, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 17/03/2023, 06:00

"Kêu đòi" bản sắc chợ Bến Thành trong hệ sinh thái mới

MINH TRÂM
Sáng. Tôi kêu một trái dừa lạnh, ngồi xuống chiếc ghế nhựa đối diện cửa Đông. Bàn bên cạnh là một cụ ông đỏm dáng. Ông cũng một mình một trái dừa lạnh, ngồi lặng lẽ nhìn qua cửa Đông. Trước mặt chúng tôi là một nhóm khách du lịch đang rộn rã kể nhau nghe đủ thứ trải nghiệm ở Sài Gòn. Họ chọn dùng buổi sáng cuối cùng thành phố này để ngồi cà phê vỉa hè ngay bên hông chợ Bến Thành. Nhưng suốt buổi sáng, họ không nhìn qua cửa Đông.

Có nhận ra chợ Bến Thành không?

Một đoàn khách tràn xuống quán cà phê vỉa hè. Tôi phải dời sang dùng chung bàn với ông cụ. Tôi bắt chuyện:

- Bến Thành đông khách lại rồi ha ông?

Ông cười, gật đầu: 

- Ừm, chỗ này bao giờ cũng vui. Hồi trước, 5 giờ sáng là tôi ra đây uống cà phê rồi. Hồi đó có khi còn vui hơn giờ, vì cảm giác chợ rộng ra hết mấy con đường xung quanh…

Cái ngữ “ngày ấy - bây giờ” lại gióng lên trong cuộc trò chuyện ngắn ngủi của hai vị khách xa lạ, khi họ ngồi trước Bến Thành.

Chợ Bến Thành đang có những ngày đông khách. Nhìn từ Cửa Đông, các hàng bánh kẹo đã bận bịu, náo nhiệt. Những chị gái biết tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Trung đứng hẳn ra lối đi để tiếp chuyện du khách. Phía hàng vải, hàng thực phẩm khô ở cửa Nam, hay giày dép, đồ thủ công mỹ nghệ ở cửa Tây cũng dập dìu khách khứa. Phía trước cửa Nam đã không còn cảnh xe chạy bạt mạng của những ngày còn lô cốt công trình. Đường sá được trả lại cho giao thông, cơ quan chức năng dựng hàng rào thành một tam giác lớn trước chợ, cấm xe, người đi chợ có thể thảnh thơi đi bộ, chụp hình. Cửa Nam lại ra dáng một điểm du lịch. 

Nhưng nhìn xích ra một chút khỏi tam giác cấm xe trước cửa Nam, cảm thức “ngày ấy - bây giờ” lại thức dậy. Hôm chở tôi bằng xe máy ngang khu này, bà chị 50 năm ở Sài Gòn cứ chỉ tay khắp một khu vực rộng lớn mà hỏi: “Đừng nhìn cái chợ nha, em nhìn quanh coi có nhận ra đây là khu quảng trường Quách Thị Trang - chợ Bến Thành ngày xưa không?”. Tôi “không”. Dù “ngày xưa” đó là ngày xưa nào, thì Bến Thành bây giờ cũng lạ quá.

Lô cốt của đại công trường metro đã được tháo dỡ, nhưng quảng trường Quách Thị Trang cũng không còn. Bùng binh được thay bằng một ngã tư lớn. Bên kia ngã tư, nhà ga metro đang xây dở nhưng đã lộ rõ vẻ bề thế so với khu phố lâu đời phía chợ. Trước mặt chợ Bến Thành chỉ còn thiếu cầu vượt cho một bức tranh giao thông kiểu xa lộ lạnh lùng (và chán ngắt), không giống một khu phố chợ hiền hòa, cổ kính ở nội đô, ngay trung tâm Sài Gòn. 

Vỉa hè nhìn qua cửa Đông đông đúc trở lại.

Bến Thành khác xưa làm nhiều người dáo dác. Trước Tết, cộng đồng mạng đã dấy lên những than thở về những thay đổi trước chợ Bến Thành. “Ngã tư to quá, không biết đi lối nào”. “Đi ngang chợ Bến Thành mà không thấy tượng Trần Nguyên Hãn, công trường Quách Thị Trang là thấy thiếu thiếu”. Hôm sau Tết, tôi đang ngồi ở hàng chè phía cửa Tây thì nghe chị chủ quầy dặn khách qua điện thoại:

- Đừng vòng qua Lê Lợi nha, cứ đi Phan Chu Trinh ghé cửa Tây. Giờ phía Lê Lợi nó làm ngã tư đi rối não lắm, coi chừng dzô được mà ra hổng được nha!

Đang ôn lại những sự kiện rời rạc đó khi ngồi ngắm cửa Đông, tôi quay sang hỏi cụ ông: 

- Nhưng ông có thấy chợ Bến Thành khác lắm không?

- Có khác chứ. Nhưng sáng ra vỉa hè đường Phan Bội Châu ngồi nhìn qua vẫn thấy cửa Đông là được rồi. 

Ông tên Bình, vốn là dân quận 1. Từ thời nhỏ xíu ông đã hay ra chợ Bến Thành, phụ bán cho người cô có sạp quần áo. Hơn 40 năm trước, ông sang Canada định cư. Sạp quần áo của người cô đã thay nhiều đời chủ. Hơn 3 thập niên ông không bước chân vào nhà lồng chợ Bến Thành, nhưng năm nào về nhà ông cũng ra vỉa hè này uống cà phê, nhìn về phía chợ.

- Nhiều người nói giờ ra đây họ không còn nhận ra chợ Bến Thành nữa! – Tôi nói 

- Chắc họ hờn mát đó. Chợ còn đó. Bệnh viện Sài Gòn bên kia đường cũng còn. Biệt thự chú Hỏa giờ là Bảo tàng Mỹ thuật đó. Muốn nhận thì nhận được hết. Nhưng có khi… không muốn nhận, vì khu này nhiều cái thay đổi quá, họ giận, bo xì.

Ông cười lớn như cũng nhận ra mình vừa mượn hai chữ “bo xì” của thế hệ cháu chắt.

Một ngày đông khách

Cụ ông ở Cửa Đông làm tôi bật cười khi nhớ lại buổi chiều trước đó: một bà chị Sài Gòn chở một cô em lòng vòng Bến Thành, chốc chốc, chị lại kêu em “đừng nhìn cái chợ”, “đừng nhìn Bảo tàng Mỹ thuật” “xem có nhận ra khu chợ Bến Thành không”. Đúng là một kiểu hờn mát, bo xì. Một kiểu “biết thừa đây là chợ Bến Thành rồi”, nhưng cứ tô đen cái chỉ dấu đương nhiên, để lột tả cho rõ những sai khác, đổi dời.

Thế nhưng, tình cờ, “có nhận ra Bến Thành không” láy đi láy lại đó như gọi tên một nỗi niềm đang có trong tất cả những người quan tâm đến Bến Thành lúc này. “Có nhận ra chợ Bến Thành không?” chính là câu hỏi về bản sắc của Bến Thành. Khi “che” đi khối kiến trúc nhà lồng của chợ mà hỏi “có nhận ra Bến Thành không”, lại là hỏi về bản sắc của cả một khu vực, hay đúng hơn là một lời “kêu đòi” bản sắc Bến Thành ở cả một hệ sinh thái chứ không chỉ là một chủ thể đơn lẻ.

Giữa năm 2022, trước thời điểm báo chí ở TP.HCM đồng loạt ghi nhận tình trạng xuống cấp của khu nhà lồng chợ Bến Thành, thành phố đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp hoàn chỉnh phương án cải tạo, chỉnh trang theo các hạng mục mái, nền, hệ thống điện, cấp thoát nước, đồng bộ hóa thiết kế sạp chợ… để đảm bảo điều kiện ánh sáng, vệ sinh, thông thoáng và an toàn. Khu nhà lồng chợ Bến Thành coi như đã có phương án cải tạo.

Vỉa hè đối diện cửa Tây luôn thừa sinh khí và thiếu không gian đi bộ, vì những hàng dài khách chờ đổi ngoại tệ.

Thế nhưng, khi công trường metro sắp hoàn thành, mặt bằng được trao trả, tuyến tàu điện đầu tiên của thành phố sắp đi vào hoạt động, người ta nhận ra chợ Bến Thành như một “ốc đảo thực tế” bị mắc kẹt trong cuộc lột xác của hệ sinh thái metro. Đứng từ Bến Thành nhìn ra, thấy metro đang xây và những gương mặt phố xá tân thời sao mà “sai trái”.

Đứng từ phố xá nhìn lại, lại thấy Bến Thành ì ạch, lạc thời. Vậy vấn đề không hẳn thuộc về kiến trúc của chợ Bến Thành, cũng không còn là sự an toàn, tiện nghi bên trong như mục tiêu của cuộc trùng tu sắp sửa. Mà vấn đề là sự đồng điệu, nét duyên dáng của ngôi chợ hơn 1 hecta ở một chỉnh thể vừa là trung tâm, vừa là lõi di sản thành phố. 

Trong một bài báo đăng trên tạp chí Người Đô Thị, KTS Lê Huy Vũ Nam cho rằng chợ Bến Thành đang thiếu kết nối với không gian xung quanh, và với đời sống giao thương của người Sài Gòn.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Vietravel thì “không hiểu sao cứ để chợ Bến Thành như vậy, hai bên chợ buổi tối dân kéo xe chạy ầm ầm, chợ thì to và hoành tráng trên đại lộ, nhưng nhếch nhác”... Ý kiến này được ông Quốc Kỳ chia sẻ ngay trong Hội nghị lắng nghe các đề xuất của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố do Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên và Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan chủ trì hôm 17/2/2023.

“Một người làm du lịch, một kiến trúc sư quy hoạch, một tiểu thương, một người dân “thấy thiếu thiếu” khi không thấy bùng binh Quách Thị Trang, hay một người Sài Gòn xưa thấy chợ đang “gom hết lại trong khu nhà lồng” - họ đều đang nhắc về “bản sắc Bến Thành” trong hệ sinh thái xung quanh. Đứng nhìn vào một “nan đề” quy hoạch, khi cái mới đã lô xô mọc lên, đã kịp có một đời sống riêng của nó, chợt thấy, cái “lõi” cũ xưa kia mới là thứ đang trôi tuột ra khỏi chuyển động của không gian này. Đứng từ Bến Thành nhìn ra, thấy metro đang xây và những gương mặt phố xá tân thời sao mà xa lạ. Đứng từ phố xá nhìn lại, lại thấy Bến Thành ì ạch, lạc thời. Phút chốc, chợt muốn “dọn” nhân vật chính đi cho gọn ghẽ một cuộc chỉnh trang với những “nhất quán, đồng bộ, trẻ trung, hiện đại”... 

Hôm ấy là một ngày chợ đông. Hàng nước đối diện cửa Đông cũng đông khách. Nhưng Bến Thành chỉ bán được cho hai cha con Việt kiều 2 trái dừa tươi, hai cây gãi lưng inox. Hai vị khách ngoại quốc khác thì e ngại, từ chối sự đon đả, nhiệt tình của một chủ tiệm nước địa phương. Và một nhóm khách du lịch suốt buổi sáng không một lần nhìn qua cửa Đông, cũng không ngắm nghía chợ Bến Thành.

Chưa thấy “thặng dư tinh thần” trong những giao dịch đang diễn ra ở Bến Thành, điều lẽ ra là hiển nhiên ở những điểm đến di sản. Dù là một ngôi chợ, hay là một điểm du lịch di sản, thì sự đông khách và hiệu quả kinh tế vẫn là một trong các thước đo thành công trong việc tổ chức, vận hành. Nhu cầu “đông khách hơn” đặt Bến Thành vào một cảm quan thương mại mà ở đó, chợ Bến Thành là “sản phẩm chính”, và những trải nghiệm trong hệ sinh thái xung quanh Bến Thành chính là thứ quyết định cảm quan của khách hàng về sản phẩm.

Một cây bút tốt không bao bì, với một cây bút tốt được đóng gói chỉn chu, bày bán trong không gian mua sắm văn minh sẽ tạo ra hai hình ảnh hoàn toàn khác, quy định hai loại thái độ, và hai hạn mức chi tiêu đầy cách biệt. Nhìn Bến Thành trần trụi như một sản phẩm du lịch, chợt giật mình thấy nó như một sản phẩm tốt (với lịch sử và câu chuyện của nó), nhưng được bày bán trơ trọi. Về mặt kinh tế đã thấy thiếu sót, huống hồ là ở góc độ văn hóa, di sản.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Những năm tháng ấu thơ, ở sau nhà tôi có bụi sắn dây lớn, mọc lan ra cả khoảng đất rộng, mỗi lần dỡ củ là hệt như tìm được kho báu.
Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất