, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 31/03/2020, 16:23

Khi rơm không là... rơm

Theo NGỌC MINH (baocamau.com)

Mỗi khi có dịp về thăm nhà, Phạm Trang Thảo lại quấn theo chân cha bên những đống rơm. Có khi ngồi nhìn cha ủ rơm hay phụ cha thu hoạch nấm. Đối với cô gái đôi mươi, hiện đang là sinh viên năm nhất này, ký ức tuổi thơ gắn liền với những cánh đồng rơm rạ.

Ông Út Nguyện là người tiên phong và bước đầu thành công với mô hình kinh doanh từ cuộn rơm.
Ông Út Nguyện là người tiên phong và bước đầu thành công với mô hình kinh doanh từ cuộn rơm.

Trang Thảo chia sẻ rằng, khi xa gia đình, nhiều lúc không chỉ thèm các món ăn đơn sơ do chính tay mẹ nấu như cá rô kho tộ, cá lóc nấu canh chua bông súng mà còn nhớ mùi rơm rạ thơm ngào ngạt. Hình ảnh tuổi thơ của các con và của chính mình lăn lộn trên đống rơm chơi đủ trò vẫn còn nguyên trong ký ức ông Út Nguyện (Phạm Minh Nguyện, cha Trang Thảo, ấp Nhà Máy B, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau). Rơm còn là hình ảnh của quê hương, là hồn quê xứ sở.

Tạm nghỉ mệt sau khi xới đống rơm, chuẩn bị trồng nấm, ông Út Nguyện tâm tình, là con nhà nông chính hiệu, từ tuổi thơ cho đến khi lớn lên, thành gia lập thất, ông luôn gắn liền với ruộng đồng. Từ cái thời còn dùng máy tuốt lúa, trên sân đống rơm to đùng, sau này là nơi vui chơi thoả thích của ông và lũ bạn, cho đến khi việc cắt lúa bằng tay không còn, thay vào đó là những máy gặt đập liên hợp “thần tốc”, chưa bao giờ ông từ bỏ cây lúa dù trong những lúc bẩn chật.

Cây lúa, hạt gạo giúp no lòng, đem lại cái chữ cho bao thế hệ lớn lên nơi ruộng đồng. Nhưng rơm thì vẫn vương vãi khắp ruộng hay đốt bỏ sau khi thu hoạch lúa để cải tạo đất chuẩn bị vụ mùa mới theo thói quen xưa nay của nông dân. Giá trị của rơm hầu như chưa được khai thác hết. Đôi lúc bà con cũng có thói quen dùng rơm ủ làm phân trồng rẫy hay trồng nấm rơm, nhưng việc tập hợp rơm khá vất vả. Thấy bà con tỉnh ngoài đã tận dụng được rơm vào nhiều thứ, làm có bài bản đàng hoàng, ông Út Nguyện rất muốn làm gì đó để nâng tầm giá trị cọng rơm, đem lại lợi ích cho mình và phục vụ bà con xứ sở.

“Tình cờ, một lần tôi xem các mô hình kinh tế của nông dân trên mạng, thấy ở Đồng Tháp có mô hình làm cuộn rơm. Không chỉ tiện lợi trong thu hoạch rơm mà còn kinh doanh từ rơm. Thay vì nông dân mình bỏ công sức ra gom từng cọng rơm trên đồng ruộng mà một ngày chẳng được bao nhiêu, thì với máy cuộn rơm, sản lượng rơm thu hoạch được tăng gấp nhiều lần”, ông Út Nguyện cho biết.

Ông Út Nguyện thành công với mô hình trồng nấm rơm trong nhà kính, đem lại thu nhập cao hơn.
Ông Út Nguyện thành công với mô hình trồng nấm rơm trong nhà kính, đem lại thu nhập cao hơn.

Làm ăn lớn thì phải thấy tận mắt, sờ tận tay. Vậy là, ông Út Nguyện lặn lội đến tận nơi tìm hiểu kỹ càng. Ông nghĩ, ước mơ biến rơm thành tiền là đây chứ chẳng đâu xa. “Cũng nhờ có chương trình hỗ trợ vốn sản xuất nông nghiệp của Nhà nước mà tôi được vay vốn mua máy. Tới 320 triệu đồng lận, đâu phải ít, nếu tự sức mình chắc không kham nổi. Được giúp đỡ kịp thời mà còn vay không lãi suất, thời hạn trả trong 36 tháng, rất ưu đãi cho nông dân tụi tôi”, ông Út Nguyện vui mừng cho biết.

Có máy, ông Út Nguyện bắt tay làm ngay, nhưng hầu như chẳng đêm nào ngon giấc. Ông kể, cũng hồi hộp, lo lắng lắm. Chung quy lại cũng là vì việc cuộn rơm này quá mới mẻ ở quê, biết có kinh doanh được không, rồi việc quảng bá, tiếp cận khách hàng ra sao, đủ thứ lo; nhưng ông cũng nghĩ, nếu không ổn thì cũng mất mát gì mà sợ. Có sẵn cái nghề trồng nấm hai chục năm trong tay, nếu thất bại coi như tự mình phục vụ mình vậy. Lúc đầu ông Út Nguyện mua rơm với số lượng ít, sau một vài vụ, bà con đã quen dùng và có được vài mối khách ở tỉnh ngoài mua cuộn rơm thì mở rộng số lượng mua nhiều hơn.

Vậy là, ngoài việc sử dụng máy cuộn rơm để thu hoạch rơm, trồng nấm của gia đình được tiện lợi, ông Út Nguyện bắt đầu kinh doanh cuộn rơm một năm nay với nhiều hình thức như: cuộn rơm thuê, với giá 12.000 đồng/cuộn; mua rơm trên đồng ruộng của bà con, với giá 20.000 đồng/công; 1 cuộn rơm bán cho khách với giá 16.000 đồng; hay có khi nông dân hào phóng cho rơm thì ông Út Nguyện bỏ công ra cuộn rơm, vận chuyển về nhà và chừa lại cho chủ nhà một phần để dùng khi cần.

Chị Lê Thị Nương, ấp Nhà Máy B, xã Khánh Hưng, cho biết: “Gia đình tôi trồng rẫy nhiều năm. Trước để có rơm làm phân rất khó, phải gom ngoài đồng. Giờ có máy cuộn rơm của anh Út Nguyện mà mình có rơm để trồng màu dễ hơn, giá cả cũng rẻ, 12.000 đồng/cuộn. Gia đình có 21 công ruộng, sau khi thu hoạch vụ lúa xong, thuê máy cuộn được 570 cuộn rơm. Với đống rơm này, trồng được nhiều vụ màu lắm à!”.

Hai khu trữ rơm cuộn, với số lượng trên 2.000 cuộn của gia đình ông Út Nguyện chất đầy. Ông bảo: “Có người đặt hàng rồi mà do kênh, rạch khô nước nên chưa vận chuyển được. Mình cũng phải dự trữ vì 6 tháng mới xong vụ lúa, mới có rơm, nếu khách hàng cần thì có liền”.

Dọc theo kênh Cơi Nhì, ấp Nhà Máy B, dễ dàng nhìn thấy những đống rơm cuộn sẵn chất đầy sân. Ông Út Nguyện chia sẻ: “Bà con đã quen dùng rồi. Không chỉ mình phục vụ cho bà con ở ấp mà còn ở các xã lân cận như Khánh Hải, Khánh Bình Tây, Trần Hợi".
Đâu chỉ mạnh dạn trong việc làm kinh tế từ cuộn rơm mà ông Út Nguyện còn tiên phong trong việc đưa mô hình trồng nấm rơm truyền thống của nông dân lên một bước tiến mới. “Qua nhiều năm trồng nấm rơm, thấy việc trồng nấm cuốc vồng, trồng ngoài tự nhiên truyền thống có nhiều hạn chế, tôi tìm hiểu và áp dụng mô hình trồng nấm rơm trong nhà kính 6 tháng nay”, ông Út Nguyện bộc bạch.

Hiện ông Út Nguyện trồng nấm rơm trong 5 nhà kính, với diện tích 48 m2/nhà kính. Ông Út Nguyện cho biết, trồng nấm rơm trong nhà kính ngoài việc đỡ tốn công chăm sóc, thuận tiện trong việc điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm thì rơm nguyên liệu giảm 40% và năng suất cao hơn trên 10% so với trồng ngoài tự nhiên.

“Tôi mới vừa thu hoạch xong vụ nấm này. Năng suất đạt 120 kg nấm/nhà kính, với giá bán 60.000 đồng/kg. Trồng nấm rơm thời gian xoay vòng rất nhanh, nhanh hơn cả trồng màu, từ trồng cho đến khi thu hoạch dứt điểm trong vòng 1 tháng. Như vậy, mình có thu nhập đều đều mỗi tháng. Giá cả cao, ổn định, thấp nhất là 50.000 đồng/kg, cao nhất 70.000 đồng/kg và đầu ra rất dễ. Hiện, lượng cung chưa đáp ứng đủ nhu cầu, nên tôi đang mở rộng thêm, thuê đất người khác trồng nấm rơm theo kiểu tự nhiên”, ông Út Nguyện chia sẻ.

Những cánh đồng rơm giờ đây đã đem lại giá trị kinh tế cao hơn cho nhà nông. Ông Út Nguyện dự định, sắp tới sẽ mở rộng nhiều mô hình làm kinh tế từ rơm như nuôi bò, nuôi trâu. Tin rằng, với quyết tâm, ý chí vượt khó của những nông dân như ông, mai đây rơm rạ sẽ có thêm nhiều câu chuyện mới, vui hơn.

Theo NGỌC MINH (baocamau.com)

 

Bình luận

Xem nhiều


Ngày 16/4, rất đông người dân địa phương và du khách đổ về 2 ngôi chùa Tưk Phos và Phnom Pi (Tri Tôn, An Giang) để dự lễ tắm Phật và lễ hội té nước. Đây là lễ hội truyền thống của người Khmer vùng Tri Tôn (An Giang), nơi giáp biên giới với Campuchia, trong dịp tết Chol Chnam Thmay diễn ra từ 13-16/4.



Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất