm qua, thứ chúng ta trả lại cho đất mẹ chỉ là tình trạng hoang hóa, tận diệt. Mà việc cải tạo thì rất vất vả, tốn kém và mất rất nhiều thời gian. Vì vậy, ngay từ lúc này, chúng ta hãy biết gìn giữ và nhân rộng những vùng đất còn sạch.

Cả thế giới đã biết đến trà đen, bạch trà, hồng trà của Trung Quốc, Đài Loan, chúng ta cố làm những sản phẩm giống như vậy thì khác gì là “hát thuê” cho họ. Thay vì như thế, mình học theo ông cha ta ngày xưa, “nhất nghệ tinh nhất thân vinh”, làm cái mình có thể làm tốt nhất. Trà Shan tuyết Việt Nam đã có tiếng lâu nay. Chúng ta phải gìn giữ và phát triển nguồn tài nguyên này. Theo đó, chúng ta vẫn khai thác trà đinh, trà nõn để làm trà thượng phẩm và tận dụng nguồn nguyên liệu thanh sạch, ngọt lành để làm nguyên liệu gốc sản xuất ra trà túi lọc chất lượng cao, trong đó có trà ướp sen và ướp hoa ngâu.

Vùng chè sạch đủ phẩm cấp đã có sẵn. Cả thế giới đang dùng trà, phương Đông đẩy mạnh văn hóa trà, phương Tây thì duy trì các thói quen uống trà đã tách các hoạt chất không tốt cho sức khỏe. Đây là cơ hội cho trà ướp hoa cổ truyền Việt Nam. Có tận dụng được cơ hội này hay không, cần phải hỏi xem chúng ta đã sẵn sàng cùng nhau trên con thuyền để ra biển lớn chưa?

Trong hành trình đưa trà Việt ra biển lớn, hẳn phải có sự tham gia của các cơ quan chức năng?

Đúng vậy. Lâu nay, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nhờ đó mà nền nông nghiệp nước nhà được hỗ trợ, tiếp sức cả về nguồn lực nhân sự, kỹ thuật lẫn tài chính. Nhưng những vấn đề tồn đọng từ nhiều thế hệ không thể tháo gỡ và khắc phục được nếu không có sự liên kết, phối hợp linh hoạt, đặt lợi ích vĩ mô đan xen với lợi ích vi mô. Mỗi sự thay da đổi thịt và đi lên của hộ nông dân, của khu vực, vùng miền đều góp phần làm lớn mạnh nền kinh tế nông nghiệp.

Đơn cử như trà Nghệ An, nếu được sự quan tâm của các cơ quan sẽ trở thành một sản phẩm có giá trị xuất khẩu lớn. Xứ Nghệ ngoài đất khô cằn, trời cũng không kém khắc nghiệt. Thời tiết, thiên nhiên càng khốc liệt, thì cây chè Nghệ An càng đậm đà, càng xanh, càng thơm ngon. Vì vậy, nhiều xã huyện ở Nghệ An đã có những vùng chè xanh bạt ngàn. Từ các loại chè truyền thống cho đến chè mới xây dựng thương hiệu, từ trà mạn đến trà shan tuyết... đều hấp dẫn người yêu thích thưởng trà. Đặc biệt là rừng chè shan tuyết đã trở thành cây trồng chủ lực và là cây xóa đói giảm nghèo cho hàng trăm đồng bào dân tộc Mông ở huyện miền núi biên giới Nghệ An. Chè shan tuyết ở Kỳ Sơn được trồng ở độ cao trên 2.000m so với mặt biển, nơi mây mù phủ quanh năm nên đặc biệt thơm ngon. Tôi đã đến đây và cảm thấy bất ngờ với hương sắc của loại chè này. Bao năm qua, người dân cả nước và thế giới biết chè Lâm Đồng, Hà Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang, tôi kỳ vọng chè shan tuyết xứ Nghệ sẽ được xướng tên bảng những loại chè trứ danh của Việt Nam không xa.

Trở lại vai trò của các cơ quan chủ quản đối với hành trình tương lai của trà Việt, những người làm trà như tôi luôn cảm kích sự chung tay của các cơ quan chức năng trong thời gian qua. Đã có rất nhiều cuộc tọa đàm, kết nối giao thương, bắc nhịp cầu để đơn vị phân phối và nhà sản xuất gặp gỡ và tìm kiếm đối tác phù hợp. Các hội chợ triển lãm quy mô khu vực và thế giới, sự ứng dụng khoa học tiến bộ trong truyền thông sẽ chắp cánh và san sẻ bớt gánh nặng, áp lực cho người làm nông trong việc quảng bá sản phẩm. Nhưng tôi vẫn kỳ vọng hơn nữa sự phối hợp giữa nhà nước và nhân dân, giữa các cơ quan chủ quản với nhà sản xuất để phát huy hết sức mạnh vốn có của nông nghiệp. Nếu tận dụng phát huy đúng sứ mệnh, tiềm năng, nông nghiệp sẽ là mũi nhọn để phát triển đất nước. Theo đó, trà Việt Nam sẽ không quanh quẩn ở sân nhà và không bị phụ thuộc, chi phối của người bạn láng giềng Trung Quốc.

Có thể nói, mục tiêu lớn nhất của chúng ta lúc này là tạo ra được vùng trà đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, đồng thời đảm bảo quy trình sạch từ người trồng, đến người sản xuất và người tiêu dùng. Trước khi đưa trà Việt bước ra biển lớn, thì cần có sự chuẩn bị chỉn chu từ suy nghĩ đến hành động, nhằm tạo ra được sản phẩm giá trị cao. Từ đó chúng ta sẽ có cơ hội lựa chọn nhà phân phối và đối tác phù hợp. Đó cũng là cách để có thể tạo ra kinh tế thực và bền vững cho người trồng trà Việt Nam.

Cảm ơn chị về những chia sẻ thú vị.

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất