, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 14/05/2022, 06:00

Khánh Hòa: Phát triển du lịch nông nghiệp

ĐẶNG TUẤN
Với địa hình đa dạng gồm biển, đồng bằng, đồi núi, Khánh Hòa có nhiều tiềm năng phát triển các loại hình du lịch như biển đảo, sinh thái, cộng đồng.

Du lịch Khánh Hòa nổi tiếng vì gắn liền với biển xanh cát trắng, với đảo và vịnh biển nổi tiếng như Nha Trang, Cam Ranh, Vân Phong. Nhưng Khánh Hòa không chỉ thế.

Khách tham quan một trang trại trồng cây Xáo Tam Phân ở Khánh Hòa.

Đa dạng loại hình du lịch

Ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết chủ trương của tỉnh trong thời gian tới là phải đẩy mạnh phát triển du lịch về phía Tây Nha Trang, đánh thức tiềm năng các vùng bán sơn địa kết hợp chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp trồng cây hàng năm có giá trị kinh tế thấp sang trồng cây đặc sản, đặc hữu có giá trị kinh tế cao, đồng thời xây dựng các mô hình du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái, du lịch nông trại để tạo thêm điểm đến mới cho du lịch địa phương.

Tại Khánh Sơn, một huyện bán sơn địa của Khánh Hòa nằm giáp ranh với Lâm Đồng, sau thời gian thử nghiệm, hiện nay, người dân ở đây đang mạnh dạn phát triển diện tích trồng cây sầu riêng lên hơn 2.000 ha nhằm cung cấp sản vật phục vụ du lịch. Với địa hình đồi núi và khí hậu khá mát mẻ, Khánh Sơn đang là nơi hấp dẫn thu hút những du khách trẻ muốn trải nghiệm loại hình du lịch mới ngoài du lịch biển khi đến với Khánh Hòa. Theo ông Đinh Văn Thiệu, Khánh Sơn hoàn toàn có thể trở thành điểm đến mới của du lịch với mô hình du lịch farmstay hoặc sinh thái do địa hình, thời tiết và các vườn cây ăn trái hấp dẫn.

Theo chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, việc xây dựng các mô hình nông trại chuyên canh nuôi trồng sản vật địa phương như rong biển, hải sản đặc hữu, cây dược liệu xáo tam phân… đều là những yếu tố có thể giúp du lịch Khánh Hòa gia tăng sức hấp dẫn, làm cho du lịch cơ bản vốn chỉ chuyên nghỉ dưỡng, tắm biển sẽ có thêm điểm đến mới mẻ. Khánh Hòa đã có sẵn “nguyên liệu”, vấn đề là ngành du lịch địa phương phải tạo ra được những câu chuyện hấp dẫn gắn liền với nếp sống văn hóa đặc trưng của vùng đất này.

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Mai Thành Phụng, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cho rằng Khánh Hòa có thể đi đầu trong việc phát triển mô hình kinh tế du lịch VAC của khu vực miền Trung nếu tận dụng tốt các lợi thế của mình vì theo ông, nơi đây có khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp với nhiều loại sản vật khác nhau có giá trị cao như cây ăn trái (sầu riêng, bưởi, xoài, mít…), cây dược liệu (xáo tam phân), vườn rừng… Để mô hình du lịch mới này có thể phát triển nhanh chóng, Khánh Hòa cần sớm quy hoạch để có phương án đầu tư, phát triển vùng trồng kết hợp cải thiện hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông, điện, nước…) sẵn có và định hướng, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân làm du lịch một cách bài bản nhằm thu hút khách.

Nhiều mô hình làm du lịch trải nghiệm được du khách thích thú.

Du lịch nôn thôn ở xứ…biển

Gần đây, Khánh Hòa đã phát triển thành công nhiều mô hình du lịch nông thôn ở các xã nông nghiệp, có thể kể như Làng du lịch Nha Trang Xanh (Vĩnh Ngọc), Khu du lịch sinh thái cộng đồng Ngư Trang Thôn (Vĩnh Trung); Mô hình nông nghiệp, du lịch sinh thái - chế biến nông sản sạch như The Moshav Farm (Ninh Hòa), Kim Eco Farmstay (Diên Khánh), Dép Tổ Ong Farmstay (Diên Điền)… Những điểm đến này đang dần nổi lên như điểm check-in mới của giới trẻ cũng như du khách.

Phát huy hướng đi mới này, theo ông Lê Bá Ninh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Khánh Hòa, tỉnh đang tiếp tục chuyển đổi trên 3.200 ha đất trồng cây hàng năm và đất trồng cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng cây nông nghiệp hiệu quả kinh tế cao như sầu riêng, xoài, bưởi da xanh, mít, dừa…; từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, thâm canh như cây xoài ở huyện Cam Lâm, cây sầu riêng ở huyện Khánh Sơn, cây bưởi da xanh ở huyện Khánh Vĩnh… và quy hoạch các vùng này thành điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn. Tuy nhiên, cũng theo ông Ninh, việc phát triển du lịch nông nghiệp ở nông thôn còn gặp nhiều khó khăn do nông dân hạn chế về vốn và chưa có kỹ năng, kiến thức về du lịch. “Cần có cơ chế, chính sách phù hợp để nông dân tiếp cận được nguồn vốn và nâng cao được kỹ năng, kiến thức cần thiết cho việc đầu tư và phát triển du lịch nông nghiệp”, ông Ninh nói.

Phát triển du lịch nông nghiệp đang diễn ra sôi nổi ở các vùng sinh thái của tỉnh Khánh Hòa, các vùng đất thuần nông đang chuyển mình mạnh mẽ để làm du lịch. Tuy vậy, cũng có những trở ngại, đặc biệt là việc thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đất đai, về xây dựng. Thời gian tới, Hội Làm vườn Khánh Hòa sẽ phối hợp cùng các sở, ban, ngành liên quan như Sở NN&PTNT, Sở Công thương, Sở Du lịch hướng dẫn cho người dân xây dựng mô hình trang trại du lịch sinh thái đảm bảo các tiêu chí đề ra, đặc biệt là thực hiện đúng quy hoạch để đảm bảo phát triển bền vững, thân thiện môi trường, tránh tư tưởng “ăn xổi ở thì” khi chuyển đổi.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa, để có thể khai thác tốt những vùng đất giàu tiềm năng của địa phương, tỉnh đang chú trọng đầu tư, thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông cần thiết cho việc phát triển du lịch về phía Tây Nha Trang, Khu du lịch Bắc Bán đảo Cam Ranh và vịnh Vân Phong. Đặc biệt, tỉnh đang nỗ lực nghiên cứu chính sách hỗ trợ phát triển các loại hình du lịch ở nông thôn gắn với nông nghiệp, làng nghề truyền thống và môi trường sinh thái ở các địa phương như Nha Trang, Vạn Ninh, Ninh Hòa, Diên Khánh... trên quan điểm phát triển du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên, văn hóa và các giá trị truyền thống.

Tags

Bình luận

Xem nhiều


Bọn trẻ quê chúng tôi ngày ấy, nửa buổi đến trường, nửa buổi còn lại rủ nhau đem rổ, đem thau ra đồng nhặt ốc mang về.



Nổi bật

Ngày 16/4, rất đông người dân địa phương và du khách đổ về 2 ngôi chùa Tưk Phos và Phnom Pi (Tri Tôn, An Giang) để dự lễ tắm Phật và lễ hội té nước. Đây là lễ hội truyền thống của người Khmer vùng Tri Tôn (An Giang), nơi giáp biên giới với Campuchia, trong dịp tết Chol Thnam Chmay diễn ra từ 13-16/4.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất