, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 26/11/2022, 06:00

Khi nghệ sĩ không có nhà hát!

BẢO AN
Suất diễn cuối tuần ngày 31/10 của À ố show đã phải tạm dời qua ngày khác để nhường sân khấu Nhà hát Thành phố cho đêm chung kết giải thưởng Trần Hữu Trang. Nếu giải thưởng Trần Hữu Trang cần có một không gian trang trọng cho đêm trực tiếp truyền hình; cộng với sức chứa mà phim trường của HTV không thể đáp ứng thì tìm một sân khấu có đủ công năng cho À ố show, ngoài Nhà hát Thành phố hoàn toàn là điều bất khả ở thành phố đầu tàu của cả nước này.

Với tính chất của một chương trình nghệ thuật trình diễn tổng hợp âm nhạc, múa và xiếc; đòi hỏi hạ tầng của nhà hát phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và độ an toàn tuyệt đối. Hiện, ở TP.HCM, quá hiếm nhà hát, rạp biểu diễn đáp ứng tiêu chí cơ bản nói trên.

Sân khấu kịch IDECAF - một trong những đơn vị xã hội hóa thành công nhất của làng kịch nói Sài Gòn hiện nay - với thương hiệu chương trình kịch thiếu nhi Ngày xửa ngày xưa, trong kế hoạch trình diễn của mình luôn phải “dời đô” ra Nhà hát Bến Thành bởi công năng, quy mô, kỹ thuật biểu diễn vượt xa một sân khấu vốn là một “hội trường” của nhà văn hóa. Tất nhiên, kèm theo đó là chi phí thuê rạp, công tác vận hành sẽ tốn kém hơn nhiều. Nhưng ông bầu Huỳnh Anh Tuấn dường như không còn lựa chọn nào khác. 

Bất công nhất cho giới nghệ sĩ lẫn khán giả cải lương là ngay tại chính sân khấu “bản địa” của cải lương Sài Gòn, tức rạp Hưng Đạo của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang lại hầu như không thể sáng đèn do rạp mới xây đã hoàn toàn sai công năng nên không thể biểu diễn.

Thiết kế cho một nhà hát biểu diễn sân khấu dân tộc mà lại tập trung cho diện tích tiền sảnh, thang cuốn… trong khi, sàn diễn bị bó hẹp, trần rạp bị hạ thấp (so với trước); khu vực cánh gà, hậu trường để xử lý công tác hậu đài, di chuyển cảnh trí thì “có cũng như không” vì ép sát. Điều tệ hại nữa là bản thiết kế lại bố trí các phòng hóa trang cách xa sân khấu biểu diễn, khán phóng thì tạo độ dốc, hoàn toàn không phù hợp với tính chất, tính năng phục vụ khán giả xem hát. 

Cho đến nay, công trình có trị giá trên 100 tỷ đồng này vẫn chưa có một câu trả lời chính thức về những bất cập từ bản vẽ đến hoàn công, ai là người phải chịu trách nhiệm. 

Trong khi đó, dự án Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và vũ kịch TP.HCM đã được HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư với mức tổng đầu tư ban đầu 1.500 tỷ đồng. Dù hiện đã tạm dừng do chưa bố trí được nguồn vốn, ưu tiên tập trung vốn cho các dự án phát triển kinh tế, chính sách an sinh của thành phố nhưng lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao thành phố cam kết sẽ tiếp tục triển khai khi có đủ điều kiện thuận lợi.

Vấn đề là, trên mặt bằng chung đang thiếu hụt các điểm diễn, nếu có thì xuống cấp, tạm bợ, không đúng công năng; việc tập trung nguồn vốn ngân sách cho một công trình mà mục tiêu, chức năng, vị trí (địa điểm), hiệu quả phục vụ chưa thật sự đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu của giới lẫn công chúng. 

Một trung tâm kinh tế - văn hóa hàng đầu của cả nước, một thành phố “ngã ba đường” có sức hội tụ sáng tạo và thích nghi mạnh mẽ, nhưng lại là nơi gần như người nghệ sĩ không có một không gian biểu diễn, một nhà hát, rạp hát chuyên nghiệp, khang trang. 

Vì sao? Do đâu? 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1


Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất