, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 10/11/2018, 10:58

Khi gió chướng thổi … đào hầm chờ cá nhảy!

THẠCH BA XUYÊN

Nước trên ruộng bắt đầu cạn nhanh do nắng và gió, do chảy theo các lổ mội xuống sông, rạch, ao đìa. Theo đó, cá cũng bắt đầu quay trở lại sông rạch để sinh sống qua mùa khô.

Thường thường cá di chuyển theo một con đường mòn trũng thấp, có chút nước lấp xấp, hoặc có khi chúng lóc đi ngay trên cạn. “Lóc” nghĩa là con cá uốn cong thân mình qua mặt, qua trái thật nhanh, rồi dùng đầu và đuôi đập xuống đất để lấy trớn và trườn tới.

Đào hầm chở cá nhảy
Đào hầm chở cá nhảy

Có lẽ cá lóc là loại cá “lóc” mau lẹ và giỏi nhứt nên mới có tên như vậy. Cá lóc chẳng những lóc trên mặt đất mà còn có thể nhảy qua một chướng ngại vật như là một bờ đất, một bờ mẫu. Kế cá lóc là cá rô, cá trê. Hai loại cá này cũng là bậc thầy về chuyện di chuyển như vậy.

Lợi dụng thói quen đó, người dân quê cũng bắt đầu vào vụ đào hầm bắt cá.

Dựa theo kinh nghiệm dân gian, người ta dựa theo các bờ mẫu ruộng, chọn vị trí mà cá có thể lóc, lội xuống ao đìa để đào hầm.

Có được chỗ thuận lợi, xế chiều người ta vác dá đi đào hầm. Hầm có thể đào theo hình chữ nhật rộng chừng năm bảy tấc, ngang chừng ba bốn tấc tay, hoặc khoét một lổ tròn đường kính cỡ bốn, năm tấc, có khi người ta chôn xuống đó cá khạp, hũ sành nhỏ. Xung quanh miệng hầm phải ngụy trang sình, bùn hay các dề cỏ giống như môi trường xung quanh để cá không phát hiện ra “bẫy” đang chờ chúng.

Khuya, sương xuống, cá cũng bắt đầu tìm đường đi, nghe mùi sình và hơi nước chúng sẽ hướng đến … và lọt vô hầm. Thành hầm cao nên chúng khó lòng phóng thoát khỏi. Con này lọt vô hầm quậy động, còn khác nghe tiếng “rọt rẹt” lại tìm đến và cũng … lọt hầm.

Chừng nửa đêm ngủ giật mình thức dậy, người ta đốt đèn đi thăm hầm. Nhiều khi quên thì để tới sáng cũng được. Có điều cá vô nhiều, có những con lớn chúng có thể nhảy thoát và tìm đường ra mương vũng gần đó.

Bắt cá xong, vét lại miệng hầm, nếu có nước vô thì tát cạn rồi chờ cho cá nhảy tiếp, … Một hầm có thể bắt cá tới năm ba ngày như chơi!

Một nét đẹp văn hóa thời tự túc tự cấp còn lưu lại là người ta chỉ đi thăm hầm của mình, ít ai đến hầm người khác bắt trộm làm gì. Nhiều khi thấy hầm của người hàng xóm đào do non kinh nghiệm nên cá không nhảy, người được nhiều còn đem cho mấy con ăn lấy thảo nữa!

Có lẽ những con cá lóc, cá rô vừa ăn no nhụy lúa nên chúng vừa mập, vừa béo. Bắt con cá lóc nhảy đem nướng trui rồi ngắt miếng lá chuối để lên, tách đôi con cá ra, thịt trắng phau như bông bưởi, khói nóng bốc lên thơm phức, kèm với ít đọt rau rừng hái cạnh mé vườn, bờ ruộng, chấm muối ớt hoặc nước mắm chanh ớt, ăn không có gì ngon, mà lại tinh khiết cho bằng.

Mùi bùn của ruộng cạn dường như đã thấm vào da thịt chúng, nên cá nhảy hầm nướng trui vừa ngọt vừa đậm đà hương vị đặc trưng miền quê, ai đã từng thưởng thức thì thật khó lòng quên được. 

Tiếc là ngày nay, đống lúa thâm canh tăng vụ. Quanh năm nước ngập đồng hết hè thu người ta làm ngay vụ đông xuân, không còn cảnh làm mỗi năm một vụ lúa mùa như ngày trước, nên nét sinh hoạt văn hóa đào hầm chờ cá nhảy cũng đã dần lùi vào dĩ vãng.

Bình luận

Xem nhiều


Đến Rạch Cái Sơn (thành phố hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) vào những ngày này, du khách sẽ bị mê hoặc bởi hàng chục chiếc bè trồng sen đang khoe sắc rực rỡ, làm cho dòng kênh thơ mộng hơn bao giờ hết.



Nổi bật
Được quan tâm



Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.



Việc phục chế sách cổ không chỉ yêu cầu người thợ có tay nghề cao, thông thạo về các kỹ năng bảo quản và phục chế, mà còn có kiến thức về văn học, đặc biệt là chữ Hán Nôm.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất