, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 15/03/2023, 06:57

Khoai lang Nhật - "Ăn" dễ, làm dễ, nhưng tránh ồ ạt

TUẤN ANH - ĐĂNG LÂM
(nongnghiep.vn)
Nhờ nguồn nước tưới dồi dào từ công trình thủy lợi Ayun Hạ cùng khí hậu, thổ nhưỡng lý tưởng đã biến huyện Phú Thiện trở thành thủ phủ khoai lang của tỉnh Gia Lai.
images3214734_hinh_11
Diệt tích khoai lang Nhật trên địa bàn huyện Phú Thiện tăng chóng mặt trong vài năm trở lại đây. Ảnh: Tuấn Anh.

Diện tích tăng chóng mặt

Về huyện Phú Thiện, chúng tôi có dịp gặp được ông Đỗ Văn Năm (thôn Drok, xã Chư A Thai), một trong những người tiên phong trồng và phát triển cây khoai lang ở vùng đất này.

Ông Năm kể, năm 2004, một người bạn ở huyện Chư Sê đã gợi ý cho ông đưa giống khoai lang Nhật về trồng trên vùng đất Phú Thiện. Câu chuyện trồng khoai lang Nhật rồi tính chuyện xuất khẩu sang các nước khiến ông Năm bị lôi cuốn. Lúc bấy giờ ông suy nghĩ, nếu trồng để xuất khẩu thì phải có diện tích lớn, 1 - 2ha không ăn thua. Nói là làm, ông Năm đã đặt vấn đề với UBND xã Ia Sol (huyện Phú Thiện) để mượn 11ha đất trồng khoai lang.

Thời điểm đó, trồng khoai chủ yếu theo hình thức thủ công và cũng không được đầu tư bài bản như bây giờ. Cũng may, khi trồng lên, cây khoai lang phát triển tốt, sản lượng vượt xa so với kỳ vọng và được thương lái từ Lâm Đồng, Bình Thuận tranh nhau đến thu mua. Tuy nhiên lúc bấy giờ, cây khoai lang còn mới mẻ nên nhiều hộ dân trông vùng vẫn còn e dè để đầu tư trồng.

Sau đó, ông Năm phải đi vận động bà con trồng, đồng thời đầu tư giống, phân bón và cam kết bao tiêu sản phẩm. Trải qua nhiều năm vận động người dân trồng, diện tích khoai lang đã tăng lên hàng trăm ha. Khoảng 4 năm trở lại đây, nhiều người dân các xã Ia Sol, Chư A Thai, Ia Peng, Ia Piar, Chrôh Pơnan và Ia Yeng đã chuyển đổi diện tích lúa và cây ngắn ngày năng suất thấp sang trồng khoai lang. Thêm vào đó, trước sức hút lợi nhuận của loại cây trồng này, nhiều nông dân từ các tỉnh Đắk Lắk, Kon Tum cũng đổ xô đến thuê đất trồng.

Từ đó, huyện Phú Thiện trở thành vùng chuyên canh khoai lang lúc nào không hay. Có lẽ, do hợp thổ nhưỡng nên khoai lang trồng ở đây phát triển rất tốt, năng suất cao. Cứ thế, hộ này chỉ cho hộ kia, diện tích tăng dần hàng năm. Nếu như vụ đông xuân 2020 - 2021 toàn huyện chỉ có 500ha khoai lang thì năm 2021 - 2022 vọt lên 1.000ha, đến nay có hơn 1.200ha.

khoai lang phú thiện
Khoai lang Nhật mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân huyện Phú Thiện. Ảnh: Đăng Lâm.

Bà Nguyễn Thị Hương (thôn Hải Yên, xã Chư A Thai) cho biết, vụ khoai lang vừa rồi nhờ chủ động được nguồn nước nên khoai lang của gia đình cho năng suất 27 tấn/ha. Với 5ha cùng giá bán 7,5 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình bà lãi trên 500 triệu đồng, gấp 3 - 4 lần trồng lúa.

“Do giống khoai Nhật Bản cho năng suất cao, phù hợp xuất khẩu nên cứ vào vụ thu hoạch là thương lái đến mua tận ruộng. Đặc biệt, trước thông tin khoai lang được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, nhiều thương lái đến đặt cọc hỏi mua từ trước”, bà Hương chia sẻ.

Cũng theo bà Hương, để khoai lang đạt chuẩn xuất khẩu, mới đây cán bộ nông nghiệp huyện đã xuống đo đạc, thống kê diện tích, đồng thời tuyên truyền, vận động bà con canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP để được cấp mã số vùng trồng. Vụ khoai tới, gia đình bà sẽ đăng ký 7ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.

Theo nhiều hộ dân, giá khoai lang có lúc lên xuống thất thường làm nhiều người lo lắng, nhưng thực tế cho thấy, cây khoai lang vẫn phù hợp với vùng đất này và giúp nhiều hộ khá lên. Dần dần, khoai lang trở thành một trong những cây trồng chủ lực, diện tích liên tiếp tăng hàng năm, biến  Phú Thiện trở thành “thủ phủ” khoai lang của tỉnh Gia Lai.

Cẩn trọng phát triển ồ ạt

Ông Đỗ Văn Năm cho biết, cây khoai lang Nhật thực sự rất phù hợp với vùng đất Tây Nguyên khi cho năng suất, chất lượng rất tốt. Tuy nhiên, có những năm người dân trồng khoai lang quá nhiều khiến cho cung vượt quá cầu dẫn đến không bán được.

DSC_4621
Thị trường khoai lang vẫn chủ yếu phụ thuộc vào Trung Quốc. Ảnh: Tuấn Anh.

Theo đánh giá của UBND huyện Phú Thiện, cây khoai lang Nhật dù cho thu nhập hàng trăm triệu/ha nhưng việc sản xuất vẫn chủ yếu theo hướng tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết giữa các hộ dân và doanh nghiệp. Việc tiêu thụ chưa có hợp đồng ký kết ngay từ đầu, chủ yếu là đặt cọc của thương lái trong vụ. Bên cạnh đó, tâm lý của một số hộ dân sợ tăng giá vào cuối vụ nên chủ quan không liên kết với thương lái để bao tiêu sản phẩm từ đầu vụ.

Đặc biệt, tình hình tiêu thụ khoai lang trên địa bàn chủ yếu đến từ nhà máy tại Lâm Đồng, một phần xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, còn lại tiêu thụ tại các chợ trong cả nước.

Người trồng vẫn còn nhớ vụ khoai lang năm 2019, Trung Quốc đã không cho một số mặt hàng nông sản nhập khẩu theo đường tiểu ngạch dẫn đến khoai lang của huyện không thể tiêu thụ được. Khi đó, huyện phải đưa ra chiến dịch “giải cứu” khoai lang đi tiêu thụ tại các chợ đầu mối trong nước từ Hà Nội, TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác. Điều này dẫn tới giá thu mua thấp, người dân lỗ vốn nặng.

Ông Phùng Trung Toàn, Chủ tịch UBND xã Chư A Thai cho biết, có một số năm, giá khoai lang xuống thấp, còn lại tương đối ổn định. Mùa vụ năm nay, giá khoai lang tăng cao lên 11.000 - 12.000 đồng/kg nhưng lại bị mất mùa khi năng suất giảm 30%.

“Hiện nay khoai lang trong vùng chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên việc tiêu thụ bấp bênh. Thậm chí, có những năm khoai lang trong vùng phải đem đi “giải cứu” ở khắp nơi trong cả nước. Chính vì vậy, mong muốn lớn nhất của người dân trồng khoai lang là có doanh nghiệp vào đầu tư, hỗ trợ thu mua để đảm bảo thị trường đầu ra cho sản phẩm”, ông Toàn cho biết.

Ông Toàn cũng cho biết, để khoai lang phát triển bền vững, địa phương đang hướng người dân sản xuất sạch theo hướng hữu cơ. Vừa qua, có doanh nghiệp ngoài Hà Nội đã vào làm việc với địa phương và HTX về việc trồng thí điểm vài chục ha khoai lang theo hướng hữu cơ và bao tiêu sản phẩm.

DSC_4637
Chính quyền khuyến cáo người dân không nên ồ ạt trồng cây khoai lang. Ảnh: Đăng Lâm.

Trong khi đó, theo Phòng NN&PTNT huyện Phú Thiện, thời gian qua, nhiều nơi người dân ồ ạt mở rộng diện tích, không có sự liên kết chặt chẽ với HTX, doanh nghiệp trong sản xuất dẫn đến đầu ra một vài mùa vụ gặp khó khăn. Chính vì vậy, người dân nên cẩn trọng khi mở rộng diện tích nhằm tránh việc mất mùa, mất giá.

Ông Mai Ngọc Quý, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Thiện cho biết, để cây khoai lang phát triển bền vững, đem lại thu nhập khá cho người trồng là điều mà chính quyền địa phương hết sức quan tâm. Vừa qua, Phòng có gửi văn bản đến UBND xã Ia Sol và Chưa A Thai về việc đăng ký quản lý vùng trồng gắn với tiêu thụ sản phẩm đối với cây khoai lang.

Ông Quý cho rằng, về lâu dài để phát triển bền vững cho cây khoai lang, khâu quan trọng là hướng nông dân vào HTX nhằm sản xuất theo cùng quy trình, tạo ra sản phẩm đồng nhất. Từ đó, hình thành cánh đồng mẫu lớn khoai lang, giúp người dân ứng dụng nhiều phương pháp canh tác cải tiến theo tiêu chuẩn VietGAP, tạo ra sản phẩm phục vụ thị trường xuất khẩu.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện cho biết, trước đây nhận thấy cây khoai lang có tiềm năng, huyện đã xây dựng đề án phát triển định hướng đến năm 2025. Theo đó, trên cơ sở làm tốt khâu liên kết sản xuất sản phẩm chất lượng tiến tới xây dựng thương hiệu khoai lang Nhật Phú Thiện và kêu gọi đầu tư nhà máy chế biến trên địa bàn. Tuy nhiên, đề án sau đó hủy bỏ do cây khoai lang vẫn tương đối bấp bênh, có lúc được giá nhưng cũng có thời điểm phải giải cứu. Thị trường Trung Quốc đóng nhiều thời điểm cửa dẫn đến thương lái không thu mua khoai lang, người nông dân gặp nhiều khó khăn.

“Cây khoai lang thực sự chưa bền vững, cứ năm nào được giá, người dân lại đổ xô vào trồng rồi không bán được, lại phải giải cứu. Chính vì vậy, huyện không khuyến khích phát triển khoai lang ồ ạt, làm phá vỡ quy hoạch nông nghiệp trên địa bàn”, ông Tuấn khẳng định.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất