, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 02/02/2022, 16:00

Huyền thoại của sự hồi sinh

NHÃ UYÊN
Sự hồi sinh thể hiện qua những phong tục thường được thực hiện trong những thời khắc thiêng liêng đánh dấu sự chuyển giao giữa điều cũ - mới và sự bừng sống dậy của không gian và thời gian. “Hồi sinh” hay “phục sinh” là khái niệm xuất hiện trong nhiều nền văn hóa từ Đông sang Tây với nhiều hình thái khác nhau. Ở một số quốc gia, sự hồi sinh xuất hiện trong các câu chuyện huyền thoại với những nhân vật người hùng hoặc Đấng cứu thế quay về từ cõi chết.

Một trong những câu chuyện “hồi sinh” nổi tiếng nhất trong các nền văn hóa có lẽ là câu chuyện của Chúa Jesus. Theo niềm tin của người Kitô giáo, Chúa Jesus sau khi bị đóng đinh trên Thập tự giá đã sống lại: “Nhưng Đức Chúa Trời đã khiến Người sống lại, bứt đứt dây trói của sự chết, vì nó không thể giữ Người lại dưới quyền nó” (Phúc Âm). Theo Huấn giáo cơ bản về niềm tin của người Công giáo, “sự đau khổ và cái chết của Đức Kitô đạt được ý nghĩa trọn vẹn của nó trong sự Phục Sinh”. Đồng thời, “tất cả chúng ta được gọi để phục sinh với Đức Jesus và để sống trong sự vinh hiển của Thiên Chúa”.

Theo đó, sự phục sinh không chỉ dừng lại ở việc chứng minh về sự nhiệm màu và niềm tin tuyệt đối với Thiên Chúa, mà còn là cơ hội để con người nhìn lại bản thân và những điều tốt lẫn chưa tốt của bản thân mình, từ đó, thay đổi và hoàn thiện bản thân, bắt đầu lại một cuộc đời mới, cùng những niềm vui mới.

Không chỉ trong Kitô giáo, nhiều tôn giáo và các thần thoại khác trên thế giới đều ít nhiều nhắc đến khái niệm “phục sinh” hay “hồi sinh” này.

Theo Joseph Campbell (2020), hành trình của người hùng trong thần thoại từ Đông sang Tây, từ điểm khởi đầu đến khi kết thúc, đều trải qua nhiều dấu mốc như: các hành trình kỳ diệu, chiến đấu và chiến thắng, hoặc mất đi và phục sinh - quay về. Trong thần thoại Bắc Âu, từ cuộc đại chiến Ragnarok (hay còn gọi là “hoàng hôn của chư thần”/“ngày tận thế”), các vị thần thất bại, chết đi cùng với những hiện tượng thiên tai như núi lửa, động đất, đại hồng thủy… Chín ngày sau, những vị thần còn sống sót sau cuộc chiến trở lại Asgard và thế giới cùng loài người được tái sinh lần nữa.

Thần Shiva - biểu tượng của sự hủy diệt và tái sinh trong văn hóa Ấn Độ.

Trong thần thoại và tôn giáo ở Ấn Độ, một trong ba vị thần tối cao và quyền lực nhất trong vũ trụ là Shiva - vị thần Hủy diệt và Tái sinh. Theo Hồ Anh Thái, hình tượng Shiva được khắc họa “có con mắt thứ ba trên trán, con mắt này luôn nhắm, chỉ mở ra khi cần hủy diệt. Trên mái tóc tết lại của Shiva có nữ thần sông Hằng đang phun nước xuống và một vành trăng khuyết giắt trong tóc Shiva”. Sự kết hợp hoàn hảo giữa khả năng hủy diệt và tái sinh thể hiện rõ nét qua hình tượng con mắt thứ ba và tượng dương vật linga của thần Shiva. Những người muộn con khi vào đền làm lễ thường chạm tay vào tượng linga cầu nguyện. 

Đặc biệt, trong tiếng Ấn, sông Hằng có nghĩa là sông Tái sinh. Điều này càng nhấn mạnh sức mạnh toàn năng (Mahadeva) của thần Shiva, đó là sự biểu hiện cả hai mặt thiện - ác, cái chết - sự sống trong cùng một vị thần.

Hồi sinh - không chỉ có ý nghĩa là sự sống lại, mà còn có thể được hiểu là sự quay về, trở lại trạng thái bình thường. Đến với thần thoại Nhật Bản, ta biết đến câu chuyện về nữ thần Mặt Trời Amaterasu vì giận em trai mà đóng cửa nhốt mình trong hang đá khiến thế gian không còn ánh sáng, chết chóc và yêu ma đầy rẫy khắp nơi. Để thuyết phục Amaterasu rời khỏi hang sâu, các vị thần đã nhờ nữ thần Uzume nhảy múa khiến mọi người cười nói náo động cả một vùng trời. Nữ thần Mặt trời trong hang nghe tiếng động tò mò bước ra khỏi hang trời, và các vị thần đã căng dây thừng bện bằng rơm (shimenawa) sau lưng để nàng không trở vào hang trời được nữa. Nhờ sự xuất hiện trở lại của nữ thần, “cả Cao Thiên Nguyên lẫn vùng đất lau sậy ở giữa lại bừng sáng. Giờ thì đêm đêm mặt trời có thể lui về nghỉ một lúc - như chính sự sống cũng ngơi nghỉ, để phục hồi trong giấc ngủ, nhưng vì có shimenawa uy vệ ngăn nên nàng không còn lánh biệt vĩnh viễn nữa” (2020).

Như vậy, chỉ riêng trong thần thoại và tôn giáo, sự hồi sinh đã xuất hiện xuyên suốt và rõ nét trong hầu khắp các nền văn hóa trên thế giới. Khái niệm này cũng thể hiện một cách đậm nét trong phong tục chúc mừng năm mới của các quốc gia. Với tất cả các nền văn hóa, thời khắc giao thừa luôn là khoảnh khắc thiêng liêng. Đó là sự chuyển tiếp giữa năm cũ - năm mới, giữa điểm kết thúc - điểm bắt đầu của không chỉ thời gian mà cả của sự sống và hành trình đời người. Chính vì vậy, ở các quốc gia phương Tây, vào thời khắc chuyển giao đó, mọi người sẽ cùng nhau cất tiếng hát ca khúc Auld Lang Syne - ca khúc dân gian thể hiện sự ghi nhớ về những hồi ức quý giá trong quá khứ và cùng nhau đón chờ những điều mới mẻ ở khoảnh khắc hiện tại.

Riêng với các quốc gia châu Á như Trung Quốc và Việt Nam, Tết Nguyên đán, với ý nghĩa là “những buổi rạng đông của sự khởi đầu” là sự bắt đầu của năm, tháng và mùa. Khoảnh khắc giao thừa là sự kết thúc những điều không may mắn, những nỗi buồn của năm cũ và bắt đầu cho những niềm vui, hy vọng mới, hạnh phúc mới. Sự hồi sinh ở đây mang ý nghĩa của sự kết thúc một giai đoạn và mở ra một giai đoạn mới, một hành trình mới trong cuộc đời.

Như thế, từ quan niệm, nhận thức đến các phong tục, tập quán của các dân tộc trên thế giới, dù có sự đa dạng, độc đáo và khác biệt đến đâu, sự hồi sinh/phục sinh vẫn là một trong những điểm tương đồng đặc biệt. Có lẽ, bất kể sự khác nhau về quốc tịch, vóc dáng, màu da hay cả bản sắc, tâm thức, con người từ cổ chí kim đều có chung một nỗi cảm hoài về thời gian. Ai trong đời cũng có những nỗi đau, sự buồn khổ, những tội lỗi hay cả những điều tiếc nuối. Và chính vì thế, “phục sinh” hay “hồi sinh” - dù dưới bất cứ dáng hình hay biểu hiện nào - cũng là cơ hội và ước mơ muôn thuở của con người, để được bắt đầu một cuộc sống mới, một hành trình mới với thật nhiều hy vọng và niềm tin mới.

Năm 2021 đã qua đi với thật nhiều khó khăn và mất mát. Vậy cùng nhau, ta hãy đón năm mới 2022 trong hy vọng và niềm tin của sự hồi sinh…

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Với ưu điểm chịu hạn, dễ chăm sóc, đặc biệt giá trị tăng cao gấp nhiều lần cây lúa, cây mè được nông dân huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp canh tác như một giải pháp chống hạn trong chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất