
Phát biểu khai mạc, TS Lê Hoàng Dũng - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM nhấn mạnh Hội thảo diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã và đang tác động sâu sắc đến nhiều lĩnh vực, đặt ra những thách thức to lớn đối với sự phát triển của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Hội thảo được tổ chức nhằm tạo diễn đàn khoa học chất lượng cao về nghiên cứu Việt Nam ở trong nước và khu vực, thiết lập mạng lưới các nhà Việt Nam học quốc tế để cùng thảo luận những vấn đề đương đại trong xã hội Việt Nam ngày nay.
TS Trần Thị Mai Nhân - Quyền Trưởng khoa Việt Nam học (trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được gần 100 tham luận của các học giả, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế; trong đó có những học giả đến từ các Trường, Viện của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga, Pháp…
Các bài viết tập trung vào lĩnh vực văn hóa, ngôn ngữ, văn học - nghệ thuật, lịch sử - xã hội… Không chỉ đề cập đến các vấn đề liên quan đến giao lưu tiếp biến văn hóa, những hướng tiếp cận mới khi nghiên cứu văn hóa truyền thống, các bài viết còn thảo luận về những bước chuyển trong tư duy, chính sách, kinh tế, giáo dục, sinh thái… của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Đặc biệt, chủ đề nông thôn thời hiện đại thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu. Điển hình, đã có những bài viết nghiên cứu về môi trường văn hóa trong xây dựng Nông thôn mới, du lịch nông thôn - xu hướng du lịch sau đại dịch Covid-19, biến đổi văn hóa sinh kế của cư dân làng cổ Đường Lâm trước tác động của du lịch… Nhiều bài viết thể hiện được sự nghiên cứu chuyên sâu với những lý giải mới mẻ.

Tại Hội thảo, các học giả, chuyên gia, nhà khoa học đã tiếp tục đi sâu làm rõ các giá trị của Việt Nam và đề xuất giải pháp nhằm phát huy các giá trị trở thành nội lực thúc đẩy kinh tế - xã hội Việt Nam phát triển bền vững.
“Chúng tôi hy vọng Hội thảo sẽ tạo thêm nguồn cảm hứng để các nhà khoa học nghiên cứu sâu hơn nữa, phát hiện thêm nhiều vấn đề mới, góp phần vào sự phát triển chung” - TS Trần Thị Mai Nhân chia sẻ.
Đồng quan điểm, PGS TS Nguyễn Ngọc Thơ - Trưởng khoa Văn hóa học (trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM) nhận định: “Thế giới đang chuyển động và sẽ tiếp tục chuyển động không ngừng. Các nhà khoa học cũng như các nhà quản lý cần có sự chuẩn bị một cách chủ động, tích cực để giúp cho văn hóa xã hội có thể ổn định hơn trong một thế giới đầy chuyển động”.