, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 24/01/2022, 11:07

Hương xuân đại ngàn Cúc Phương

HUY BÌNH - NAM THANH
(nongnghiep.vn)
Trong không khí xuân 2022 những chiến sĩ kiểm lâm của rừng già vẫn thầm lặng với công việc gác rừng nhưng không giấu được một niềm vui khó tả.

Những ngày cuối năm, trời rét căm căm. Vườn Quốc gia Cúc Phương hiện lên mờ ảo sau màn mưa xuân đang rây lất phất. Hết ngửa cổ nhìn lên vòm xanh vời vợi trên đầu, chúng tôi lại ngây ngất nhìn con đường đang lách thỏa thích vào giữa những màu xanh đậm nhạt. Núi thẳng đứng, trùng trùng, điệp điệp, chen nhau chạy tới để ngó chúng tôi…

Thấp thoáng đằng xa, xen giữa sắc hoa của những gốc đào cổ thụ, chúng tôi đã nhận ra màu áo của những người chiến sĩ gác rừng.

Dấu mốc thiêng liêng

Trong lịch sử nhiều triệu năm hình thành và vươn tán của cánh rừng nguyên sinh thuộc hàng cổ nhất Việt Nam, Cúc Phương mỗi mùa mùa xuân sang là cây rừng có thêm một vòng tròn sinh học trong thớ gỗ, từng phiến đá tai mèo có thêm một lớp rêu phong phủ dày, từng loài động vật hoang dã có thêm thời gian để sinh sôi, nảy nở…

Cán bộ, chiến sĩ kiểm lâm Vườn Quốc gia Cúc Phương chuẩn bị cho một chuyến tuần tra bảo vệ rừng.
Cán bộ, chiến sĩ kiểm lâm Vườn Quốc gia Cúc Phương chuẩn bị cho một chuyến tuần tra bảo vệ rừng.

Còn với những người lính gác rừng, giữa đại ngàn mỗi độ xuân sang lại có những cảm xúc đặc biệt theo cách riêng. Giám đốc Vườn Quốc gia Cúc Phương Nguyễn Văn Chính tự hào: “Cách đây vừa tròn 60 năm, Cúc Phương trở thành Vườn Quốc gia đầu tiên của đất nước. Cùng với sự phát triển, lớn mạnh của ngành lâm nghiệp, từ Cúc Phương, một hệ thống Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên trên cả nước đã được hình thành, làm rường cột cho công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học của nước nhà. Thế nên, mùa xuân của năm 2022 với 61 cán bộ, chiến sĩ kiểm lâm đang làm nhiệm vụ tại đây trở thành một dấu mốc thiêng liêng đặc biệt”.

Với diện tích hơn 22.000ha, trải dài qua 4 huyện, 15 xã thuộc 3 tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Cúc Phương, bình yên trong khúc hoan ca của hàng vạn tiếng chim và muông thú. Nơi đây đang là điểm đến lý tưởng cho hơn 100 nghìn lượt khách nội địa và quốc tế mỗi năm. Nhưng khi dịch bệnh bùng phát, các giải pháp phòng, chống dịch đã được triển khai một cách đồng bộ. Cán bộ Vườn và mọi du khách đều an toàn. Các trung tâm cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã duy trì hoạt động trong chuẩn bình thường. An ninh rừng được đảm bảo. Và đặc biệt là, môi trường du lịch Cúc Phương luôn an toàn để có thể sẵn sàng đón khách trở lại.

Các loài động vật hoang dã được bảo tồn tại Vườn Quốc gia Cúc Phương.
Các loài động vật hoang dã được bảo tồn tại Vườn Quốc gia Cúc Phương.

Như đang bày tỏ với rừng già, vị giám đốc của Vườn xúc động: “Vườn quốc gia Cúc Phương vừa được tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards - WTA) khu vực châu Á - Thái Bình dương vinh danh là Vườn quốc gia hàng đầu châu Á 2021 (Asia's Leading National Park 2021). Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp Cúc Phương đạt danh hiệu này”.

Những kết quả ấy dường như làm cho không khí đón xuân của cán bộ, chiến sĩ kiểm lâm nơi đây thêm phần rạo rực với niềm vui nơi đại ngàn…

Rừng già là quê hương

Chẳng biết từ khi nào, khẩu hiệu "Rừng là nhà cũng chính là quê hương" đã in sâu vào trong tâm khảm của những người lính “gác đền xanh”. Trong giờ phút Tết cổ truyền của dân tộc đang cận kề, câu khẩu hiệu ấy càng thêm thiêng liêng, tha thiết. Nó trở thành ngọn đuốc thắp lửa trong trái tim những người con của đại ngàn. Xuân Nhâm Dần, họ lại cùng nhau đón thêm một cái Tết xa nhà!

30 năm gắn bó với rừng, 23 năm làm trạm trưởng, hàng chục lần bị thương khi tuần tra, trong đó có 2 lần “hút chết” vì bị lâm tặc chống trả và đón không dưới 20 cái Tết ở trong rừng…, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Số 1 Đỗ Tiến Dũng tự “tổng kết” quá trình công tác nơi đại ngàn. Khi chúng tôi hỏi về công việc vất vả nguy hiểm là thế, có khi nào các anh sờn lòng không? Người thủ lĩnh của trạm chắc chắn như đá núi, cây rừng: “Không em ạ”.

Gặng hỏi về những lần anh bị thương khi làm nhiệm vụ, chúng tôi chỉ nhận được những cái lắc đầu: “Khó khăn và thiệt thòi nhất phải là những người vợ ở nhà”. Nói rồi anh cho tôi xem dòng tin nhắn điện thoại mới được gửi về cho gia đình nhỏ: “Em và các con đón xuân mới ở nhà an lành, Tết này anh ở lại cùng anh em làm nhiệm vụ”.

Dòng tin nhắn chan chứa tình yêu thương ấy của người trạm trưởng khiến chúng “lặng người”, phải chăng chính cái chất trong trẻo, lành sạch của đại ngàn đã phả hơi vào tâm hồn của người chiến sĩ. Để rồi, khi gặp bất cứ tình huống “điển hình” sẽ hóa thành cách sống, thành phẩm giá người lính gác rừng.

Ở một chừng mực nào đó, có thể những cán bộ chiến sĩ kiểm lâm của Cúc Phương, tuy không cùng quê quán, khác nhau về hoàn cảnh, nhưng đã quyết định gắn bó cuộc đời mình với màu áo xanh thì họ đều vững tin rằng: Mâm cơm sum họp có thể thiếu đi một người nhưng rừng già có thêm một lá chắn bảo vệ!

Xuân mới, khí thế mới

60 năm kể từ khi trở thành Vườn Quốc gia đầu tiên của đất nước, qua biến thiên lịch sử, đại ngàn Cúc Phương hùng vĩ vẫn nguyên vẹn như vốn có. Có lẽ khi chúng ta đến với Cúc Phương lần đầu tiên được lặng nhìn dấu chân mà mình in vào lòng đại ngàn đều thổn thức suy nghĩ như vậy! Do đó, việc phát triển du lịch sinh thái gắn với hoạt động tuyên truyền giáo dục bảo vệ rừng là một trong những thế mạnh không thể không nhắc đến của Vườn.

Một cây chò ước tính có ngàn năm tuổi tại Vườn quốc gia Cúc Phương.
Một cây chò ước tính có ngàn năm tuổi tại Vườn quốc gia Cúc Phương.

Ông Đỗ Văn Lập, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Cúc Phương tự hào: “Ngoài nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, đội ngũ kiểm lâm còn tham gia tích cực vào hoạt động du lịch, tham gia dẫn đường mở tuyến tham quan, hóa thân thành một hướng dẫn viên thứ thiệt”.

Ngày hôm nay, du khách đến với Cúc Phương đều có thể đắm mình chiêm ngưỡng những tán cây muốn chiếm lĩnh trời xanh, luôn luôn vươn lên và trải rộng nhờ nhựa sống của thiên nhiên hào phóng; được tham quan những hang động lưu giữ dấu tích xa xưa của tổ tiên loài người; được tìm hiểu về công tác bảo tồn nguồn gen các loài động vật hoang dã quý hiếm, phục vụ cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại Trung tâm cứu hộ Linh trưởng nguy cấp… Để mang những trải nghiệm tuyệt vời ấy đến du khách là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm làm nhiệm vụ “giữ màu xanh cho muôn đời”.

Vườn Quốc gia Cúc Phương đón những khách du lịch đầu tiên trong năm mới.
Vườn Quốc gia Cúc Phương đón những khách du lịch đầu tiên trong năm mới.

Mỗi ngày gắn bó với đại ngàn là các anh có thêm một câu chuyện được góp nhặt, lưu trữ thành vốn liếng của mình, để rồi trở thành người hướng dẫn viên du lịch thực thụ. Những gì các anh nói, các anh làm, các anh giới thiệu cứ hồn nhiên như đời thực, dễ cảm, dễ hiểu và cũng rất dễ lan tỏa tình yêu cánh rừng đối với du khách.

Biến đổi khí hậu, thiên tai và dịch bệnh đang khiến chúng ta phải thay đổi và trân quý những giá trị bất biến từ thiên nhiên và những cánh rừng. Nhìn vào kết quả mà cán bộ, chiến sĩ kiểm lâm Vườn Quốc gia Cúc Phương đã đạt được, chúng tôi xúc động nghĩ về một tương lai không xa, Cúc Phương sẽ trở thành "Thủ đô bảo tồn", ngôi trường lớn về giáo dục bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam! Xứng đáng với niềm tin trong bức thư mà Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã trao gửi các chiến sĩ ngành lâm nghiệp: Để rừng mãi là "rừng vàng", niềm tự hào của thiên nhiên đất nước!

Từ kinh nghiệm hàng chục năm gắn bó với đại ngàn, vị Phó giám đốc Vườn quốc gia Cúc Phương chiêm nghiệm: “Không một cánh rừng nào có thể gục ngã nếu có sự chung tay gìn giữ của cả cộng đồng. Và cách mà kiểm lâm Cúc Phương giới thiệu về rừng để du khách thêm quý trọng từng tán lá xanh cũng chính là phương pháp giữ rừng hiệu quả nhất. Giữ rừng từ trong tâm thức và tình cảm của mỗi người”.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất