, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 17/04/2017, 08:43

Khai thác tiềm năng trái bưởi Việt

Vy Thư

 

bưởi
Ảnh: Thanh Thư. 

NĂM 2013, CÙNG VỚI CÁC LOẠI CÂY TRÁI THẾ MẠNH CỦA NAM BỘ, BƯỞI ĐƯỢC CHỌN LÀ MỘT TRONG 12 LOẠI CÂY ĂN TRÁI CHỦ LỰC VÙNG NAM BỘ ĐẾN NĂM 2020 THEO QUY HOẠCH ĐƯỢC BỘ NN&PTNT PHÊ DUYỆT.

BƯỞI CÓ NHIỀU GIỐNG ĐẶC SẢN, TRẢI DÀI TỪ BẮC VÀO NAM. TRONG ĐÓ, CÓ RẤT NHIỀU GIỐNG BƯỞI QUÝ, ĐƯỢC LƯU TRUYỀN LÀ CÁC GIỐNG BƯỞI NGON ĐƯỢC TIẾN VUA, NAY TRỞ THÀNH THỨC QUÀ HIẾM CỦA NHIỀU ĐỊA PHƯƠNG NHƯ BƯỞI ĐẠI MINH (YÊN BÁI), BƯỞI QUẾ DƯƠNG (HÀ NỘI), BƯỞI LUẬN VĂN (THANH HÓA)…
KHÔNG CHỈ LÀ NÉT ĐẶC SẮC DÀNH ĐỂ THU HÚT KHÁCH, LÀM GIÀU TỪ CÁC GIỐNG BƯỞI ĐẶC SẢN ĐÃ TRỞ THÀNH CÁC MÔ HÌNH LÀM KINH TẾ HIỆU QUẢ Ở NHIỀU ĐỊA PHƯƠNG.

 

Vốn quý trời cho

Cách đây hơn chục năm, bưởi Đoan Hùng, vốn là đặc sản với vỏ mỏng, tép mọng, vị ngọt thanh, chua mát, nhưng đồng thời cũng được người dân quen gọi là giống bưởi “vô sinh”, bởi sản lượng thấp. Nhiều hộ dân phải ngậm ngùi chặt đi những gốc bưởi cả trăm năm tuổi để trồng các loại cây khác. Trước tình cảnh đó, năm 2003, huyện Đoan Hùng triển khai dự án “Phục tráng 1.000 ha bưởi Đoan Hùng” trên địa bàn 16 xã, nhằm cùng người nông dân gầy dựng và bảo tồn hai giống bưởi nổi tiếng là Bằng Luân và Sửu Chí Đám, với tổng vốn đầu tư 28 tỷ đồng. Tham gia dự án, các hộ nông dân được hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng bưởi. Nhờ thâm canh đúng kỹ thuật, sử dụng phân bón hữu cơ đúng cách, cắt tỉa cành, phòng trừ sâu bệnh, bưởi bắt đầu tăng năng suất và cho quả đẹp. Sau 3 năm, bưởi Đoan Hùng đã được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận xuất xứ hàng hóa “Chỉ dẫn địa lý” cho hai sản phẩm bưởi Sửu Chí Đám và bưởi Bằng Luân. Đồng thời, hai giống bưởi này cũng trở thành tài sản quốc gia được bảo hộ vô thời hạn trên toàn quốc. Năm 2006, Sở KH&CN Phú Thọ cũng đăng ký tem nhãn với Cục Sở hữu trí tuệ để được sử dụng độc quyền trên thị trường cho sản phẩm “Bưởi Đoan Hùng”. Hiện nay, toàn huyện Đoan Hùng có diện tích 1.700ha trồng bưởi. Bình quân, với mỗi hecta, việc trồng bưởi cho thu nhập cao gấp 6 lần so với trồng lúa. Từ một loại cây trồng truyền thống, Đoan Hùng đã phát triển bưởi thành cây chủ lực, bảo vệ thương hiệu và phát triển thành mô hình kinh tế cho nông dân. Đây là một cách làm hiệu quả, vừa bảo tồn được các giống bưởi quý trứ danh, vừa giúp bà con nông dân làm kinh tế từ những thế mạnh vốn có trên mảnh đất quê hương.
Ngoài vốn quý là các giống bưởi đặc sản, Nam Bộ lại có thêm một thế mạnh so với miền Bắc là vụ trái quanh năm (miền Bắc chỉ có bưởi từ rằm Trung thu, đến khoảng sau Tết). Sản xuất trái cây rải vụ đã hình thành từ nhiều năm nay tại các tỉnh phía Nam, người nông dân Nam bộ đã làm rất tốt kỹ thuật chuyển mùa nghịch - rải vụ với hầu hết các loại cây trái như sầu riêng, xoài, cam, quýt... Không phải đợi đến mùa mới có trái, không phải lúc nào cũng cùng thời điểm thu hoạch với các nước 
trong khu vực, giá trái cây vì thế ổn định hơn.

 

Thách thức và hướng đi

Bên cạnh cảnh báo về tình trạng mặn xâm nhập và các loại sâu bệnh, hai thách thức lớn nhất của bưởi và cây ăn trái nói chung là sức cạnh tranh của sản phẩm và thị trường tiêu thụ. Sức cạnh tranh của nông sản cần được nâng cao thông qua việc đưa trái cây vào các tiêu chuẩn an toàn được thị trường thế giới công nhận. Thị trường tiêu thụ - đầu ra cần được hoàn thiện thông qua chuỗi giá trị nông sản. Tuy nhiên, cả hai vấn đề này đang gặp nhiều khúc mắc.
Với thị trường xuất khẩu, các chuẩn cây trái là bắt buộc. Tuy nhiên, ở thị trường nội địa, để đưa trái cây vào chuẩn an toàn còn rất nhập nhằng. Động lực duy nhất hiện nay là hàng rào chất lượng khi xuất khẩu. Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (IRC, Hà Nội), hiện chỉ có 132ha diện tích bưởi Da xanh được cấp chứng nhận VietGAP. Vì dù có làm GAP hay không thì trái cây bán cho thị trường trong nước không khác gì nhau. Giá trị thương mại của chuẩn an toàn gần như không có, và động lực thương mại cho doanh nghiệp theo đuổi các chuẩn này bằng không!
Trái cây đạt chuẩn có nguồn cầu cao, nhưng nguồn cung không đáp ứng được vì chuỗi liên kết giá trị nông sản hiện bị thiếu hụt một nhân tố quan trọng. Đó là doanh nghiệp. Hiện nay đã có vài doanh nghiệp lớn đứng ra bao tiêu sản phẩm, lo về thị trường, liên kết với người nông dân. Tuy nhiên, để chuỗi giá trị sản phẩm hoàn thiện, cần đến hàng nghìn những doanh nghiệp như thế!
Một đứt gãy thứ hai trong chuỗi giá trị này là vai trò yếu kém của các sở nông nghiệp địa phương và hợp tác xã (HTX). HTX là đầu mối tốt nhất để tập hợp, liên kết các nhà vườn, nhà nông. Vai trò của họ là tổ chức sản xuất đúng theo yêu cầu của doanh nghiệp mà họ liên kết. Hiện nay, gần như các doanh nghiệp phải tự làm công tác liên kết với từng nhà vườn nhỏ lẻ, trong khi thế mạnh của doanh nghiệp là thị trường, là quảng bá thương hiệu. Lấy trường hợp sản phẩm cam ở vùng Shizuoka, Nhật Bản, ông Phạm Văn Dư, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, phân tích: Cam ở đây được bán cho HTX trong vùng, doanh nghiệp muốn mua trực tiếp tại vườn của nông dân cũng không được. HTX lại liên kết với doanh nghiệp, doanh nghiệp có cơ sở để đầu tư các cơ sở vật chất như kho lạnh bảo quản. Nhờ sự liên kết chặt chẽ này mà cam ở đây không bao giờ bị rớt giá và đảm bảo được chất lượng.
Quy hoạch của Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu cho ngành hàng trái cây chủ lực Nam Bộ, đến năm 2020, 100% sản phẩm trái cây chủ lực trồng tập trung đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm, trong đó, trên 50% sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng GAP. Để làm được điều này, trước hết, các hành động thúc đẩy tạo nên các liên kết trong chuỗi giá trị nông sản và mô hình HTX hoạt động hiệu quả rất cần được nhanh chóng thực hiện nhằm nâng cao chuỗi giá trị của cây trái nói chung và ngành hàng bưởi nói riêng.

Vy Thư

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1


Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất