, //, :: GTM+7

Khắp nơi căng mình ứng phó nạn xâm nhập mặn

NHÓM PHÓNG VIÊN
(phunuonline.com.vn)
Theo dự báo của Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, đầu tháng 3/2023, nước mặn sẽ theo triều cường xâm nhập vào nguồn nước sông, nước ngầm và đất. Ngành chức năng ở TP.HCM, các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung đều đang khẩn trương ứng phó với tình trạng này nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất.
Công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé góp phần kiểm soát mặn ở các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu… trong mùa khô - ẢNH: HUỲNH TRỌNG
Công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé góp phần kiểm soát mặn ở các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu… trong mùa khô - Ảnh: Huỳnh Trọng

Kiểm tra nước để ngăn mặn kịp thời

Anh Thái Ngọc Học (xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) cho biết, hiện nay, bà con trong xã đã xuống giống lúa được 2 tháng. Lúa đang ở thời kỳ phát triển tốt nhưng do đang mùa khô nên nông dân vẫn lo thiếu nước, lo nước bị nhiễm mặn. Ở sông Hậu, nước mặn đã bắt đầu lên. Đơn vị chức năng đang theo dõi độ mặn để kịp thời đóng cống ngăn mặn.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Trà Cú, trong vụ đông xuân 2022 - 2023, nông dân xuống giống hơn 12.600ha ruộng. Hiện lúa ở giai đoạn làm đòng hoặc trổ bông. Ở một số cống ngăn mặn của huyện như Đại An, Hàm Giang, Vàm Buôn, trong tuần đầu của tháng 2/2023, có lúc độ mặn ở phía sông lên từ 4‰ đến hơn 8‰ nên phòng đã cho đóng các cống, không cho nước mặn tràn vào bên trong.

Ông Huỳnh Văn Thảo - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trà Cú - nói: “Năm nay, nước mặn xâm nhập trễ hơn các năm trước khoảng 20 - 25 ngày. Cơ quan chuyên môn và người dân chủ động ứng phó nên chưa có thiệt hại”.

Ở vùng trồng sầu riêng huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, nông dân cũng sẵn sàng ứng phó với tình trạng hạn, mặn. Chị Lục Thị Kim Loan - ở xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy - nhớ lại: “Vào khoảng này 2 năm trước, hạn, mặn rất dữ. Chính quyền phải huy động sà lan chở nước lên cứu vườn sầu riêng. Năm nay, tình hình có vẻ “dễ thở” hơn nhờ công trình ngăn mặn đã hoạt động. Hiện tại, các vườn sầu riêng chưa bị nước mặn ảnh hưởng nhưng bà con đang theo dõi rất kỹ để ứng phó”.

Ở huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang - vùng thường xuyên bị hạn, mặn trong mùa khô - nông dân đã đồng loạt xuống giống vụ lúa đông xuân sớm hơn 2 tuần so với mọi năm để khi nước mặn tràn về thì lúa đã chín hoặc đã được thu hoạch. 

Theo Phòng NN&PTNT huyện Long Mỹ, toàn huyện sạ, cấy khoảng 18.000ha lúa vụ đông xuân, trong đó có 70ha nằm ngoài đê bao ngăn mặn. Nhờ xuống giống sớm nên lúa phát triển bình thường. Ở một số nơi, bà con đang thu hoạch với năng suất bình quân 7 tấn/ha, giá bán tại ruộng hơn 7.100 đồng/kg, trừ chi phí còn lãi 30 - 35 triệu đồng/ha. 

Các đơn vị chuyên môn đang kiểm tra độ mặn ở huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang để kịp thời ứng phó - ẢNH: HUỲNH TRỌNG
Các đơn vị chuyên môn đang kiểm tra độ mặn ở huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang để kịp thời ứng phó - Ảnh: Huỳnh Trọng

Đại diện Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam cho hay, lượng nước trong Biển Hồ (Tonle Sap) và dòng chảy đến trạm Kratie 2 yếu tố thượng lưu quan trọng ảnh hưởng đến diễn biến nguồn nước và tình trạng xâm nhập mặn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Vào giữa tháng 2/2023, mực nước ở trạm Kratie là 7,58m, cao hơn mực nước trung bình nhiều năm từ 0,30m đến 0,91m; còn dung tích nước tại Biển Hồ khoảng 5,07 tỉ m3, cao hơn dung tích trung bình nhiều năm từ 0,4 tỉ m3 đến 2,95 tỉ m3. Giữa tháng 2/2023, mực nước ở trạm Tân Châu và Châu Đốc lần lượt là 1,2m và 1,35m, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái 0,15m, nhưng cao hơn 0,03m so với mùa khô năm 2020. 

Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam khuyến cáo, từ giữa tháng 2 đến ngày 23/2, độ mặn ở các sông vùng đồng bằng sông Cửu Long có xu thế cao hơn so với tuần trước. Do đó, các địa phương cần chú ý vận hành hợp lý các công trình kiểm soát mặn, kiểm tra độ mặn trước khi lấy nước tưới cho cây trồng. Người dân cũng cần sử dụng nước tiết kiệm và tranh thủ tích ngọt khi có thể nhằm đề phòng mặn còn tiếp tục dâng cao hơn ở các kỳ triều cường giai đoạn đầu tháng 3/2023 và gần cuối tháng 3/2023.

Chi hàng trăm tỉ đồng để chống mặn

Tình trạng xâm nhập mặn thường diễn ra vào vụ hè thu ở các xã Phú Đa, Phú Diên, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế khiến ruộng bị bỏ hoang. 

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế, Phú Vang là huyện có diện tích đất nông nghiệp bị nhiễm mặn và thiếu nước lớn nhất tỉnh, riêng vụ hè thu có hơn 1.156ha không chủ động được nguồn nước tưới.
 

Nhờ chủ động ứng phó nên đến nay, nông dân huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre vẫn có đủ  nguồn nước ngọt để tưới cho các vườn cây giống - ẢNH: HUỲNH TRỌNG
Nhờ chủ động ứng phó nên đến nay, nông dân huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre vẫn có đủ nguồn nước ngọt để tưới cho các vườn cây giống - Ảnh: Huỳnh Trọng

Ông Hoàng Trọng Đoài - Chủ tịch UBND xã Phú Diên, huyện Phú Vang - cho biết, toàn xã có hơn 180ha ruộng nhưng cứ đến vụ hè thu, lại có khoảng 40ha không sản xuất được do bị nhiễm mặn. Ông Đặng Văn Sỹ - Chủ tịch UBND thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang - thông tin, nhiều năm nay, hơn 150ha trồng lúa ở 2 thôn Lương Viện, Viễn Trình bị thiếu nước, phải bỏ hoang.

Vùng ven phá Tam Giang thường bị mặn xâm nhập vào mùa khô. Do đó, bắt đầu từ tháng Ba hằng năm, ngành nông nghiệp huyện Quảng Điền phải tổ chức nạo vét hói Bến Trâu để dẫn nước về trạm bơm Tây Hưng 2 để cấp nước cho 192ha lúa ở các xã Quảng Thái, Quảng Lợi, Quảng Công và Quảng Ngạn. Dù vậy, tình trạng xâm nhập mặn và hạn hán khiến nông dân xã Quảng Lợi phải bỏ hoang 65ha đất nông nghiệp vào mùa hè. 

Theo ông Lê Ngọc Bảo - Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền - ngay từ đầu năm 2023, UBND huyện đã vận động nông dân chuyển đổi 127,8ha trồng lúa sang trồng rau màu, trồng sen, nuôi thủy sản. UBND huyện cũng chỉ đạo nạo vét, vớt bèo để khơi thông dòng chảy nhiều tuyến kênh mương nội đồng để có đủ nước đầu vụ hè thu. Đầu năm 2023, UBND tỉnh đã chi 75 tỉ đồng để nâng cấp các công trình chống mặn.

Còn theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng, tình trạng sạt lở bờ sông Quảng Huế (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) gây nguy cơ làm thấp mực nước trên sông Yên ở trạm bơm phòng mặn An Trạch, đe dọa nguồn cấp nước của thành phố trong mùa khô năm 2023. 

UBND TP Đà Nẵng đã yêu cầu các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất các phương án chống hạn, mặn, đồng thời sớm hoàn thành việc lắp đặt bổ sung đường ống dẫn nước từ đập dâng An Trạch về nhà máy nước Cầu Đỏ, nâng công suất trạm bơm phòng mặn An Trạch từ 210.000m3/ngày đêm lên 420.000m3/ngày đêm. UBND TP Đà Nẵng cũng yêu cầu sớm đưa nhà máy nước Hòa Liên (công suất 120.000m3/ngày đêm) đi vào hoạt động và đề xuất giải pháp vận hành hồ thủy điện trên thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn mùa khô năm 2023.

Sawaco nỗ lực phát triển mạng lưới cấp nước đến vùng sâu, vùng xa nhằm đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân vào mùa khô (trong ảnh: Các nhân viên lắp đặt mạng lưới cấp nước tại xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ) - ảnh: C.T.V.
Sawaco nỗ lực phát triển mạng lưới cấp nước đến vùng sâu, vùng xa nhằm đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân vào mùa khô (trong ảnh: Các nhân viên lắp đặt mạng lưới cấp nước tại xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ) - Ảnh: C.T.V.

Dự kiến đến năm 2030, ngành môi trường TP Đà Nẵng sẽ đầu tư 2 hệ thống quan trắc môi trường nước tự động, liên tục trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn với kinh phí hơn 16 tỉ đồng; xây dựng, nâng cấp, sửa chữa đập dâng An Trạch và Hà Thanh với tổng kinh phí 160 tỉ đồng.

Ông Nhâm Xuân Sỹ - Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Ngãi - cho biết, các sông trong tỉnh như Trà Khúc, Trà Bồng, Trà Câu đều có đập ngăn mặn. Tuy nhiên, do không có hồ chứa nước nên tình trạng thiếu nước vẫn thường diễn ra vào mùa khô. Để ứng phó, người dân cần thay đổi cơ cấu cây trồng.

Đảm bảo nước sinh hoạt trong mùa khô

Ở TP.HCM, lãnh đạo Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho hay, nhiệt độ trong mùa khô năm nay được dự báo nóng hơn năm 2022. Từ cuối tháng Năm trở đi, tiết trời sẽ nắng nóng và khô hạn kéo dài. Hiện tượng thời tiết này khiến nước sông cạn dần, mực nước ngầm bị tụt. 

Lãnh đạo Sawaco cho rằng, có thể có biến động về nguồn nước và gia tăng hiện tượng xâm nhập mặn trong mùa khô. Ngoài ra, dự án phát triển mạng lưới cấp nước - đặc biệt là tuyến ống truyền tải chính chưa hoàn thành - sẽ khiến một số khu vực ở huyện Bình Chánh (như thị trấn Tân Túc, các xã Tân Quý Tây, Bình Chánh, An Phú Tây, Tân Kiên, Hưng Long, Quy Đức) gặp tình trạng nước yếu. 

Nhà máy nước Tân Hiệp thường xuyên kiểm tra chất lượng nước để kịp thời có giải pháp ứng phó với hạn mặn - Ảnh: C.T.V

Cuối năm 2022, Sawaco đã có kế hoạch đảm bảo cấp nước ổn định, liên tục trong năm 2023, không để xảy ra sự cố lớn gây yếu, thiếu nước trên diện rộng hoặc ảnh hưởng đến chất lượng nước. Sawaco phối hợp với ngành điện lực nhằm đảm bảo nguồn điện cấp cho các nhà máy nước vận hành liên tục; chuẩn bị đầy đủ các vật tư, hóa chất, thiết bị dự phòng, sẵn sàng ứng phó và xử lý kịp thời khi có sự cố, đặc biệt là ở các trạm bơm, các nhà máy xử lý nước và tuyến ống truyền tải. 

Sawaco cũng điều phối công suất cấp nước của các nhà máy nước phù hợp, phối hợp với đơn vị quản lý hồ Dầu Tiếng, hồ Trị An để xả nước đẩy mặn khi có hiện tượng xâm nhập mặn xảy ra trên sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sẵn sàng vận hành các trạm cấp nước dự phòng.

Để đảm bảo chất lượng nước sinh hoạt cho người dân TP.HCM, Sawaco đã yêu cầu các đơn vị chủ động súc xả, điều tiết mạng lưới cấp nước và chuẩn bị các phương án cấp nước khẩn cấp như dùng xe bồn. Sawaco cũng thường xuyên cử cán bộ tuần tra, bảo vệ tuyến ống nước thô, tuyến ống truyền tải nước sạch, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương làm việc với đơn vị, cá nhân để di dời công trình lấn chiếm hành lang an toàn tuyến ống. 

Thường xuyên kiểm tra độ mặn để ứng phó

Ông Lê Quang Răng - Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh - cho biết, để chủ động ứng phó tình trạng hạn, mặn, đơn vị chức năng tiếp tục quan trắc nguồn nước trên các kênh, rạch chính và ở các cống đầu mối. Khi độ mặn vượt 1‰, họ sẽ đóng cống đầu mối; khi độ mặn dưới 1‰, họ sẽ mở cửa cống để lấy nước ngọt. Ông Lê Hồng Việt - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang - cho hay, nếu hạn, mặn tăng trong những ngày tới, sẽ có khoảng 890ha lúa và một số cây ăn trái, rau màu ở các xã Xà Phiên, Lương Tâm, Lương Nghĩa bị ảnh hưởng. Khi độ mặn ở sông lên mức 1,5‰, phòng sẽ cho đắp 56 đập thời vụ. 

Huỳnh Trọng

Khẩn trương duy tu đập ngăn mặn

Đập ngăn mặn Hiền Lương ở xã Nghĩa Hà, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi được xây dựng và đưa vào sử dụng cách đây 20 năm, cung cấp nước tưới cho gần 1.000ha đất sản xuất nông nghiệp ở các xã khu đông huyện Tư Nghĩa và TP Quảng Ngãi. Đập này đang xuống cấp, hư hỏng, ảnh hưởng xấu đến việc sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân. 
Người dân mong muốn công trình này sớm được sửa chữa. Sở NN-PTNT tỉnh đã yêu cầu Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Quảng Ngãi thường xuyên chống rò rỉ, hạn chế việc xâm nhập mặn. 

Thanh Vạn

TP.HCM cần sớm xây các hồ dự trữ nước thô

Giáo sư, tiến sĩ Lê Huy Bá - chuyên gia môi trường - nhận định, tình trạng xâm nhập mặn ở TP.HCM sẽ ngày càng phức tạp và gây hệ lụy. Cùng với sự chủ động của ngành cấp nước vào mùa khô, UBND TP.HCM cần tính đến giải pháp lâu dài là nhanh chóng xây dựng các hồ chứa nước thô dự trữ và các trạm bơm trung gian để ứng phó được trong trường hợp nước thô bị nhiễm mặn mà không đẩy mặn kịp hoặc khi gặp các sự cố môi trường. Cần tính toán phương án dự trữ nước nhiều gấp 3 - 4 lần so với hiện nay vì TP.HCM đang có hơn 10 triệu dân.

Hoàng Lâm

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm





Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất