, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 18/10/2021, 16:16

"Kêu cái ẹo" là kêu thế nào?

LÊ MINH QUỐC
(nld.com.vn)
Ca dao có câu "Con cóc là cậu ông trời/ Hễ ai đánh nó thì trời đánh cho". Đã thế lại còn "gan cóc tía" - nhằm chỉ ai đó gan góc, lì lợm, không biết sợ hãi, sở dĩ có so sánh này, "Đại từ điển tiếng Việt" (1999) lý giải.

"Ví như loài cóc tía đã từng dẫn đầu đoàn thú vật lên kiện Ngọc Hoàng, làm náo động thiên cung, đòi trời làm mưa cho bằng được - theo truyền thuyết". Nghe ra có lý. Cái gan/gan cóc tía đó một khi đã quyết làm gì thì làm cho bằng được. Vậy trong trường hợp này:
"Con cóc ở giá cũng lâu
Chàng hiu đi hỏi lắc đầu không ưng".

Ở giá là ở góa/ở vá do chồng "vân du tiên cảnh" nên đành ở một mình nuôi con, không "đi bước nữa". Thế nhưng, trông vẫn còn "ngọt nước" lắm, tán tỉnh khó đây, làm thế nào cho cóc gật đầu?

"Con ếch nó ngồi sau lưng/Nó kêu cái ẹo biểu ưng cho rồi".

Đố ai có thể tìm được từ nào khác cực kỳ ấn tượng, rất Nam Bộ như "ẹo" - dù không từ điển nào giải thích trong ngữ cảnh éo le này, thí dụ: "Ẹo: vẹo, vặn nghiêng sang một bên" ("Đại từ điển tiếng Việt", 1999); "Ẹo: co cúp, muốn gãy, suy vi" ("Đại Nam quốc âm tự vị", 1895), "Ẹo: vẹo, trẹo, uốn nghiêng một bên" ("Việt Nam tự điển", 1970); "Vẹo: cong, gẫy quặp lại" ("Tự điển Việt Nam", 1971); "Ẹo: dáng đi ngả ngớn" ("Từ điển phương ngữ Nam Bộ", 1994)… Ngoài các nghĩa này, riêng "Phương ngữ Nam Bộ" (2015) còn ghi nhận thêm: "Ẹo: bắt chước tiếng kêu của con nhái". Có thật là con nhái nó kêu "ẹo"? Tôi ngờ là không, vì rằng còn có dị bản:

"Con ếch nó ngồi sau lưng/Nó kêu ộp oạm biểu ưng cho rồi".

Hoặc: "Con cóc ngồi dựa gốc bưng/Nó kêu cái quệt biểu ưng cho rồi".

Thôi thì cứ cho nó kêu "ộp oạm", kêu "quệt" đi nữa, dù dễ hiểu hơn nhưng sức mấy sánh nổi với "ẹo". Bạn nghĩ thế nào? Chứ tôi nghĩ rằng với từ "ẹo", ta dễ dàng liên tưởng tới quẹo/trẹo/vẹo/dẹo/xẹo là đã gợi lên hành động dứt khoát, mạnh mẽ diễn ra nhanh chóng khiến không ai ngờ trước. "Nó kêu cái ẹo" là kêu liền, kêu ngay tắp lự, không đôi co, không ầu ơ ví dầu, không phân tích nọ kia là nhằm nhấn mạnh vào từ "ưng". Ưng là ưng, ưng đi, chứ không bàn cãi, tính toán, so đo, do dự gì nữa sất; tóm lại là một cách nói dứt khoát của người Nam Bộ.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Ngày 16/4, rất đông người dân địa phương và du khách đổ về 2 ngôi chùa Tưk Phos và Phnom Pi (Tri Tôn, An Giang) để dự lễ tắm Phật và lễ hội té nước. Đây là lễ hội truyền thống của người Khmer vùng Tri Tôn (An Giang), nơi giáp biên giới với Campuchia, trong dịp tết Chol Thnam Chmay diễn ra từ 13-16/4.
Được quan tâm


So với thời điểm cuối năm 2023, giá gạo xuất khẩu 5% tấm giảm gần 75 USD/tấn (tương đương gần 1,9 triệu đồng/tấn), gạo 25% tấm giảm tới 84 USD/tấn.




Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất