, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 08/11/2021, 09:22

Kết luận 14 của Bộ Chính trị & tinh thần dám nghĩ, dám làm

TS NGUYỄN SĨ DŨNG
Kết luận 14 của Bộ Chính trị ban hành ngày 22/9/2021 là tấm lá chắn tin cậy bảo vệ cho những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, vì sự thịnh vượng của đất nước.

Kết luận ra đời rất kịp thời khi tâm lý đùn đẩy trách nhiệm, an phận thủ thường đang ngự trị ở không ít các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến địa phương.

Theo Kết luận, các sáng kiến nếu vì lợi ích chung thì chỉ cần không trái với Hiến pháp và Điều lệ của Đảng là đã có thể trình cấp thẩm quyền phê duyệt để có thể triển khai. Khi triển khai nếu không đạt được hoặc chỉ đạt được một phần kết quả thì vẫn được miễn truy cứu trách nhiệm. Kết luận 14 quả thực có thể mở đường cho một định hướng tư duy mới để thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo và tinh thần dám nghĩ, dám làm trong toàn bộ nền quản trị của đất nước ta. Quan trọng nhất là các tư tưởng cơ bản của Kết luận phải được cụ thể hóa trong hoạt động lập pháp của Nhà nước.

Có hai vấn đề liên quan đến lập pháp ảnh hưởng rất lớn đến sự đổi mới, sáng tạo và tinh thần dám nghĩ, dám làm của cán bộ, công chức. Một là, sự chồng chéo, sự xung đột của các văn bản pháp luật. Hai là sự lạm dụng điều chỉnh trong hoạt động xây dựng pháp luật. Rõ ràng, khi pháp luật chồng chéo và xung đột, thì cán bộ, công chức làm kiểu gì cũng sẽ sai phạm. Đơn giản là vì tuân thủ luật này, thì sẽ vi phạm luật khác. Trong bối cảnh như vậy, không làm gì cả vừa an toàn và vừa có lợi. Càng làm nhiều thì càng sai phạm nhiều. Cuối cùng, không khéo những người không làm gì cả sẽ được lên chức, những người dám quyết để thúc đẩy công việc lại bị kỷ luật, thậm chí bị tù tội.

Để khắc phục sự chồng chéo, xung đột giữa các văn bản pháp luật, chúng ta cần phải hoàn thiện quy trình lập pháp, mà trước hết là hoàn thiện kỹ thuật soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật. Hiện nay, các văn bản này đang được soạn thảo phân tán ở rất nhiều bộ ngành và phần lớn bởi những người không được đào tạo về kỹ thuật soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật. Tốt nhất là nên soạn thảo văn bản một cách tập trung. Tất cả các văn bản quy phạm pháp luật đều cần được soạn thảo bởi một cơ quan có chuyên môn sâu về công việc này. Một cơ quan như vậy có thể là Cục Soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc Bộ Tư pháp chẳng hạn. Các bộ chuyên môn chỉ tập trung nghiên cứu và thúc đẩy chính sách lập pháp. Nếu chính sách lập pháp của họ được Chính phủ phê chuẩn thì sẽ được chuyển cho Cục Soạn thảo văn bản để được soạn thảo thành văn bản quy phạm pháp luật. Làm được như vậy, không chỉ chất lượng các văn bản pháp luật sẽ được nâng cao, mà sự chồng chéo, xung đột cũng sẽ được khắc phục. 

Hai là sự lạm dụng điều chỉnh. Không biết từ bao giờ, mỗi khi đối mặt với bất cứ một vấn đề gì trong cuộc sống, chúng ta đều nghĩ rằng phải ban hành pháp luật. Đây là một lỗi rất lớn về tư duy. Bởi vì rằng tự do quan trọng hơn điều chỉnh. Tự do là một giá trị tự thân và một giá trị tuyệt đối. Điều chỉnh là một giá trị tương đối và chỉ có giá trị khi đó là một sự cần thiết. Có tự do mới dễ sáng tạo, mới dễ dám nghĩ dám làm. Điều chỉnh có thể giúp chúng ta xử lý một vấn đề nào đó, nhưng đó phải là một sự bắt buộc vì không còn lựa chọn khác. Bởi vì rằng lạm dụng điều chỉnh cũng trói chặt chân tay của chúng ta. Khi làm bất cứ một việc gì cũng phải tuân thủ 1001 các quy định chặt chẽ của pháp luật, thì cán bộ, công chức còn có thể dám nghĩ, dám làm theo cách nào được đây? 

Vì vậy, cần phải đổi mới tư duy lập pháp. Chớ nên gặp bất cứ vấn đề gì cũng nghĩ đến việc phải ban hành pháp luật để xử lý. Cách tư duy này sẽ đẻ ra vô tận xiềng xích trói chặt tất cả chúng ta, cũng như trói chặt nhiều cơ hội và tiềm năng của đất nước. Cứ nghĩ mà xem, khi đòi hỏi phải phục hồi kinh tế đang ngày càng trở nên nóng bỏng, mà hàng năm trời chúng ta vẫn không thể phê duyệt được các dự án đầu tư công, thì chúng ta có phải là thật sự đã trở thành con tin của những quy định pháp luật rối rắm và chồng chéo hay không?!

Để tránh việc lạm dụng điều chỉnh, quốc hội các nước trên thế giới đều tổ chức xem xét các dự luật một cách rất cẩn trọng qua ba lần thảo luận. Trong đó, lần thảo luận thứ nhất nhằm xem xét sự cần thiết của dự án và sự ảnh hưởng đến quyền tự do của người dân. Có lẽ Quốc hội nước ta cũng cần tổ chức một phiên thảo luận như vậy. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất