, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 28/10/2021, 10:03

Khai thác phải song hành với bảo tồn nguồn lợi thủy sản

ĐỖ HƯƠNG
(baochinhphu.vn)
Để bảo tồn nguồn lợi thủy sản cần giảm số lượng tàu thuyền khai thác ven bờ. Cùng với đó cần có cơ chế lồng ghép khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản vào quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của mỗi địa phương để gia tăng giá trị của chuỗi thủy sản.
Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030 hướng tới việc phát triển thủy sản bền vững - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Đây là những góp ý được đưa ra tại hội thảo trực tuyến toàn quốc góp ý dự thảo “Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” diễn ra chiều 27/10 tại Bộ NN&PTNT.

Dự thảo hướng đến mục tiêu năm 2030 bảo đảm hoạt động khai thác hiệu quả gắn với bảo vệ, phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản và bảo tồn đa dạng sinh học; phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế.

Quy hoạch cũng hướng tới việc cơ cấu, hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, tăng chất lượng, hiệu quả; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; góp phần bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ quốc phòng an ninh trên các vùng biển, hải đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.

Cũng theo dự thảo thì tầm nhìn đến năm 2050 Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có nghề cá phát triển bền vững, hiện đại tương đương với các nước có nghề cá phát triển trong khu vực và trên thế giới; bảo tồn đa dạng sinh học với sự phong phú về nguồn gen, các loài sinh vật và hệ sinh thái trong tự nhiên. Dự thảo cũng hướng tới đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao; góp phần bảo đảm an sinh xã hội; giữ vững độc lập, chủ quyền biển đảo.

Bộ NN&PTNT nhìn nhận việc lập quy hoạch bảo về nguồn lợi thủy sản là hết sức cần thiết trong điều kiện hiện nay để bảo tồn, phục hồi phát triển nguồn lợi thủy sản. Cùng với đó, việc khai thác thủy sản cũng sẽ hiệu quả bền vững phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế, gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia và quốc phòng, an ninh trên các vùng biển, hải đảo.

Đến nay, cả nước đã quy hoạch và đưa vào hoạt động 12/16 khu bảo tồn biển, tuy nhiên diện tích vùng biển đạt tỷ lệ rất nhỏ (0,185%). Cùng với đó ngành thủy sản cũng đã ban hành danh mục 47 khu vực cấm khai thác có thời hạn, từng bước đưa khu vực bảo tồn nguồn lợi thủy sản vào hoạt động…

Ông Ngô Tất Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh góp ý về diện tích khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn được quy hoạch trong dự thảo là 620 km2, đây là diện tích gấp 4 lần diện tích khu bảo tồn biển nên đề nghị cần làm rõ về căn cứ pháp lý và cơ sở khoa học nội dung này.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế thủy sản (đơn vị tư vấn chính cho dự thảo) cho biết đây là 1 trong 4 quy hoạch của Bộ NN&PTNT để thực hiện Luật Thủy sản 2017. Qua đánh giá nguồn lợi khai thác có xu hướng giảm dần theo các giai đoạn. Giai đoạn tới sẽ đặt trọng tâm đến việc bảo tồn phát triển và đặc biệt là định hướng cho phát triển bền vững trong xu thế từng bước đi theo hội nhập quốc tế, đặc biệt là tuân thủ IUU để tổ chức khai thác đúng hướng theo nguồn lợi thủy sản sẵn có.

Ông Tùng lý giải: “Chúng tôi định hướng trước tiên là sẽ giảm dần các tàu khai thác ven bờ. Thứ hai là các nghề gây nguy hại như nghề lưới kéo cũng phải giảm dần. Tiếp thu các ý kiến của các địa phương, chúng tôi sẽ rà soát kỹ để phù hợp với nguồn lợi thủy sản của các vùng miền, của các ngư trường; dựa vào nguồn lợi tự nhiên sẵn có của các ngư trường để định hướng về số tàu, ngư cụ và đặc biệt sản lượng khai thác phù hợp với nguồn lợi sẵn có”.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, ngành thủy sản đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như diện tích bảo tồn biển chưa đạt mục tiêu đề ra; chưa kiểm soát được số lượng tàu cá phù hợp với khả năng cho phép của nguồn lợi; việc khai thác quá mức bằng các ngư cụ có tính hủy diệt; tác động của biến đổi khí hậu; ô nhiễm môi trường phát triển thủy điện, thủy lợi đã và đang ảnh hưởng đến đường di cư của loài thủy sản…

Những tác động này đã và đang làm suy giảm nghiêm trọng nguồn lợi thủy sản ở các vùng biển thủy vực nội địa và các hệ sinh thái thủy sinh. Mặt khác, ngành thủy sản Việt Nam đang bị Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo thẻ vàng về khai thác, đánh bắt bất hợp pháp; cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá chưa đồng bộ.

Luật Thủy sản năm 2017 với các điểm mới quan trọng đáp ứng yêu cầu phát triển ngành thủy sản theo hướng hội nhập hiệu quả và bền vững xu thế hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng toàn diện. Đến nay, Bộ NN&PTNT đã dự thảo các báo cáo quy hoạch để trình Thủ tướng phê duyệt.

“Khai thác với bảo tồn là 2 nội dung liên quan chặt chẽ với nhau. Từ những định hướng và giải pháp, căn cứ vào tình hình thực tế của các địa phương, đề nghị đơn vị soạn thảo phải nghiên cứu kỹ với tinh thần cầu thị để có một bản dự thảo thật sự hoàn chỉnh và sát thực tiễn. Đây chính là hành lang pháp lý và sẽ có nguồn lực để chúng ta bảo vệ phát triển nguồn lợi cũng như khai thác”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất