, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 01/02/2022, 07:00

Khay Ning Nơng - mùa vui chơi

PGS.TS NGUYỄN DUY THIỆU
Đối với một bộ phận cư dân trên thế giới, bao gồm người Việt (Kinh), trong một năm thì Tết Nguyên đán (nguyên là bắt đầu, đán là buổi sớm mai) là lớn nhất, bởi Tết (tiết) này khởi đầu cho một năm mới. Nhưng không như nhiều người nghĩ, khởi thủy người Việt (Kinh) có lẽ đã “ăn Tết” theo một lịch khác - lịch nông nghiệp.

Ơn nước

Tư liệu dân tộc học gợi ý rất rõ rằng, giống như nhiều cư dân nông nghiệp khác tại khu vực Đông Nam Á, cha ông ta cũng ăn Tết vào dịp kết thúc một chu kỳ nông nghiệp cũ và sắp mở đầu cho một chu kỳ nông nghiệp mới. Thời bấy giờ nông nghiệp chỉ có một vụ, hình thức thủy lợi lúc đó là “chờ nước trời”. Nghĩa là Tết diễn ra ở giai đoạn chuyển từ mùa khô sang mùa mưa. Mặc dù từ bao đời nay người Việt đã ăn Tết Nguyên đán theo kiểu Hán (chính xác ở thời điểm nào thì chưa rõ, chỉ biết chắc chắn là sau thời nhà Hán (206 TCN - 221 sau CN), vì trước đó chính người Trung Hoa cũng không “ăn Tết” theo một lịch cố định), nhưng chúng ta vẫn có thể nhận ra các vết tích “Tết bản địa” về thời điểm và các nghi thức trong một số lễ, hội dân gian.

Hội đền Bà Tấm (nay thuộc xã Dương Xá huyện Gia Lâm thành phố Hà Nội) mở vào 19/02 âm lịch, tương tuyền ngày này là ngày sinh của Nguyên Phi Ỷ Lan. Ngày hội được mở đầu bằng đám rước nước. Khởi hành từ đền thờ Bà, đoàn rước đi đến giếng nước cạnh chùa làng Sủi (còn gọi là làng Phú Thị). Lấy xong nước, đám rước lại từ giếng trở về đền. Sau kiệu Bà là kiệu đựng ché nước. Quy mô đám rước rất lớn cho nên phải mất bốn năm tiếng mới rước được nước về đền.

Hội làng Bổng Điền (nay thuộc xã Tân Lập huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình) hàng năm mở vào ngày 10/03 âm lịch, chính hội là 2 ngày 14 và 15. Mở đầu là đám rước thánh vào ngày 14. Đám rước đi từ đình ra đền làng vạn (của cư dân vạn chài), hạ kiệu làm lễ sau đó đưa ché nước cũ xuống thuyền, xuôi thuyền đến ngã ba sông (nơi sông Hồng đỗ vào sông Vị Hoàng) thì làm lễ đổ nước cũ xuống sông, lấy nước mới rước về đình để thờ.

Rước nước làm lễ tế thần trong hội Khai xuân ở làng Cự Đà.

Đền Cuông nằm sát đường quốc lộ 1A, nay thuộc xã Diễn Trung thuộc huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An. Đây là nơi thờ An Dương Vương. Lễ hội tại đây mở vào 2 mùa Xuân, Thu hàng năm nhưng lễ chính vào mùa Xuân - diễn ra vào ngày 14, 15, 16 tháng 2 âm lịch. Để mở đầu lễ hội, bao giờ người ta cũng rước chum nước lấy từ nguồn hoặc từ giếng thiêng về đền để thờ...

Thời điểm của các nghi lễ liên quan đến nước đều trùng với thời điểm Tết năm mới cổ truyền của các tộc người bản địa ở Đông Nam Á. Không chỉ thế mà ngay trong Tết Nguyên đán dân ta vẫn còn lưu truyền tục “tắm tất niên” và tại các miền thôn quê vẫn còn tục lấy nước tinh khiết đúng vào lúc giao thừa. Dân gian vẫn tin rằng ai lấy được nước đầu tiên lúc giao thừa thì năm ấy gia đình sẽ an khang thịnh vượng...

Rõ ràng là người Việt đã theo Tết Nguyên đán từ lâu đời nhưng trong các nghi thức sinh hoạt dân gian họ vẫn chưa quên các hoạt động “té nước cầu mưa” - những hoạt động quan trọng trong việc thực hành lễ nghi nông nghiệp mà cho tới nay, vẫn tồn tại phổ biến ở nhiều nơi...

Khay Ning Nơng - mùa vui chơi

Những dấu ấn đậm đà của Tết nông nghiệp còn có thể nhận thấy rất rõ ở các dân tộc anh em.

Mừng mùa vụ Tây Nguyên

Người Mnông Gah ở Tây Nguyên tính năm theo thời gian một vụ rẫy mà tộc người này canh tác tại khu rừng có đá thần Gôo, nói theo tiếng bản địa của họ là: “Hii saa Brii Mau - Yang Gôo”. Bắt đầu một năm mới là bắt đầu một vụ rẫy mới.

Người Stiêng - một trong những nhóm cư dân “tiền Đông Dương” thuộc nhóm Nam Á, cũng là “bà con” gần của người Mnông cư trú ở Nam Tây Nguyên, có truyền thống mưu sinh chính bằng canh tác nông nghiệp nương rẫy. Họ có cách tính lịch riêng của mình, là dựa vào trăng để tính tháng. Gọi trăng là khay, người Stiêng tính một khay (tháng) là một chu kỳ trăng. Một năm trong nông lịch Stiêng chỉ có 10 tháng. Để tính một mùa rẫy (một năm), người Stiêng kết hợp tuần trăng với các hiện tượng xảy ra trong thiên nhiên cứ lặp đi lặp lại mà họ quan sát được trong cuộc sống hàng ngày. Sự kết hợp này được cố định lại bằng các câu văn vần để dễ nhớ. Mỗi tháng đều trùng với một hoặc vài hiện tượng trong tự nhiên và tương ứng với một khâu lao tác trong chu kỳ nông nghiệp của họ. Điều thú vị là những tháng có các khâu lao tác quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, người Stiêng đều tổ chức một lễ, lễ lớn nhất được tổ chức sau khi hoàn thành việc đưa lúa về kho - có thể coi đây như là “Tết” của họ chăng?

Sau vụ thu hoạch, đồng bào Ba Na cũng có tục đưa lúa về kho để làm lễ “Chít măng hơ nam” (đóng cửa kho lúa), chủ yếu là để tạ ơn các vị thần, đặc biệt là “mẹ lúa” đã phù hộ cho một vụ mùa bội thu. Lễ này làm theo từng nhà, ai thu hoạch xong trước thì làm trước, nhưng cả làng cùng chia vui, bởi thế mà lễ kéo dài hàng tháng. Qua “Tết” truyền thống này, thời tiết ở Tây Nguyên đến đỉnh điểm của mùa khô, đây cũng là mùa dịch bệnh, người Ba Na làm một lễ khác, lễ “kum pul” ở nhà rông của làng. Mục đích của lễ này là để tẩy uế, đuổi dịch bệnh, ngăn không cho dịch bệnh từ nghĩa địa tràn vào làng. Người Ba Na làm một hình nộm (gọi là kum pul), phù phép vào và đặt nó ở đoạn giữa đường từ nghĩa địa đến nhà rông với niềm tin là các loại “ma dịch bệnh” sẽ bị ngăn chặn. Sau đó, họ bắt đầu làm lễ bỏ mả hoặc “bỏ ma” (pơ thi).

Với hầu hết các tộc người ở Tây Nguyên, khi người mới chết chôn ở nghĩa địa cạnh làng thì ma mới vẫn là thành viên của gia đình, nên người thân vẫn phải “nuôi”. Cho tới khi người thân, gia chủ đã có đủ điều kiện (chủ yếu là điều kiện vật chất) thì họ làm lễ bỏ mả để chia tài sản, cắt đứt quan hệ giữa ma và người, tiễn biệt ma về với tổ tiên vĩnh viễn. Lễ này thông thường là của từng nhà hoặc của từng dòng họ (các tộc mẫu hệ có tục chôn chung nên họ tổ chức bỏ ma tập thể), nhưng hội thì của cả làng, cả khu vực.

Và cũng như lễ mừng lúa đã về kho, lễ bỏ mả kéo dài suốt trong cả mùa ăn chơi (khay ning nơng). Đáng lưu ý là nghi thức cuối cùng của lễ bỏ mả, người Tây Nguyên đọc bài khấn cầu may, cầu mùa mới sau đó thì họ “té nước”. Với người Ba Na, già làng đập vỡ bầu nước cúng rồi té nước ấy vào chủ nhà, chủ nhà té nước lại các già làng, sau đó mọi người té nước cho nhau. Mùa bỏ mả kết thúc vào khoảng tháng ba hàng năm (cuối tháng một của đồng bào), cũng là lúc dân bản địa bắt đầu vào rừng để tìm rẫy cho mùa mới.

Một năm mới, chu kỳ trồng trỉa mới lại bắt đầu.

PGS.TS NGUYỄN DUY THIỆU - Nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Đến Rạch Cái Sơn (thành phố hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) vào những ngày này, du khách sẽ bị mê hoặc bởi hàng chục chiếc bè trồng sen đang khoe sắc rực rỡ, làm cho dòng kênh thơ mộng hơn bao giờ hết.

Nổi bật
Được quan tâm


Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.




Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất