, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 08/06/2018, 10:54

Khai thác sen trong tương lai: Không chỉ là giá trị hữu hình

    Tại Diễn đàn kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long Mê kông Connect 2017, khi sen được chọn là 1 trong 4 tài nguyên bản địa của vùng ĐBSCL cùng gạo, cá và dừa, ông Huỳnh Kỳ Trân (Chủ tịch HĐQT Thorakao) đã nhắc đến sen như một loài hoa “thuốc” dân gian với nhiều công dụng chữa bệnh; ông Lý Ngọc Minh (TGĐ Công ty Minh Long) kể câu chuyện bông sen được vẽ trên bình gốm của thương hiệu Minh Long có giá 2.000 đô la; bà Nguyễn Phi Vân (Chuyên gia nhượng quyền thương hiệu) gợi ý khai thác sen bằng sức mạnh công nghệ theo xu hướng của thế hệ người tiêu dùng trẻ. Thế là, tương lai câu chuyện khai thác giá trị cây sen được mở ra, không chỉ gói gọn trong những giá trị vật chất của cây sen, mà đi xa hơn đến hướng khai thác thế mạnh giá trị phi vật thể vô hình về văn hóa, thẩm mỹ…của loại hoa này.

    CÂU CHUYỆN KINH TẾ

    Ngày trước, vùng Tháp Mười hoang sơ, dân cư thưa thớt, đồng ruộng nhiễm phèn ít ai canh tác. Thế mà hàng năm tới mùa lũ là mùa của sen. Có thời gian, ngành nông nghiệp chủ trương tăng diện tích trồng lúa lên 2 - 3 vụ thì đất dành cho sen giảm lại. Nhưng đến những năm 1996 – 2000, khi một số doanh nghiệp từ TPHCM đến huyện Tháp Mười thuê đất trũng, đất phèn trồng thử nghiệm giống sen Đài Loan cho kết quả tốt (năng suất rất cao, độ tinh bột nhiều, hạt tròn, ít lép và độ đồng đều cao), cộng với việc doanh nghiệp phối hợp cùng ngành chức năng cung cấp giống, hỗ trợ vốn, kỹ thuật, bao tiêu hạt sen của người dân, thì các đồng sen ở Tháp Mười phát triển khá nhanh.

Nông dân huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) thu hoạch sen. Ảnh: Tân Hưng.
Nông dân huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) thu hoạch sen. Ảnh: Tân Hưng.

    Từ việc chỉ canh tác sen lấy ngó, hoa; đài sen lấy hạt…nhiều mô hình kinh tế mới gắn với ruộng sen đã được áp dụng như: nuôi cá trong ruộng sen, và nổi bật nhất là mô hình sen – lúa, đặc biệt khai thác tốt mùa nước lũ, càng khiến cho sen “lên ngôi”.

    Diện tích sen đồng bằng tăng nhanh đã thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản, một thị trường nhập khẩu củ sen khá lớn, tới khoảng 100.000 tấn củ sen mỗi năm. Tại huyện Thạnh Phú (Bến Tre), Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bến Tre phối hợp cùng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) triển khai mô hình trồng sen lấy củ trên đất mặn. Theo đó, nông dân các xã Mỹ Hưng, Hòa Lợi, Quới Điền (huyện Thạnh Phú)... được hỗ trợ giống, kỹ thuật trồng sen. Thường chỉ sau 4 tháng trồng, cây sen được thu hoạch và được bao tiêu đầu ra với giá dao động 16.000 – 30.000 đồng/kg. Mô hình này đã tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân trồng sen nhờ lợi nhuận cao hơn trồng lúa. Theo JICA, việc thí điểm mô hình trồng sen lấy củ tại huyện Thạnh Phú thành công sẽ giúp việc mở rộng vùng chuyên canh sen lấy củ, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ rất cao của các doanh nghiệp Nhật Bản.

    VÀ CHUYỆN CỦA TƯƠNG LAI

    “Thế hệ người tiêu dùng trẻ sẽ không chỉ mua sen, sản phẩm sen mà họ mua trải nghiệm dịch vụ và sản phẩm về sen”: Bà Nguyễn Phi Vân đã nhấn mạnh xu hướng tiêu dùng tương lai hướng đến “trải nghiệm” khi áp dụng trên cây sen. Cụ thể, bà Vân kể: thay vì bán 1 gói trà từ sen nửa ký như chúng ta thường thấy, ở Hàng Châu, Trung Quốc, nếu bạn là khách du lịch, bạn sẽ chỉ tìm thấy những túi trà sen nhỏ, chỉ khoảng 1 – 2 lạng, được thiết kế rất đẹp mang hình ảnh của Hàng Châu. Khách du lịch mua rất nhiều, bởi cái họ cần không phải là túi trà nửa ký uống vài tháng chưa vơi, mà là sự trải nghiệm xem trà ở đây có gì khác biệt, và mua làm quà, thậm chí, giữ lại chiếc hộp làm kỷ niệm.

    Kinh doanh dựa trên ”trải nghiệm” về sen được mở rộng đến mô hình du lịch sinh thái, một mô hình không mới ở Đồng Tháp khi Đề án phát triển du lịch của tỉnh Đồng Tháp đã định hướng xây dựng TP Cao Lãnh trở thành “thủ phủ” của đất Sen hồng, với kiến trúc xanh và hoa Sen mang thông điệp “Đồng Tháp thuần khiết như hồn Sen” từ năm 2014. Theo đó, Đồng Sen Tháp Mười và Gò Tháp sẽ trở thành điểm du lịch trọng điểm; tập trung phát triển du lịch sinh thái, quảng bá về hoa sen và sản phẩm sen. Khu du lịch Đồng Sen ở Tháp Mười rộng hơn 11 ha, thu hút nhiều hộ nông dân tham gia làm du lịch. Dù là loại hình mới nhưng mỗi năm đã đón hàng chục ngàn lượt du khách xa gần đến thưởng ngoạn, nghỉ ngơi.

 Khu du lịch Đồng Sen ở Tháp Mười rộng hơn 11 ha, thu hút nhiều hộ nông dân tham gia làm du lịch.
Khu du lịch Đồng Sen ở Tháp Mười rộng hơn 11 ha, thu hút nhiều hộ nông dân tham gia làm du lịch.

    Đã trải nghiệm thực tế khi dẫn đoàn khách khảo sát dịch vụ du lịch sen ở Đồng Tháp vào năm 2017, ông Dương Đức Minh, giảng viên Bộ môn Du lịch của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM nhìn nhận: “Là nơi có tiềm năng phát triển cây sen, tuy nhiên, Đồng Tháp cần cải thiện về hệ thống đường sá vì tuyến đường từ TPHCM xuống Đồng Tháp và đi tới ruộng sen Tháp Mười cũng mất thời gian do đường xấu. Mặt khác, tăng cường đầu tư các dịch vụ lưu trú; tạo cánh đồng sen quanh năm để thu hút khách thay vì chỉ chọn được mùa du lịch rộ theo mùa sen nở”.

    Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho hay, tỉnh đang mở ra nhiều góc nhìn mới và nghiên cứu những ý tưởng “táo bạo” về sản phẩm sen chuyên phục vụ du lịch như xây dựng nhà sen Đồng Tháp… nhằm phát huy trọn vẹn tài nguyên bản địa và giá trị văn hóa vô giá từ cây sen.


    Theo các nhà chuyên môn, còn nhiều dư địa để đa dạng hóa sản phẩm từ sen. Hiện nay, Công ty TNHH MTV Khánh Thu (huyện Tháp Mười) đã có sản phẩm trà lá sen, bởi khi nghiên cứu cho thấy trong lá sen chứa nhiều nhất chất alkaloids và flavonoid có tác dụng phòng và điều trị cao huyết áp, xơ vữa động mạch... Vì vậy, trà lá sen có tác dụng rất tốt.

Công ty Ramsa (TP Sa Đéc) chế biến sữa hạt sen với công nghệ thủy phân tinh bột bằng enzyme được chuyển giao từ Trường Đại học Cần Thơ. Sữa sen vừa là thức uống ngon, bổ dưỡng và giúp ngủ ngon.

Công ty TNHH Nam Huy Đồng Tháp chọn đột phá từ sản phẩm hạt sen sấy xuất khẩu. Hạt sen sau khi bóc vỏ, lấy tim được hấp chín, cấp đông, chiên sấy chân không, ly tâm rồi phân loại, đóng gói. Nhờ công nghệ mới, hạt sen thành phẩm đạt độ giòn xốp cao, giữ được màu sắc, hương vị tự nhiên. Cùng với tiêu dùng nội địa, hạt sen sấy được xuất khẩu sang Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia.

 Sữa hạt sen

 Trà lá sen

 Hạt sen sấy

 

    TÂN HƯNG

 

 

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất