, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 04/02/2023, 11:15

Khi đất không còn nông dân…

AN BÌNH
(theo Jakarta Post)
Nông nghiệp là một lĩnh vực kém hấp dẫn đối với người lao động trẻ ngày nay. Tại các nước Đông Nam Á như Indonesia, Philippines... tỷ lệ sụt giảm lực lượng lao động ngành nông nghiệp là rất đáng báo động.
Cahyono Kurnia (giữa) và những người nông dân khác cùng thu hoạch cà chua trên cánh đồng của họ ở Ciwidey, Tây Java. Họ đã mở rộng trang trại và cải thiện năng suất nhờ vào quan hệ đối tác với nền tảng cho vay ngang hàng TaniFund.

Mỗi năm, Philippines đang mất ít nhất một phần trăm lực lượng lao động làm nông. Độ tuổi trung bình của nông dân Philippines hiện nay là 57 đến 59 tuổi. Điều này có nghĩa là trong một vài năm nữa, những nông dân này sẽ đến tuổi nghỉ hưu và trong 15 năm tới, đất nước này sẽ đối mặt với trình trạng thiếu hụt nghiêm trọng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. Không chỉ số lượng nông dân ngày càng giảm, diện tích đất nông nghiệp cũng giảm do quá trình công nghiệp hóa. Ngoài ra, còn có những yếu tố khác khiến ngành nông nghiệp Philippines đối mặt với cuộc khủng hoảng đang đến rất gần.

Đầu tiên, trình độ hạn chế cản trở người nông dân thích ứng với nhu cầu thay đổi của nông nghiệp. Họ bị mắc kẹt trong những phương thức cách canh tác truyền thống. Hơn nữa, phân bón, thuốc trừ sâu và hạt giống chất lượng mà nông dân cần để cải thiện năng suất nông nghiệp được nhập khẩu từ các nước khác dẫn đến tình trạng tăng giá.

Sự thiếu ổn định về giá nông sản và chèn ép từ các thương lái cũng khiến người trẻ nản lòng và không muốn tham gia vào công việc làm nông. Ví dụ, thương lái mua “palay” hoặc gạo với giá 15 peso/kg (xấp xỉ 0,28 USD) từ nông dân. Họ sẽ bán nó với giá 40 peso/kg (xấp xỉ 0,76 USD) trên thị trường. Giới trung gian sẽ kiếm được tổng cộng 104.000 peso từ 4 tấn lúa do nông dân sản xuất. Và sau hết, trong nhiều thập kỷ, việc thiếu sự phát triển cơ sở hạ tầng tốt cho nông dân (chẳng hạn như hệ thống giao thông, thủy lợi, cơ sở sấy khô và trung tâm xay xát…) cũng là một vấn đề.

Còn tại Indonesia, Cơ quan Thống kê (BPS) của nước này cho biết họ đã mất 5,1 triệu nông dân chỉ trong một thập kỷ từ năm 2003 đến 2013, giảm xuống còn 26 triệu người. Xu hướng này vẫn đang tiếp tục. Với đà sụt giảm này, Indonesia sẽ không còn người làm nông vào năm 2063!

“Phần lớn thanh niên coi làm nông là công việc chân tay, lương thấp, phù hợp hơn với những người có hoàn cảnh nghèo khó và trình độ học vấn hạn chế,” báo cáo của Viện nghiên cứu SMERU – Indonesia cho biết. Thanh niên ngày nay cũng rất quan tâm đến “hình ảnh bề ngoài”. Vì thế, so với các thế hệ trước, ngày càng ít thanh niên chọn theo nghề làm nông.

Ngành nông nghiệp cần được đầu tư để trở nên hiệu quả hơn

“Tăng cường đầu tư vào nông nghiệp để hiện đại hóa hệ thống và thị trường thực phẩm, đồng thời làm cho lĩnh vực nông nghiệp hoạt động hiệu quả hơn là chìa khóa để phá vỡ vòng luẩn quẩn này,” Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) viết trong một báo cáo vào năm 2019. Đầu tư vào nông nghiệp phải đến từ các cá nhân, khu vực tư nhân cho đến chính phủ và tổ chức phi chính phủ. Tóm lại, cần phải có một ngôi làng cùng bắt tay nhau gieo hạt giống tương lai cho ngành nông nghiệp.

Nông dân Tisna Rohmat, 33 tuổi, tại nông trại rau của gia đình ở Ciburial, Tây Java. Anh quản lý nông trại cùng với cha mình, Adang Parman và hai anh trai.

Công nghệ góp phần phá bỏ rào cản, định hình lại ngành nông nghiệp

Một số công ty công nghệ nông nghiệp đang thu hẹp khoảng cách ngày càng lớn giữa nông dân và người tiêu dùng. TaniHub và Sayurbox là hai công ty của Indonesia giúp người tiêu dùng mua sản phẩm tươi sống trực tiếp từ nông dân.

Ngoài ra, bộ phận cho vay ngang hàng TaniFund của TaniHub cho phép các cá nhân cho người nông dân vay tiền để họ có nguồn vốn mở rộng hoạt động. Cahyono Kurnia, một nông dân 36 tuổi đến từ Ciwidey, Tây Java, là người vay của TaniFund và quyết định tập trung vào trồng cà chua để cải thiện sản lượng của mình. Trong 16 năm làm nông nghiệp, Cahyono đã thử trồng đậu, khoai tây, hành lá, bắp cải và còn nhiều nữa. Giờ đây, với 1ha đất do anh sở hữu và 1ha đất thuê, anh cảm thấy tự tin hơn về sản phẩm của mình, một phần là nhờ hệ thống của TaniHub cho phép các chuyên gia giúp nông dân theo dõi tiến độ mùa vụ. “Trước đây, tôi không thể ước tính thu nhập từ sản phẩm của mình vì giá cả không rõ ràng. Bây giờ, giá cả đã ổn định và tôi có thể kiếm được thu nhập khá hơn”, Cahyono, cha của hai đứa con, nói.

Irsan Rajamin, giám đốc điều hành start-up công nghệ nông nghiệp Habibi Garden, cho biết việc sử dụng công nghệ internet vạn vật (IoT) có thể là thỏi nam châm thu hút thế hệ 8x, 9x và giới trẻ, nhằm đưa họ đến với ngành nông nghiệp. “Thế hệ này không thể rời mắt khỏi điện thoại, dù chỉ trong một giờ, vì vậy chúng ta phải làm cho thói quen của họ trở nên có ích và hiệu quả hơn,” ông nói. Habibi Garden sử dụng nền tảng kỹ thuật số và IoT để hỗ trợ người nông dân. Bằng IoT, Habibi Garden có thể giúp nông dân giám sát và duy trì nông trại cũng như cây trồng của họ từ xa.

Trong khi đó, Dự án hợp tác công tư Indonesia - Nhật Bản (IJHOP4) sử dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain) để kết nối nông dân với các khoản vay và bảo hiểm.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất